Gia tăng trẻ mắc chân tay miệng nhập viện
Theo hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 10.700 trường hợp mắc chân tay miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó hơn 6.600 trường hợp nhập viện và chưa có trường hợp tử vong. Ở một số tỉnh, thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng... đã ghi nhận số ca mắc chân tay miệng gia tăng trong những tuần gần đây. Tại Thái Bình, từ ngày 1/1 đến ngày 17/7, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thái Bình đã tiếp nhận hơn 370 bệnh nhân mắc chân tay miệng, cao hơn 180 bệnh nhân so với cùng kỳ năm 2019. Cao điểm nhất là từ 1 - 17/7 đã ghi nhận gần 250 ca mắc chân tay miệng.
Bệnh nhi T.M.K, xã Duy Nhất (Vũ Thư) đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình trong tình trạng sốt cao, không co giật, ngủ giật mình, ăn uống kém và có mụn nước ở tay chân. Gia đình đã mua thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ. Sau khi nhập viện, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh chân tay miệng và phải nhập viện điều trị. Hiện bệnh nhi đã được điều trị khỏi, xuất viện. Bác sĩ Vũ Thị Phương, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thái Bình cho biết: Chân tay miệng là bệnh truyền nhiễm, lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh có nhiều cấp độ khác nhau. Những bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình thời gian qua hầu hết ở mức độ 2a, đó là trẻ có 1 trong các dấu hiệu giật mình dưới 2 lần/30 phút và không ghi nhận lúc khám bệnh. Sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 39oC kèm theo nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ. Thông thường, bệnh sẽ được điều trị khỏi trong khoảng 4 - 5 ngày sau khi nhập viện song nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng như viêm cơ tim, viêm não, phù phổi cấp, nguy cơ tử vong cao. Ở một số trường hợp không điển hình như: sốt, biếng ăn, quấy khóc, loét miệng vào viện khám mới phát hiện ra. Do đó, một số phụ huynh dễ nhầm bệnh chân tay miệng với bệnh viêm họng do vi rút, thủy đậu khi thấy mụn mọc nhiều nên tự ý mua và cho con uống thuốc ở nhà. Tuy nhiên, những trường hợp này không nhiều bởi đa phần nhận thức của người dân về bệnh chân tay miệng đã được nâng cao.
Bác sĩ Vũ Thị Phương cho biết thêm: Bệnh chân tay miệng diễn biến nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm, người lớn có thể nhận biết trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu sốt nhẹ hoặc sốt cao, tổn thương ở da như: dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối... Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, các gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế.
Bệnh chân tay miệng hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh. Để hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong do bệnh chân tay miệng, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện trực thuộc Bộ yêu cầu tiếp tục rà soát, bổ sung kế hoạch phòng, chống bệnh chân tay miệng trên địa bàn; kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân mắc chân tay miệng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đưa ra nhiều khuyến cáo tới người dân nhằm chủ động phòng, chống bệnh. Cụ thể, để phòng bệnh cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; thực hiện ăn chín uống chín; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa...; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Bác sĩ Vũ Thị Phương khuyến cáo: Người lớn dù không phát bệnh song dễ mang mầm bệnh. Do đó, những người trong gia đình cần bảo đảm vệ sinh cá nhân trước khi cho trẻ ăn uống hoặc tiếp xúc với trẻ.
Hoàng Lanh
Tin cùng chuyên mục
- Thành phố: Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về cải thiện chăm sóc dinh dưỡng 11.10.2024 | 16:11 PM
- Bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn các cơ sở khám chữa bệnh 18.09.2024 | 16:23 PM
- Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa hè 31.05.2024 | 17:07 PM
- Đông Hưng: Thi tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học năm 2023 28.10.2023 | 18:42 PM
- Chủ động rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các bệnh truyền nhiễm không để dịch chồng dịch 16.03.2023 | 19:31 PM
- Tình hình dịch Covid-19 tuần qua 05.03.2023 | 20:43 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 11/2 11.02.2023 | 22:46 PM
- Truyền thông nha học đường "Chăm sóc sức khỏe răng, miệng" cho học sinh 31.10.2022 | 16:03 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/7 21.07.2022 | 18:41 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/5 21.05.2022 | 21:46 PM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Họp Tiểu ban Tổng kết công tác kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Giá trị, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn An Cư
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật