Thứ 7, 23/11/2024, 21:16[GMT+7]

Chọn tai nghe nào để học trực tuyến

Thứ 5, 16/04/2020 | 14:14:13
3,586 lượt xem
Tai nghe để học, giảng dạy trực tuyến không cần đắt tiền, âm thanh hay, mà nên gọn gàng, cho cảm giác đeo thoải mái.

Phù hợp với học tập và làm việc trực tuyến là tai nghe dạng chụp đầu. Ảnh: Akg.

Thiết kế gọn gàng 

Việc học hay giảng dạy trực tuyến có thể kéo dài hàng giờ liên tục, vì thế, lựa chọn tai nghe có thiết kế phù hợp, đem lại sự thoải mái là ưu tiên hàng đầu. Nhỏ gọn nhất là tai nghe in-ear, nhưng chúng vẫn tạo cảm giác bí, khó chịu khi dùng lâu. Vì thế, nên lựa chọn dạng tai nghe chụp đầu với thiết kế ốp vừa đủ với tai, có đệm lót êm và không cần quá lớn, trùm hết tai. Tai nghe nên làm từ các vật liệu nhẹ, như nhựa, thay vì kim loại hay gỗ. Vòng đeo nên có đệm mút để điều chỉnh được nhiều kích cỡ khác nhau. 

Nhiều dòng tai nghe chơi game cũng có thiết kế đeo thoải mái, phù hợp sử dụng nhiều giờ, nhưng đa phần có ngoại hình hầm hố, thậm chí còn thêm đèn LED phát sáng nên không phù hợp khi học hay họp trực tuyến.

Tích hợp microphone

Tai nghe có microphone dạng cần xoay cho chất lượng thu âm nhạy hơn loại tích hợp vào dây dẫn. 

Không chỉ cần âm thanh rõ ràng, âm lượng đủ nghe, micro thu âm cũng là chi tiết cần để ý khi học hay giảng dạy trực tuyến. Thực tế, không phải tai nghe nào cũng tích hợp sẵn microphone. Một số tai nghe của điện thoại di động khi cắm và sử dụng với máy tính không thể kích hoạt micro.

Nên lựa chọn tai nghe có micro dạng cần giúp đưa micro gần hơn với miệng, thu âm nhạy, rõ hơn mà không cần nói quá lớn. Sử dụng micro trên tai nghe thay vì micro có sẵn trên laptop, webcam cũng đem lại chất lượng thu âm tốt hơn, giảm nhiễu, làm rõ tiếng và bớt bị lẫn âm thanh từ môi trường xung quanh.

Chiều dài dây và giắc kết nối đủ dài

Nếu dùng laptop hay điện thoại di động, không cần quan tâm nhiều đến chiều dài của dây tai nghe. Nhưng sử dụng máy tính để bàn cần chú ý độ dài của dây nên từ 1,5 đến 2 m. Chiều dài này cũng đủ để nói chuyện trong lúc đứng, hoặc đi lại quanh máy tính. Lưu ý, dây của các mẫu tai nghe nhạc hay tai nghe cho thiết bị di động thường có chiều dài khoảng 1 m, nên dễ bị ngắn khi sử dụng với máy tính để bàn

Nhiều tai nghe đàm thoại sử dụng giắc kết nối USB thay vì 3,5 mm. Ảnh: skelbiu 

Giắc kết nối cũng cần để ý vì thực tế trên thị trường, không phải tai nghe đàm thoại dành cho máy tính nào cũng dùng cổng 3,5 mm thông dụng. Một số tai nghe, như Jabra UC Voice 150 hay Logitech H340, lại sử dụng cổng USB-A để được chất lượng âm thanh, thu âm tốt hơn.

Không cần sản phẩm đắt tiền

Tai nghe nói chung có giá bán đa dạng, có thể chỉ từ vài chục nghìn đồng nhưng cũng có loại giá hàng triệu hay trăm triệu đồng. Để sử dụng cho việc học hay giảng dạy trực tuyến, bạn không cần sắm tai nghe quá đắt tiền và yêu cầu chất lượng âm thanh cao như tai nghe nhạc.

Bạn nên lựa chọn các thương hiệu tai nghe chuyên dụng cho nhu cầu làm việc, hội nghị, ví dụ Logitech, Jabra hay dòng PC của Sennheiser thay vì các dòng tai nghe nhạc hay chơi game, xem phim. Những sản phẩm có giá từ 200.000 đến 500.000 đồng nhưng thực tế vẫn cho hiệu quả sử dụng tốt, vì âm thanh, thiết kế đã được tối ưu hoá đàm thoại trực tuyến.

Tránh tai nghe không dây


Tai nghe không dây phổ biến, nhiều mẫu mã, nhưng giá cao và phù hợp với smartphone hơn là máy tính. Ảnh: Tuấn Anh 

Sử dụng tai nghe không dây cho cảm giác sử dụng thoải mái, bớt vướng víu và có thể dễ dàng di chuyển ngay cả khi đang nghe hay đàm thoại. Tuy nhiên, tai nghe không dây thỉnh thoảng kết nối không ổn định, trễ âm thanh hay kém tương thích với một số dòng máy tính. Bên cạnh đó, khi dùng cần quan tâm đến thời lượng pin. Giá của tai nghe không dây cũng đắt hơn nhiều so với các dòng tai nghe đàm thoại có dây. 

Theo vnexpress.net