Chủ nhật, 17/11/2024, 02:47[GMT+7]

Khó tái đàn sau bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 5, 16/04/2020 | 08:56:47
1,324 lượt xem
Năm 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 14/15 xã, phường có chăn nuôi lợn của thành phố Thái Bình. Tổng số lợn đã tiêu hủy 13.765 con với trọng lượng gần 800 tấn của gần 2.000 hộ tại 124 thôn, tổ dân phố. Đến nay, sau hơn 6 tháng công bố hết dịch, việc tái đàn của nhiều hộ chăn nuôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Hộ chăn nuôi xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình) phun thuốc khử trùng chuồng trại.

Cách đây 6 năm, xác định gắn bó lâu dài với việc chăn nuôi lợn, coi chăn nuôi lợn là hướng đi chính của gia đình trong phát triển kinh tế, anh Vũ Duy Khiết, thôn Tống Thỏ Nam, xã Đông Mỹ cùng vợ tiếp quản gia trại của bố mẹ, tập trung huy động mọi nguồn vốn đầu tư chăn nuôi lợn. Với diện tích gần 2 sào, chiếm 50% tổng diện tích gia trại, mỗi lứa anh Khiết duy trì từ 300 - 400 con lợn. Năm 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, dù anh Khiết tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn như phun, xịt thuốc khử trùng, rắc vôi bột, không cho người lạ tiếp xúc với chuồng trại, sử dụng thức ăn của những công ty có uy tín, tiêm phòng các loại vắc-xin phòng bệnh... nhưng hàng trăm con lợn vẫn bị mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng hàng chục tấn, thiệt hại nặng nề. Mặc dù được nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng song hiện nay gia đình anh Khiết vẫn còn nợ các đại lý bán cám gần 300 triệu đồng. Khu chăn nuôi tập trung đồng bộ, hiện đại giờ để trống. Với anh Khiết, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã gây ra nhiều khó khăn cho người chăn nuôi. Anh cho biết: Sau dịch bệnh, gia đình tôi đã vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng để chuẩn bị cho việc tái đàn. Tôi rất muốn tái đàn để cung cấp thịt lợn thương phẩm cho thị trường. Tuy nhiên, do bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn cả nước nên giống lợn đang rất khan hiếm. Việc nhập lợn giống giá cao vào thời điểm này khiến người chăn nuôi như chúng tôi có nguy cơ “thiệt hại kép” nếu chẳng may dịch bệnh quay trở lại hoặc mua phải lợn giống không an toàn, trong khi nguồn vốn tự có không còn, chủ yếu phải vay vốn từ ngân hàng.

Cũng với tâm lý lo ngại đó nên gia đình ông Phạm Văn Hồng, thôn Vân Động Nam, xã Vũ Lạc chưa thực hiện tái đàn, chuồng trại nuôi lợn của gia đình rộng gần 300m2 hiện đã chuyển sang nuôi gia cầm với gần 6.000 con gà, ngan các loại. Theo ông Hồng, những người chăn nuôi rất mong muốn được tái đàn lợn, tuy vậy việc tái đàn hiện đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là giá lợn giống tăng gấp đôi so với trước khi có dịch, khoảng trên 2 triệu đồng/con giống mà không tìm được nguồn cung cấp an toàn, lại thêm giá cám cũng tăng. Giá lợn hơi hiện nay đang cao nhưng không ai bảo đảm giá sẽ cao đến khi nào. Nếu tái đàn đến khi xuất bán liệu giá lợn hơi có còn cao như bây giờ hay lại xuống thấp. Đó là lo lắng của người chăn nuôi.

Tâm lý e ngại và những khó khăn trên khiến việc tái đàn lợn trên địa bàn thành phố diễn ra chậm, tại nhiều xã như Đông Hòa, Đông Mỹ, Vũ Chính, Vũ Lạc, Vũ Đông số lượng đầu lợn không có nhiều, chỉ khoảng 200 - 300 con. Tổng đàn lợn của thành phố hiện có gần 8.400 con, chỉ bằng 1/3 so với trước thời điểm bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện. Ông Trần Xuân Trung, Quyền Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố cho biết: Thời gian qua, Trạm đã có hướng dẫn, vận động các hộ có đủ điều kiện chuồng trại, vệ sinh thú y thì tái đàn theo hướng an toàn sinh học. Hiện một số hộ có điều kiện đã tái đàn, tuy nhiên khó khăn do bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc-xin và thuốc đặc hiệu nên ảnh hưởng đến tâm lý người chăn nuôi. Thêm nữa là con giống đang khan hiếm và giá cao nên người dân còn e ngại.

Để người chăn nuôi yên tâm tái đàn, nên chăng các cơ quan chức năng kết nối với các doanh nghiệp giúp họ tìm được nơi cung ứng lợn giống chất lượng, giá thành hợp lý; đồng thời, tạo điều kiện để người dân vay vốn đầu tư chăn nuôi. Có như vậy, trong thời gian tới tổng đàn lợn trên địa bàn thành phố mới phát triển, góp phần bảo đảm nguồn cung thịt lợn trên thị trường.

Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày