Thứ 7, 23/11/2024, 20:17[GMT+7]

Cảnh báo các chiêu thức mới và sự biến tướng của "tín dụng đen"

Thứ 3, 07/07/2020 | 08:11:55
1,218 lượt xem
Trước sự kiểm tra ồ ạt của các lực lượng chức năng, các tổ chức tín dụng đen dần co lại, hoạt động tinh vi và có nhiều hình thức biến tướng phức tạp hơn.

Sau 1 năm thực hiện chỉ thị 12 của thủ tướng chính phủ về Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", hàng ngàn ổ nhóm tín dụng đen, tổ chức cho vay nặng lãi đã bị đánh sập. Các tổ chức tín dụng đen tiếp tục hoạt động và núp bóng dưỡi nhiều cách thức, và thủ đoạn mới, phức tạp hơn. 

Mới đây, một nhóm nhóm cho vay nặng lãi do đối tượng người Trung Quốc điều hành vừa bị lực công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ vào cuối tháng 4/2020. Các đối tượng này đã cho vay trót lọt hơn 60.000 người với phạm vi  63 tỉnh thành. 

Theo tài liệu điều tra, nhóm đối tượng này đã từng thành lập các doanh nghiệp là các công ty tài chính, cầm đồ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đặc biệt là giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh, các đối tượng đẩy mạnh hoạt động cho vay online qua app (ứng dụng điện thoại).

Tại Hải Dương, phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã liên tiếp triệt phá nhiều ổ nhóm cho vay tín dụng đen. Các đối tượng cho vay cũng có hình thức biến tướng, thực hiện công nghệ cao để che đậy hành vi phạm tội.

"Có những đối tượng không mở cửa hàng nhưng vẫn rải tờ rơi, quảng cáo, thông qua mạng xã hội để tiếp cận khách hàng. Họ sử dụng các phần mềm quản lý tài chính, cầm đồ. Lãi suất dao động từ 2 triệu đến 5 triệu/ngày. Lãi suất không được ghi trên giấy tờ mà là thỏa thuận bằng miệng", đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương chia sẻ.

Cảnh báo các chiêu thức mới và sự biến tướng của tín dụng đen - Ảnh 2.

Nhiều người dân bị những tổ chức tín dụng đen khủng bố về mặt tinh thần và thể xác.

Theo đại diện Cục cảnh sát hính sự, Bộ Công an, "Tín dụng đen" đang có sự biến tướng phức tạp. Nhiều ổ nhóm tín dụng đen đã chuyển đổi sang cho vay trực tuyến, sử dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội để thực hiện việc cho vay và đòi nợ. Bộ Công an cũng đã phát hiện có khoảng 200 app (ứng dụng) cho vay trực tuyến có hành vi biến tướng cho vay nặng lãi.

"Các đối tượng co cụm lại, và chuyển hướng thay đổi phương thức thủ đoạn, cho vay trực tuyến, cho vay qua app. Những cái app cũng không được đưa lên Google Play, App Store. Sau khi các đối tượng cho vay duyệt cho người vay thì mới cài cái app này vào điện thoại", Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó trưởng phòng Trọng án Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cho hay.

Không dừng lại ở đây, Tín dụng đen còn có những biến tướng, núp bóng dưới danh nghĩa những công ty,  tổ chức tài chính, hay  ẩn dưới hình thức cho vay ngang hàng biến tướng. Theo đại diện Bộ công an, hiện trên cả nước có khoảng 70 công ty kiểu này, trong đó hầu hết do người nước ngoài đứng đầu. Cho vay nặng lãi với  lãi suất rất cao, từ 30 - 50%/tháng, thậm chí lên tới 700 - 1000%/năm.

Cảnh báo các chiêu thức mới và sự biến tướng của tín dụng đen - Ảnh 3.

Để tránh lỗ hổng của luật pháp, các tổ chức tín dụng đen hoạt động theo nhiều hình thức khác nhau.

"Có những công ty thu hút hơn 1,5 triệu khách hàng với sự giao dịch lên hàng trăm tỷ đồng. Các công ty cho vay tín dụng đen thông qua các công ty công nghệ cao và núp bóng các doanh nghiệp. Chúng tôi đang có đề xuất lên thủ tướng chỉnh phủ chỉ đạo ngân hàng, Bộ Tài chính hay các bộ ngành có liên quan đưa các công ty này, các hoạt động này vào các quản lý nhà nước", Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết.

Cũng theo đại diện Bộ Công an, trước sự tấn công quyết liệt của các lực lượng, những ổ nhóm tín dụng đen sẽ hoạt động kín đáo hơn, tinh vi hơn. Đồng thời, tận dụng triệt để các lỗ hổng của pháp lý để hoạt động. 

Thời gian tới, một hoạt động có thể "tín dụng đen" sẽ được nhắm đến là "Thương mại điện tử"; việc giả cách các hợp đồng thương mại để thực hiện chiêu trò cho vay nặng lãi và đòi nợ.

Theo vtv.vn