Thứ 7, 23/11/2024, 22:17[GMT+7]

Cần đa dạng nguồn cung để hạ giá thịt lợn

Thứ 4, 15/04/2020 | 08:54:58
2,017 lượt xem
Từ đầu năm 2020 đến nay, giá thịt lợn luôn ở mức cao. Để bình ổn thị trường mặt hàng này, Chính phủ đã cho phép các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu thịt lợn nhằm “hạ nhiệt” giá. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, thịt lợn nhập khẩu vẫn “vắng bóng”.

Giá thịt lợn trên thị trường chưa có dấu hiệu giảm khiến người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý I/2020, cả nước đã nhập khẩu hơn 39.191 tấn thịt lợn, tăng 312% so với cùng kỳ năm 2019. Thịt lợn nhập khẩu chủ yếu từ các nước: Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Hoa Kỳ, Nga. Cho phép các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu với số lượng lớn cùng với việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các tập đoàn, doanh nghiệp lớn ngành chăn nuôi trong nước hạ giá bán thịt lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4 được kỳ vọng sẽ kéo giá thịt lợn thành phẩm và sản phẩm chế biến từ thịt lợn xuống mức hợp lý hơn. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 đến nay, giá thịt lợn trên thị trường chưa có dấu hiệu giảm khiến người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao.

Mặc dù đã có tới hàng vạn tấn thịt lợn nhập khẩu được đưa về trong nước nhưng trên địa bàn tỉnh người dân vẫn chưa thể tiếp cận. Khảo sát tại các chợ dân sinh, cửa hàng, siêu thị có kinh doanh mặt hàng thịt lợn, chúng tôi chưa thấy bất cứ một quầy nào bán hàng thịt lợn nhập khẩu. Ngay cả siêu thị Vinmart và Vinmart+ cũng không có thịt lợn nhập khẩu mà chỉ có thịt lợn trong nước của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam và Công ty TNHH MNS Meat Hà Nam. 

Tại thời điểm ngày 14/4, ghi nhận theo giá niêm yết của siêu thị Vinmart đối với mặt hàng thịt lợn, thịt đùi giá 157.900 đồng/kg, thịt nạc thăn giá 187.900 đồng/kg, thịt nạc dăm (nạc vai) giá 192.900 đồng/kg. 

Bà Trương Thị Thúy ở phường Đề Thám (thành phố Thái Bình) cho biết: Thời gian qua, do giá thịt lợn trên thị trường cao nên gia đình tôi phải cắt giảm khẩu phần thịt lợn trong mỗi bữa ăn. Tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang mạng điện tử, thấy thịt lợn nhập khẩu bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cũng hợp lý nên tôi đến một số siêu thị, chợ tìm mua nhưng không có.

Theo lãnh đạo Chi cục Hải quan Thái Bình và Phòng Xuất nhập khẩu (Sở Công Thương), hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp nào đăng ký tờ khai nhập khẩu thịt lợn để sản xuất, kinh doanh. Người dân được sử dụng thịt lợn nhập khẩu phụ thuộc hoàn toàn vào các siêu thị, cơ sở kinh doanh đặt hàng với các doanh nghiệp nhập khẩu đưa về bán. 

Ông Nguyễn Phú Khoái, Giám đốc siêu thị Vinmart Thái Bình cho biết: Nhập khẩu thịt lợn thủ tục phức tạp, việc tìm nhà cung cấp ở nước ngoài để đàm phàn về số lượng, chất lượng, giá cả cũng khó khăn. Thêm vào đó, người dân thích mua thịt lợn tươi sống trong khi thịt lợn nhập khẩu chủ yếu là thịt đông lạnh nên chúng tôi phải rất cân nhắc trước khi quyết định nhập khẩu. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nhập khẩu thịt lợn bảo đảm nguồn cung và góp phần bình ổn giá cả thị trường mặt hàng này, hiện nay chuỗi siêu thị của hệ thống Vinmart đã có kế hoạch nhập khẩu thịt lợn và dự kiến trong khoảng 2 tuần nữa sẽ có mặt tại siêu thị Vinmart Thái Bình để cung cấp cho người dân.

Để góp phần đưa giá thịt lợn về mức hợp lý, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo, yêu cầu 17 tập đoàn, doanh nghiệp lớn ngành chăn nuôi hạ giá lợn hơi xuất chuồng xuống mức 70.000 đồng/kg để “hạ nhiệt” giá thịt lợn. Trong khi chờ thịt lợn nhập khẩu, người dân có thể cân đối việc sử dụng thịt lợn với thịt bò, thịt gia cầm, thủy sản, vừa bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe vừa tránh gây ra thiếu hụt nguồn cung - một trong những nguyên nhân làm giá thịt lợn trong nước tăng cao thời gian qua.


Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày