Chủ nhật, 24/11/2024, 00:22[GMT+7]

Kinh tế Australia suy thoái lần đầu tiên sau 29 năm

Thứ 4, 03/06/2020 | 15:41:58
2,009 lượt xem
Dịch Covid-19 diễn ra sau đợt cháy rừng và hạn hán lịch sử đã khiến cho nền kinh tế Australia suy thoái lần đầu tiên sau 29 năm.

Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg. Nguồn: AAP.

Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg cho biết, kinh tế Australia bắt đầu rơi vào tình trạng suy thoái khi số liệu thống kê của quý I năm nay cho thấy nền kinh tế nước này tăng trưởng âm 0,3%.

Mặc dù số liệu chính thức của quý II năm nay sẽ được công bố vào tháng Bảy tới song Bộ trưởng Josh Frydenberg dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý II sẽ còn kém hơn so với quý I, thậm chí mức giảm có thể tới 20%. Vì vậy, theo quy định của Australia khi hai quý liên tiếp tăng trưởng âm, nước này chính thức bước vào suy thoái.

Theo Cơ quan thống kê Australia, sở dĩ nền kinh tế nước này suy thoái là do sự sụt giảm mạnh trong chi tiêu của người dân vào các ngành dịch vụ trong khi đó, chi tiêu của chính phủ cũng bị cắt còn việc xây dựng nhà cửa cũng đang giảm mạnh. Mặc dù chính phủ đổ nhiều tiền vào thị trường và người dân thông qua các gói kích thích kinh tế, bên cạnh đó kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng tăng và đầu tư cho ngành khai khoáng tăng song vẫn chưa đủ để kích cầu, bù đắp lại những thiệt hại do nền kinh tế ngưng trệ vì Covid-19.

Dự báo của Cơ quan Thống kê Australia và cả Bộ Ngân khố đều cho biết, chỉ số tăng trưởng kinh tế của quý II năm nay có thể sẽ cho thấy đây là giai đoạn phát triển tồi tệ nhất kể từ khi diễn ra cuộc đại khủng hoảng vào năm 1930.

Mặc dù nền kinh tế Australia đang suy thoái song Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg cũng cho biết đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan. Thứ nhất đó là dịch Covid-19 không tác động nặng nề đến nền kinh tế nước này như dự báo khi viêc kiểm soát dịch bệnh được tiến hành hiệu quả và nhanh hơn dự kiến. Thứ hai, mặc dù chỉ số chứng khoán ASX vẫn còn thấp song đang trên đà tăng và đã tăng hơn 32% so với ngày 23/3.

Trong khi đó, giá trị đồng AUD cũng đang tăng lên so với đồng USD. Thứ ba là niềm tin của người tiêu dùng đã phục hồi khoảng 95% kể từ khi chính phủ tung ra chương trình hỗ trợ người lao động giữ việc làm. Thứ tư là niềm tin của doanh nghiệp trong tháng Tư cũng tăng 30% so với tháng Ba.

Một số tín hiệu khả quan đối với nền kinh tế Australia đã xuất hiện song nếu các biện pháp kiểm soát không được sớm gỡ bỏ hoàn toàn để người dân và doanh nghiệp quay trở lại nhịp sống thường ngày thì chi tiêu của người dân và doanh nghiệp vẫn không thể cải thiện, khiến cho thời gian trì trệ của nền kinh tế Australia bị kéo dài./.

Theo vtv.vn