Thứ 6, 15/11/2024, 21:19[GMT+7]

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thứ 2, 30/03/2020 | 10:39:20
1,641 lượt xem
Dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp làm ảnh hưởng đến đời sống của cả cộng đồng, trong đó có những người khiếm thị, người khuyết tật, những đối tượng yếu thế trong xã hội. Góp phần vào công tác phòng, chống dịch, những người khiếm thị, người khuyết tật đã chủ động tìm hiểu và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của ngành Y tế để bảo vệ bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Với sự hỗ trợ của các phần mềm đọc màn hình, người khiếm thị có thể tiếp cận những thông tin cần thiết về dịch Covid-19.

Dù là người khiếm thị nhưng anh Bùi Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh hàng ngày vẫn cập nhật tình hình dịch Covid-19 qua máy vi tính và điện thoại thông minh một cách dễ dàng. Anh Dũng cho biết: Với sự hỗ trợ của các phần mềm đọc màn hình Jaws, phần mềm đọc tiếng Việt Sao Mai VN-Voice, tôi có thể dễ dàng tiếp cận công nghệ thông tin như những người bình thường. Qua đó tôi có thể biết được những thông tin cần thiết về dịch bệnh.

Để phòng, chống dịch Covid-19, thời gian qua, Hội Người mù tỉnh đã chủ động tuyên truyền tới hội viên các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; trang bị đầy đủ khẩu trang cho từng hội viên và dung dịch sát khuẩn tay tại nơi làm việc của Hội. Thường xuyên vệ sinh cơ quan bằng dung dịch sát khuẩn, đặc biệt với các thiết bị như tay nắm cửa, vòi nước, nút bấm nhà vệ sinh... Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Hội đã tạm thời đóng cửa các cơ sở dịch vụ tẩm quất để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, các hội viên của Hội Người khuyết tật tỉnh cũng thường xuyên chia sẻ thông tin về dịch Covid-19 trên mạng xã hội. Đặc biệt, Hội đã phối hợp với Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) phát miễn phí 125 chai dung dịch sát khuẩn cho 125 hội viên khuyết tật thuộc 3 huyện Kiến Xương, Tiền Hải và Đông Hưng. Chị Tô Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật Thái Bình cho biết: Bên cạnh việc tuyên truyền về việc phòng, chống dịch cho các thành viên trong Câu lạc bộ, bản thân tôi cũng tạm thời dừng việc mở không gian đọc tại nhà để phòng, chống lây nhiễm Covid-19. Để không làm gián đoạn việc đọc của các em học sinh, thay vì để các em tập trung tại gia đình tôi để đọc sách thì tôi cho các em mượn sách về nhà. Khi các em đến mượn sách, tôi cũng trang bị dung dịch sát khuẩn tay cho các em, khuyến cáo các em đeo khẩu trang, hướng dẫn các em một số biện pháp phòng, chống dịch tại gia đình.

Người khiếm thị và người khuyết tật có thể tiếp cận với các biện pháp phòng dịch tối thiểu và cơ bản. Tuy nhiên, để phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả, người khiếm thị và người khuyết tật còn gặp một số trở ngại. Người khuyết tật được cho là dễ nhiễm Covid-19 vì hầu hết trong số họ sức khỏe yếu. Bản thân người khuyết tật cũng khó có thể tự bảo vệ bản thân trước dịch bởi những khiếm khuyết cơ thể và sự phụ thuộc vào các công cụ hỗ trợ. Sinh kế của một bộ phận người khuyết tật cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 bởi công việc của họ chủ yếu phụ thuộc vào thời vụ. Để tự bảo vệ bản thân, hầu hết mọi người nói chung và người khuyết tật nói riêng đều phải trang bị cho mình khẩu trang, dung dịch sát khuẩn... Tuy nhiên, với thu nhập không cao, kinh tế còn khá hạn hẹp, việc chi trả của người khuyết tật cho những mặt hàng y tế là khó khăn, chưa nói đến việc mua những sản phẩm này cũng không dễ. Anh Trần Văn Thái, một lao động khuyết tật tự do chia sẻ: Tôi bị teo chân phải, hai cánh tay lại không được linh hoạt trong vận động, làm việc. Với thể trạng yếu và đặc thù của công việc hàng ngày phải tiếp xúc với nhiều người nên tôi cũng rất lo.

Cũng giống như người khuyết tật, đối với người khiếm thị, việc tiếp cận thông tin về dịch Covid-19 không quá khó khăn nhưng việc họ thường xuyên tiếp xúc, cầm nắm các vật dụng hỗ trợ đi lại chính là nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Chị Bùi Thị Khuyên, hội viên Hội Người mù tỉnh cho biết: Những người khiếm thị như chúng tôi bắt buộc phải cần đến những vật dụng hỗ trợ để tìm đường đi, nếu không sẽ rất khó khăn. Ngoài việc đeo khẩu trang khi ra ngoài, tôi còn thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn bởi bàn tay là bộ phận tiếp xúc nhiều với các vật dụng nhất.
Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Do đó, để nâng cao tinh thần tự chủ và chủ động của người khuyết tật và người khiếm thị tự bảo vệ mình trước dịch Covid-19, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ trang thiết bị phòng, chống dịch cho người khiếm thị, người khuyết tật thì rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng để trong cuộc chiến với Covid-19 không ai bị bỏ lại phía sau.

Phạm Trang