Thứ 2, 18/11/2024, 13:57[GMT+7]

Giá dầu Brent giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 18 năm

Thứ 4, 22/04/2020 | 09:40:54
1,046 lượt xem
Giá dầu Brent giao tháng 6-2020 tại thị trường London (Anh) giảm 24% xuống còn 19,33 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2-2002.

Giá xăng dầu được niêm yết tại trạm xăng ở New York, Mỹ ngày 20-4-2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Giá dầu thế giới giao kỳ hạn tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngày 21-4, kéo dài sự “hỗn loạn” của thị trường dầu thế giới sang ngày thứ hai liên tiếp trong bối cảnh tình trạng dư cung dầu thô toàn cầu gia tăng do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 làm nhu cầu dầu giảm mạnh.

Giá dầu Brent giao tháng 6-2020 tại thị trường London (Anh) giảm 24% xuống còn 19,33 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2-2002.

Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6-2020 tại New York (Mỹ) giảm 43% xuống còn 11,57 USD/thùng.

Ngày 20-4 và 21-4 là hai ngày giao dịch “hỗn loạn” nhất trong lịch sử hoạt động của thị trường dầu thế giới khi các nhà đầu tư đứng trước thực trạng cung sẽ vượt cầu trên thị trường dầu trong một thời gian dài tới và nỗ lực cắt giảm sản lượng dầu để khắc phục tình trạng dư cung "vàng đen" chưa mang lại hiệu quả.

Theo CME Group, sau phiên giao dịch ngày 20-4, khi giá dầu WTI giao tháng 5-2020 lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống vùng âm, ngày 21-4, ghi nhận một kỷ lục mới với hơn 2 triệu hợp đồng mua bán dầu WTI giao tháng 6-2020 được thực hiện và đây là ngày giao dịch “sôi động” nhất trong lịch sử của thị trường dầu thế giới.

Lượng dầu trữ kho tiếp tục gia tăng sau khi hai nước sản xuất và xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga hồi đầu tháng 3-2020 không nhất trí về việc tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu khi tình hình dịch Covid-19 ngày càng diễn biến nghiêm trọng. Kể từ đó, sự lan rộng của dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu nhiên liệu thế giới giảm xấp xỉ 30%.

Sang đầu tháng 4, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu liên minh, trong đó có Nga, đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 10% sản lượng dầu thế giới.

Tuy vậy, việc nhiều quốc gia áp dụng lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 đã khiến các nền kinh tế rơi vào đình trệ và thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu nói trên không đủ bù đắp sự giảm mạnh của nhu cầu dầu toàn cầu.

Trước tình hình trên, cả Saudi Arabia và Nga ngày 21-4 đều cho biết sẵn sàng thực hiện thêm các biện pháp để bình ổn thị trường dầu cùng với các nước sản xuất dầu khác song hiện vẫn chưa có hành động cụ thể.

Theo ông Gregory Leo, Giám đốc đầu tư của IDB Bank, sản lượng dầu thế giới hiện vào khoảng 90 triệu thùng/ngày, song nhu cầu dầu toàn cầu mới chỉ ở mức 75 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, theo số liệu công bố ngày 21-4 của Viện Dầu mỏ Mỹ, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã tăng 13,2 triệu thùng lên 500 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 17-4.

Theo dự kiến, Mỹ sẽ công bố số liệu chính thức về lượng dầu dự trữ quốc gia trong ngày 22-4.

Theo hanoimoi.com.vn



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày