Thứ 7, 23/11/2024, 14:09[GMT+7]

Quy hoạch phát triển vận tải biển

Thứ 5, 28/08/2014 | 16:48:58
990 lượt xem
Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ảnh minh họa.

 

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải biển để đảm nhiệm vận chuyển hàng hóa trong nước, giảm tải cho vận tải bằng đường bộ; đảm nhận vận chuyển phần lớn khối lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu bằng đường biển; tham gia vận chuyển hàng hóa trên các tuyến biển xa, khu vực Bắc Âu, Nam Mỹ. Khôi phục tuyến vận tải hành khách trên trục Bắc - Nam vào thời gian thích hợp nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Đến năm 2020, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải biển của nền kinh tế quốc dân với chất lượng cao, giá thành hợp lý và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

Theo Quy hoạch, tổng khối lượng vận tải của đội tàu biển Việt Nam đến năm 2020 đạt khoảng từ 140 đến 152 triệu tấn, trong đó vận tải biển quốc tế đạt khoảng từ 40 đến 46 triệu tấn, vận tải biển trong nước đạt khoảng từ 100 đến 106 triệu tấn.

 

Tổng trọng tải đội tàu hàng vận tải biển Việt Nam đến năm 2020 đạt khoảng từ 6,84 đến 7,52 triệu tấn (DWT), trong đó, tàu hàng bách hóa, hàng tổng hợp đạt khoảng từ 2,51 đến 2,68 triệu tấn; tàu hàng container đạt khoảng từ 0,68 đến 0,72 triệu tấn; tàu hàng rời đạt khoảng từ 2,21 đến 2,54 triệu tấn; tàu hàng lỏng đạt khoảng từ 1,44 đến 1,58 triệu tấn.

 

Nhu cầu bổ sung đội tàu đến năm 2020 khoảng từ 1,38 đến 2,12 triệu tấn; nhu cầu bổ sung sức chở đội tàu khách du lịch, tàu khách ven biển ra đảo khoảng 14.000 ghế ngồi.

 

Tổng kinh phí đầu tư cho phát triển đội tàu từ nay đến năm 2020 khoảng từ 20.000 đến 30.000 tỷ đồng (khoảng từ 1,0 đến 1,5 tỷ USD), chủ yếu do các doanh nghiệp tự huy động từ các nguồn vốn hợp pháp.

 

Quy hoạch nêu rõ, đến năm 2020, đào tạo và bồi dưỡng đạt khoảng 42.000 sỹ quan, thuyền viên; trong đó đào tạo mới khoảng 15.000 người, bao gồm 7.000 người bổ sung theo yêu cầu phát triển đội tàu và 8.000 người thay thế lực lượng hiện có; cơ cấu đào tạo khoảng 6.000 sỹ quan quản lý và khoảng 9.000 thuyền viên, công nhân kỹ thuật hàng hải.

 

Một trong các giải pháp thực hiện Quy hoạch là đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực vận tải biển, đặc biệt là thủ tục hành chính tại các cảng biển và thủ tục đăng ký tàu biển; nhanh chóng triển khai ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin trong hoạt động hàng hải (cảng vụ điện tử, hải quan điện tử...), thực hiện chính sách một cửa để tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền ra vào cảng biển.

 

Bên cạnh đó, khuyến khích mọi thành phần kinh tế, bao gồm cả các tổ chức nước ngoài đầu tư phát triển đội tàu biển Việt Namon>. Xây dựng chương trình phát triển đội tàu biển Việt Nam để có cơ chế, chính sách thích hợp, đồng bộ, hỗ trợ kịp thời quá trình đầu tư tái cơ cấu kết hợp phát triển và hiện đại hóa đội tàu quốc gia.

 

Đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu để xây dựng, phát triển Tổng công ty Hàng hải Việt Nam làm nòng cốt trong lĩnh vực vận tải biển và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy làm nòng cốt trong lĩnh vực công nghiệp đóng, sửa chữa tàu biển. Xây dựng mạng lưới dịch vụ hàng hải để nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.

Theo chinhphu.vn

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày