Thứ 4, 13/11/2024, 05:28[GMT+7]

Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết

Thứ 2, 12/05/2014 | 09:35:36
1,230 lượt xem
Ngày 9 tháng 5 năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh ra Công văn số 1175/UBND-VX về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết.

Ảnh minh họa

Toàn văn như sau:

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó đã có 02 ca tử vong; 7.931 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 04 ca tử vong. Dự báo dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng trong thời gian tới do tính chất lây truyền và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 06/5/2014 Thủ tướng Chính phủ có Công điện Hỏa tốc số 585/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết; Để ngăn chặn, chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND huyện, thành phố khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Sở Y tế:

- Tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm ca bệnh, tổ chức khám, cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; theo dõi sát tình hình dịch ở các tỉnh lân cận và trong nước để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả các cơ sở y tế và người dân cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Thực hiện điều tra, đánh giá xác định các đối tượng nguy cơ để đưa ra các biện pháp phòng chống phù hợp với tình hình dịch bệnh;

- Chỉ đạo việc cấp cứu và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, phân loại cách ly ngăn ngừa lây chéo trong bệnh viện; thường xuyên cập nhật phương pháp phát hiện sớm, phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết theo chỉ đạo của Bộ Y tế;

- Bảo đảm đủ trang thiết bị y tế, vật tư, phương tiện kỹ thuật thuốc để cấp cứu, điều trị bệnh nhân; tổ chức thường trực chống dịch để sẵn sàng xử lý khi có yêu cầu;

- Chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông để chuyển tải kịp thời đến cộng đồng và người dân về tình hình dịch, các biện pháp phòng ngừa và nâng cao nhận thức người dân về phòng, chống dịch bệnh;

- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp báo cáo tình hình dịch, công tác phòng chống dịch về Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trong tỉnh tổ chức truyền thông phòng chống dịch bệnh tới toàn thể giáo viên, học sinh. Chủ động phối hợp với ngành Y tế trong tổ chức tuyên truyền tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết; thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh để phối hợp xử lý.

3. Sở Tài chính: Bố trí kinh phí dự phòng chống dịch để phục vụ trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình và các cơ quan thông tin, tuyên truyền phối hợp với ngành Y tế, tăng cường thời lượng truyền thông phòng chống dịch bệnh, thông tin kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh, chuyển tải các biện pháp vệ sinh phòng bệnh để nhân dân không hoang mang, khi người dân có triệu chứng nghi ngờ đến cơ sở y tế để được khám phát hiện và điều trị kịp thời.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố:

- Tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị y tế; các phòng, ban, đơn vị liên quan thuộc huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết trên địa bàn;

- Chỉ đạo Đài phát thanh huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến các triệu chứng của bệnh, cách phòng bệnh cho người dân theo hướng dẫn của Sở Y tế;

- Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, chủ động sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn.

6. Các sở, ngành, đoàn thể căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được phân công chủ động đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa bàn và phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các hoạt động phòng chống dịch để ứng phó một cách hiệu quả nhất khi dịch xảy ra nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhận Công văn này, yêu cầu các đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện.

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày