Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7/2014
Luật Đất đai
Luật Đất đai gồm 14 chương và 212 điều. So với Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định đầy đủ, rõ ràng các đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và điều kiện để triển khai thực hiện các dự án đầu tư để Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Bên cạnh đó, Luật xác định rõ và quy định cụ thể những trường hợp mà Nhà nước phải thu hồi đất. Quy định mới này nhằm khắc phục, loại bỏ những trường hợp thu hồi đất làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất, đồng thời khắc phục một cách có hiệu quả những trường hợp thu hồi đất mà không đưa vào sử dụng, gây lãng phí, tạo nên các dư luận xấu trong xã hội.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định cụ thể và đầy đủ từ việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đảm bảo một cách công khai, minh bạch và quyền lợi của người có đất thu hồi; đồng thời khắc phục và điều tiết một cách hài hòa lợi ích giữa Nhà nước là chủ sở hữu về đất đai, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Ngoài ra, Luật mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản suất nông nghiệp; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đáp ứng yêu cầu tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với đường lối phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được nêu trong Nghị quyết 26 của BCH Trung ương Đảng;...
7 trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Theo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7/2014, có 7 trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất gồm:
1- Tổ chức, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Điều 8 của Luật Đất đai.
2- Người đang quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
3- Người thuê, thuê lại đất của người sử dụng đất, trừ trường hợp thuê, thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
4- Người nhận khoán đất trong các nông trường, lâm trường, doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng.
5- Người đang sử dụng đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
6- Người sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng đã có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
7- Tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng gồm đường giao thông, công trình dẫn nước, dẫn xăng, dầu, khí; đường dây truyền tải điện, truyền dẫn thông tin; khu vui chơi giải trí ngoài trời; nghĩa trang, nghĩa địa không nhằm mục đích kinh doanh.
5 trường hợp được miễn tiền sử dụng đất
Theo Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, có 5 trường hợp được miễn tiền sử dụng đất gồm:
1- Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với người có công với cách mạng thuộc đối tượng được miễn tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về người có công; hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở; nhà ở cho người phải di dời do thiên tai.
2- Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi cấp Giấy chứng nhận lần đầu đối với đất do chuyển mục đích sử dụng từ đất không phải là đất ở sang đất ở do tách hộ đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi theo Danh mục các xã đặc biệt khó khăn do Thủ tướng Chính phủ quy định.
3- Miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được giao trong hạn mức giao đất ở cho các hộ dân làng chài, dân sống trên sông nước, đầm phá di chuyển đến định cư tại các khu, điểm tái định cư theo quy hoạch, kế hoạch và dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4- Miễn tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất được giao trong hạn mức giao đất ở để bố trí tái định cư hoặc giao cho các hộ gia đình, cá nhân trong các cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5- Thủ tướng Chính phủ quyết định việc miễn tiền sử dụng đất đối với các trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Tài chính trình trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014.
5 phương pháp định giá đất
Theo Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất có hiệu lực từ 1/7/2014, có 5 phương pháp định giá đất gồm: So sánh trực tiếp; chiết trừ; thu nhập; thặng dư; hệ số điều chỉnh giá đất.
Nghị định quy định rõ điều kiện áp dụng đối với từng phương pháp định giá đất. Trong đó, phương pháp so sánh trực tiếp được áp dụng để định giá đất khi trên thị trường có các thửa đất so sánh đã chuyển nhượng trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Phương pháp chiết trừ được áp dụng để định giá đối với thửa đất có tài sản gắn liền với đất trong trường hợp có đủ số liệu về giá các bất động sản (gồm đất và tài sản gắn liền với đất) tương tự với thửa đất cần định giá đã chuyển nhượng trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Còn phương pháp thu nhập được áp dụng để định giá đối với thửa đất xác định được các khoản thu nhập, chi phí từ việc sử dụng đất.
Đối với thửa đất có tiềm năng phát triển do thay đổi quy hoạch hoặc chuyển mục đích sử dụng đất khi xác định được tổng doanh thu phát triển giả định và tổng chi phí ước tính thì được áp dụng phương pháp thặng dư để định giá.
Kinh doanh dịch vụ lai dắt phải có tối thiểu 2 tàu lai dắt chuyên dụng
Theo Nghị định 30/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải biển và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, về điều kiện kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển tại Việt Nam phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; có đăng ký kinh doanh ngành nghề dịch vụ lai dắt tàu biển.
Doanh nghiệp phải có cán bộ chuyên trách thực hiện khai thác dịch vụ lai dắt tàu biển và pháp chế doanh nghiệp.
Đồng thời, người được bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách lĩnh vực lai dắt tàu biển phải có kinh nghiệm trong hoạt động lai dắt tàu biển tối thiểu là 2 năm.
Người phụ trách pháp chế doanh nghiệp phải có bằng đại học chuyên ngành luật hoặc tương đương và phải có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực pháp luật tối thiểu 2 năm.
Đặc biệt, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển tại Việt
Tạo thuận lợi cho các nhà khoa học phát huy tài năng
Xét đặc cách tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh khoa học, công nghệ; nâng lương vượt bậc cho các cá nhân có thành tích trong hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN); đảm bảo các điều kiện thuận lợi về phương tiện, trang thiết bị, phòng thí nghiệm; hỗ trợ chi phí công bố và đăng ký kết quả nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài...
Đó là một số ưu đãi được quy định tại Nghị định số 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KHCN.
Nghị định nhấn mạnh sẽ tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi cho cá nhân hoạt động KHCN phát huy tối đa năng lực và được hưởng lợi ích xứng đáng với kết quả hoạt động KHCN...
Lấy ý kiến người lao động trong xây dựng chính sách, pháp luật
Theo Nghị định quy định việc cơ quan quản lý nhà nước lấy ý kiến tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về lao động và những vấn đề về quan hệ lao động, việc lấy ý kiến tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về lao động và những vấn đề về quan hệ lao động phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động.
3 nội dung lấy ý kiến gồm: 1- Chính sách, pháp luật về lao động liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động trong quan hệ lao động; 2- Các biện pháp phòng ngừa và giải quyết tranh chấp lao động; 3- Báo cáo thực hiện các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế đã được nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn.
Cũng theo Nghị định, việc lấy ý kiến được thực hiện thông qua 3 hình thức: 1- Lấy ý kiến bằng văn bản; 2- Lấy ý kiến thông qua ban soạn thảo, tổ biên tập, ban chỉ đạo, ban nghiên cứu mà đại diện tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động tham gia; 3- Lấy ý kiến thông qua các cuộc họp, hội thảo, diễn đàn, hội nghị tham vấn mà đại diện tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động tham dự.
Quản lý hoạt động bán hàng đa cấp
Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp với nhiều quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, đồng thời bảo vệ người tham gia bán hàng đa cấp trước các hành vi lừa đảo, trục lợi. Nghị định này thay thế Nghị định 110/2005/NĐ-CP.
Nghị định 42/2014/NĐ-CP nêu rõ, hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp phải đáp ứng các quy định của pháp luật có liên quan.
Những hàng hóa không được kinh doanh theo phương thức đa cấp gồm: Hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, Danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc phải thu hồi, cấm lưu thông hoặc tạm ngừng lưu thông theo quy định của pháp luật.
Hàng hóa là thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản), thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; các loại hoá chất nguy hiểm và sản phẩm có hoá chất nguy hiểm theo quy định của pháp luật cũng không được kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Ngoài ra, mọi loại hình dịch vụ hoặc các loại hình kinh doanh khác không phải là mua bán hàng hóa, không được tiến hành kinh doanh theo phương thức đa cấp, trừ trường hợp pháp luật cho phép.
Giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN
Theo Nghị định 49/2014/NĐ-CP, thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước trong việc chấp hành pháp luật trên 6 lĩnh vực:
1- Quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước; chế độ tài chính và giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2- Sắp xếp, đổi mới, kiện toàn tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp; xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về đầu tư phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp.
3- Tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động; đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, chính sách tiền lương, tiền thưởng và các chế độ, chính sách khác đối với người quản lý doanh nghiệp, người đại diện và người lao động làm việc tại doanh nghiệp.
4- Quy định của pháp luật chuyên ngành về lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh; quy định, quy trình về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
5- Các quy định của pháp luật về việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá hiệu quả hoạt động và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
6- Các quy định của pháp luật khác theo yêu cầu của chủ sở hữu hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
DN hoạt động dịch vụ việc làm phải ký quỹ
Theo Nghị định quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có hiệu lực từ ngày 15/7/2014, hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp bao gồm: tư vấn cho người lao động và người sử dụng lao động; giới thiệu việc làm cho người lao động, cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thu thập, phân tích, dự báo và cung ứng thông tin thị trường lao động; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm và đào tạo kỹ năng, dạy nghề theo quy định của pháp luật; thực hiện các chương trình, dự án về việc làm.
Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và có đủ các điều kiện sau thì được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm: Địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh của doanh nghiệp phải ổn định và có thời hạn từ 3 năm trở lên; có bộ máy chuyên trách để thực hiện các hoạt động dịch vụ việc làm bao gồm ít nhất 3 nhân viên có trình độ cao đẳng trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, lý lịch rõ ràng; doanh nghiệp phải nộp tiền ký quỹ 300 triệu đồng tại ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản giao dịch chính...
Tiêu chí hộ gia đình nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2014-2015, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình là hộ có thu nhập bình quân đầu người trên chuẩn cận nghèo hiện hành đến dưới 900.000 đồng/người/tháng.
Theo Quyết định 09/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 thì hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 - 520.000 đồng/người/tháng.
Như vậy, giai đoạn 2014-2015, hộ có thu nhập bình quân đầu người từ trên 520.000 đồng/người/tháng đến dưới 900.000 đồng/người/tháng là hộ có mức sống trung bình.
Tiêu chí này là căn cứ để xác định đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo pháp luật bảo hiểm y tế.
Quyết định nêu rõ, những đối tượng được công nhận có mức sống trung bình trên cơ sở kết quả rà soát, thẩm định của các địa phương từ năm 2014 sẽ được nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo pháp luật bảo hiểm y tế.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/7/2014.
Hỗ trợ sinh hoạt phí đối với Ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp
Theo Quyết định quy định chế độ sinh hoạt phí đối với Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh và cấp huyện các mức hỗ trợ như sau:
Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được hỗ trợ sinh hoạt phí mức 460.000 đồng/người/tháng; Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh được hỗ trợ 230.000 đồng/người/tháng; Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện được hỗ trợ 120.000 đồng/người/tháng.
Trường hợp một người tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở nhiều cấp thì hưởng mức hỗ trợ sinh hoạt phí ở cấp cao nhất.
Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2014.
Tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về Tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em có hiệu lực từ ngày 15/7/2014, Tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em chỉ gồm 15 tiêu chí với tổng số điểm tối đa là 1000 điểm.
Trong đó, 75 điểm là điểm số tối đa dành cho xã, phường, thị trấn có tỷ lệ trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, lang thang kiếm sống, làm việc xa gia đình chiếm dưới 2%; không có trẻ em bị xâm hại, bạo lực, mua bán, bắt cóc; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc đạt từ 98% trở lên; tỷ lệ trẻ em đến trường, lớp mầm non đạt từ 90% trở lên...
50 điểm là điểm số tối đa dành cho xã, phường, thị trấn có tỷ lệ trẻ em được khai sinh đúng quy định đạt từ 98% trở lên; tỷ lệ trẻ em được khám sức khỏe tổng quát ít nhất 1 lần trong năm đạt từ 80% trở lên; tỷ lệ trẻ em tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương đạt từ 98% trở lên...
Quy định về thanh toán tiền nghỉ phép năm
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 57/2014 /TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 141/2011/TT-BTC quy định về chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm việc trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Thông tư 57 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Theo văn bản này, đối tượng được thanh toán tiền phương tiện đi lại; tiền phụ cấp đi đường khi nghỉ phép hàng năm được mở rộng hơn, gồm: Cán bộ, công chức là người miền xuôi công tác ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có hệ số phụ cấp khu vực từ mức 0,5 trở lên và người ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có hệ số phụ cấp khu vực từ mức 0,5 trở lên làm việc ở miền xuôi có đủ điều kiện được nghỉ phép hàng năm theo Bộ luật Lao động quy định, được thủ trưởng cơ quan, đơn vị đồng ý cấp giấy cho đi nghỉ phép năm về thăm gia đình, cha mẹ, vợ hoặc chồng, con hoặc thăm quê quán.
Về điều kiện, thời hạn; thủ tục thanh toán, theo quy định hiện hành thì nghỉ phép của năm nào chỉ được thanh toán trong năm đó, trường hợp vì công việc được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cho lùi thời gian nghỉ phép sang năm sau thì cũng được thanh toán tiền nghỉ phép năm, nhưng chỉ được thanh toán trong phạm vi thời gian chỉnh lý ngân sách đến hết 31/1 năm sau.
Đối với cán bộ, công chức đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, núi cao, hải đảo có hệ số phụ cấp khu vực từ mức 0,5 trở lên nếu có yêu cầu, được gộp số ngày nghỉ của hai năm để nghỉ một lần; nếu nghỉ gộp ba năm một lần thì phải được người sử dụng lao động đồng ý và được thanh toán tiền nghỉ phép năm theo quy định.
Thông tư nêu rõ, cán bộ, công chức có thể thỏa thuận với thủ trưởng cơ quan, đơn vị để nghỉ gộp tối đa ba năm một lần và chỉ được thanh toán một lần tiền nghỉ phép năm theo quy định.
Theo chinhphu.vn
Tin cùng chuyên mục
- Công điện khẩn số 23 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh điện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành 18.09.2024 | 11:29 AM
- Thông báo khu vực cấm biển trong diễn tập có bắn đạn thật của Trung đoàn bộ binh 8/Sư đoàn 395/Quân khu 3 13.09.2024 | 15:57 PM
- Công điện số 18 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh điện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành 13.09.2024 | 10:36 AM
- Tăng cường công tác vận hành, điều tiết hồ chứa thủy điện, đảm bảo an toàn hệ thống đê 12.09.2024 | 18:21 PM
- Công điện khẩn số 14 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh điện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành 10.09.2024 | 08:12 AM
- Công điện khẩn số 11/CĐ-PCTT ngày 5/9/2024 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thái Bình điện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành 05.09.2024 | 19:05 PM
- Công điện khẩn số 10 của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thái Bình điện Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành 03.09.2024 | 22:24 PM
- Công điện khẩn số 03/CĐ-PCTT, hồi 7 giờ 00' ngày 20/7/2024 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình 21.07.2024 | 07:47 AM
- Công điện khẩn số 01/CĐ-PCTT, hồi 17 giờ 00' ngày 31/5/2024 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình 31.05.2024 | 22:38 PM
- Thể lệ (sửa đổi, bổ sung) Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) 21.05.2024 | 10:36 AM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Họp Tiểu ban Tổng kết công tác kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Giá trị, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn An Cư
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật