Thứ 4, 13/11/2024, 05:25[GMT+7]

Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm những tháng cuối năm 2014

Thứ 4, 03/09/2014 | 17:25:10
1,099 lượt xem
Ngày 27 tháng 8 năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã có Chỉ thị số 23/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm những tháng cuối năm 2014.

 

Toàn văn Chỉ thị như sau:

 

Tháng 5 năm 2014, tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã có báo cáo ca tử vong ở người đầu tiên do nhiễm vi rút cúm A/H5N6. Tại Việt Nam, đã phát hiện vi rút cúm A/H5N6 ở đàn gia cầm tại các tỉnh Lạng Sơn, Hà Tĩnh với kiểu gen tương đồng trên 99% so với chủng vi rút cúm A/H5N6 gây tử vong cho người ở Trung Quốc; đồng thời, ngày 15/8/2014, đã phát hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 trên đàn chim trĩ đỏ tại tỉnh Lào Cai; dịch lở mồm long móng do vi rút týp O và A đã phát sinh tại tỉnh Nghệ An từ cuối tháng 7 năm 2014 làm 121 trâu, bò mắc bệnh. Hiện nay, do giá bán sản phẩm chăn nuôi cao, người chăn nuôi tái đàn, nuôi mới nhiều, cùng với việc giết mổ, vận chuyển buôn bán động vật, sản phẩm động vật gia tăng, kết hợp với thời tiết khí hậu chuyển mùa làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, đây là nguy cơ phát sinh và lây lan các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh trong thời gian tới.

 

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các công điện: Số 6529/CĐ-BNN-TY ngày 14/8/2014 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm; số 6563/BNN-TY ngày 15/8/2014 về triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt 2 năm 2014 và thực hiện Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 28/02/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

 

  1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

-         Tập trung chỉ đạo các phòng, ban chức năng và chính quyền cơ sở tổ chức thực hiện công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ Thu Đông 2014 bảo đảm yêu cầu kế hoạch về thời gian, tiến độ, tỷ lệ tiêm, kỹ thuật tiêm phòng và phù hợp thực tế của địa phương; thực hiện đăng ký và cam kết sử dụng các loại vắc xin được tỉnh hỗ trợ và các loại vắc xin khác đúng nhu cầu thực tế sử dụng; tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác tiêm phòng tại cở sở; báo cáo tiến độ, kết quả, lập, lưu giữ hồ sơ thanh quyết toán kinh phí vắc xin hỗ trợ của tỉnh theo quy định; chỉ đạo giám sát chặt chẽ dịch bệnh trong và sau tiêm phòng, phát hiện sớm, khai báo, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán bệnh và chủ động bố trí lực lượng vật tư, kinh phí nhằm ứng phó kịp thời, xử lý dịch trong diện hẹp, không để lây lan;

 

-         Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 466/UBND-NN ngày 03/03/2014 về tăng cường công tác kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; kiên quyết phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch; các trường hợp bị xử lý, cần công khai để mọi người dân biết, làm gương cho các trường hợp cố tình lén lút vận chuyển vi phạm quy định;

 

-         Tuyên truyền, khuyến cáo và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chủ động phòng bệnh như: Thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh, chăn nuôi an toàn, vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, cách nhận biết, phòng chống dịch bệnh, kịp thời khai báo khi phát hiện gia súc, gia cầm bị ốm, chết bất thường; nghiêm cấm giấu dịch, bán chạy gia súc, gia cầm bệnh; không buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y…;

 

-         Huy động nguồn lực của địa phương, người chăn nuôi phát động và chỉ đạo thực hiện chiến dịch tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng trên địa bàn tỉnh; chú trọng những nơi có nguy cơ cao như trại chăn nuôi, các chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật, các điểm thu mua, tập trung gia súc, gia cầm,…;

 

-         Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nội vụ rà soát và báo cáo đánh giá thực trạng kết quả hoạt động, kiện toàn Ban chăn nuôi thú y xã theo Quyết định số 28/2005/QĐ-UBND ngày 09/3/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình; đề xuất tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp nâng cao hoạt động của hệ thống thú y cơ sở.

 

  1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tham mưu xây dựng, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 28/02/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh; chủ trì triển khai kế hoạch tiêm phòng, kế hoạch thực hiện “Tháng hành động vệ sinh tiêu độc, khử trùng” và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục triển khai lấy mẫu giám sát chủ động dịch bệnh nguy hiểm ở động vật; phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại các địa phương trong tỉnh; thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch tỉnh, tổng hợp tiến độ, kết quả báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
  2. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí kế hoạch kinh phí thường xuyên hàng năm cho phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của tỉnh theo đề xuất của ngành Nông nghiệp; phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn mức hỗ trợ kinh phí và thủ tục thanh quyết toán kinh phí phòng chống dịch theo quy định.
  3. Công an tỉnh, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp theo Quyết định số 2088/QĐ-TTg ngày 27/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, cũng như kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh.
  4. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền; Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình chủ động phối hợp với các cấp, ngành Nông nghiệp, ngành Y tế tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người như: Hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm chết và chất thải từ gia cầm, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, chỉ sử dụng thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm nấu chín kỹ, không sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, kịp thời khai báo khi phát hiện nguy cơ dịch bệnh ở gia súc, gia cầm và ở người.
  5. Các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội theo chức năng nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp, ngành Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch; vận động hội viên, người chăn nuôi chấp hành các quy định phòng chống dịch.
  6. Các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật và dịch cúm A (H7N9, H5N1) ở người của tỉnh căn cứ nhiệm vụ, chức năng được phân công của ngành theo Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 28/02/2014, phụ trách các địa phương tại Quyết định số 361/QĐ-UBND ngày 25/02/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí thời gian kiểm tra công tác phòng chống dịch, công tác tiêm phòng dịch vụ Thu Đông năm 2014 tại các địa phương mà ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai, thời gian từ ngày 29/8/2014 đến ngày 15/9/2014.

Nhận Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện; thường xuyên báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày