Chủ nhật, 17/11/2024, 01:59[GMT+7]

Giáo dục đại học có nhiều điểm sáng

Thứ 5, 12/09/2013 | 08:50:44
1,066 lượt xem
Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 – 2012, giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Sinh viên trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh minh hoạ

Sáng 11/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ để tổng kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ GDĐT về đổi mới quản lý giáo dục giai đoạn 2010-2012.

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Namon>, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị.

 

Để tạo điều kiện cho người học được học và học tốt, đổi mới cơ chế tài chính được xem là yếu tố cần thiết và quan trọng. Thực hiện chủ trương không để một HSSV nào đỗ vào ĐH, CĐ mà phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, ngành tiếp tục triển khai thực hiện tốt NQ 35 và Nghị định số 49 về học phí và miễn giảm học phí, Quyết định số 157 về tín dụng cho HSSV, giúp cho hơn 3 triệu HSSV được vay vốn tín dụng ưu đãi.

 

Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn ngân sách eo hẹp nhưng trong 3 năm qua Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Bộ GDĐT, các Bộ, ngành liên quan cùng các địa phương phải thực hiện song song 2 nhiệm vụ: Chính sách tín dụng sinh viên và triển khai các dự án xây dựng ký túc xá cho sinh viên. Tính đến hết năm 2012 đã có trên 250 khối nhà ký túc xá được hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, đáp ứng cho 180.000 sinh viên được ở trong ký túc xá của các nhà trường.

 

Minh bạch, công bằng với 3 công khai

 

Các đại biểu dự hội nghị đánh giá cao việc đổi mới quản lý nhà nước về GD theo hướng tách quản lý Nhà nước với quản lý chuyên môn, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho thủ trưởng các cơ sở GDĐT. Giải pháp này đã giúp các trường tự xác định được chỉ tiêu tuyển sinh, xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp theo quy chế của Bộ GDĐT.

 

Bên cạnh đó, trong 3 năm qua hầu hết các trường ĐH, CĐ đã thực hiện tốt 3 công khai: Chỉ tiêu tuyển sinh – Đảm bảo chất lượng đào tạo – Công khai chuẩn  đầu ra, công khai mức học phí trên website của trường, thuận lợi cho việc lựa chọn, đăng ký tuyển sinh, năng lực và nguyện vọng của sinh viên. Đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục ĐH đã tạo ra sự công bằng trong xã hội.

 

Đặc biệt, từ khi có NĐ 115 quy định trách nhiệm về quản lý nhà nước về giáo dục giữa TW và địa phương, chính quyền các địa phương đã tham gia quản lý tốt một số công việc như: Xác nhận điều kiện chất lượng, công nhận hội đồng quản trị, hiệu trưởng các trường ĐH ngoài công lập, kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm quy chế trong giáo dục đào tạo. Bộ GDĐT cũng đã ban hành các quy định về điều kiện, quy trình mở ngành đào tạo CĐ, ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ, phân cấp cho các cơ sở đào tạo sau ĐH. 

 

Đào tạo theo nhu cầu xã hội

 

Sau 3 năm triển khai Chỉ thị 296, nhiều trường đã triển khai có hiệu quả đào tạo theo nhu cầu xã hội. Sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp được xem như là một phương thức, là mục tiêu, giúp cho SV nâng cao kỹ năng thực hành, kỹ năng sống.

 

Nhiều đại học như: Ngoại thương; Giao thông – Vận tải; Hàng hải; Đà Nẵng… đã gắn đào tạo với thực tiễn nhu cầu xã hội, hỗ trợ, hướng dẫn, tiếp nhận nhiều sinh viên thực tập, hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trong số 420 trường ĐH, CĐ đã có 392 trường xây dựng cam kết chất lượng đào tạo. Thực hiện đổi mới quản lý GDĐH, đa số các trường đã làm tốt công tác tự đánh giá; cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo dựa trên cơ sở tự đánh giá.

 

Bên cạnh đó việc đổi mới cơ chế quản lý KHCN và nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học cũng được triển khai có hiệu quả. Các đề tài khoa học và công nghệ được xác định thông qua tuyển chọn, đấu thầu công khai, minh bạch, hoàn toàn xóa bỏ tình trạng xin cho, đẩy mạnh tính tự chủ, tăng tính hiệu quả, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo sau ĐH. Nhờ đó chất lượng đào tạo từng bước được nâng cao, kinh phí cho nghiên cứu khoa học được sử dụng có hiệu quả. Chuẩn đầu ra được xem như một thông điệp cam kết, khẳng định của các cơ sở đào tạo với xã hội, người sử dụng lao động, về kiến thức kỹ năng, trình độ chuyên môn, phẩm chất nghề nghiệp của SV đạt được sau tốt nghiệp.

 

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận nhận định, sau khi Bộ triển khai thực hiện Chỉ thị 296 của Thủ tướng đã cơ bản khắc phục được tình trạng mất ổn định và đào tạo nhân lực không sát nhu cầu xã hội. Việc Bộ phát tín hiệu cảnh báo những ngành, nghề đang quá tải để học sinh và phụ huynh học sinh điều chỉnh kịp thời đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu giảm nhu cầu đào tạo các ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh và kế toán.

 

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc đổi mới quản lý GDĐH còn thiếu chiều sâu để nâng cao chất lượng đào tạo, một số cơ sở đào tạo triển khai chậm, thiếu quyết liệt; việc công bố chuẩn đầu ra, các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa đi vào thực chất, còn mang tính hình thức; công tác quản lý ở một số trường còn chậm được đổi mới.

 

Phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại trên ngành Giáo dục đã xác định 3 nhiệm vụ trong thời gian tới: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GD ĐH;  tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động về GD ĐH.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao một số kết quả nổi bật và quan trọng sau 3 năm triển khai Chỉ thị 296, theo đó 100% các trường đại học, cao đẳng cả nước đã đã được quán triệt Chỉ thị 296 với tinh thần đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao cách làm nghiêm túc của Bộ GDĐT đối với các trường đại học mới thành lập được thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng đào tạo, Trong thời gian tới tiếp tục nghiêm túc thực hiện việc cắt chỉ tiêu tuyển sinh, tạm dừng tuyển sinh đối với những cơ sở đào tạo giáo dục đại học không đảm bảo chất lượng.

 

Sau 3 năm triển khai Chỉ thị  296, cơ bản các trường đại học đã kết thúc tình trạng giáo viên đứng lớp và viết giáo trình có trình độ cử nhân. Các nội dung yêu cầu đổi mới như: bồi dưỡng giáo viên, chuẩn hóa giáo viên, chuẩn đầu ra, tổ chức đơn vị chuyên trách quản lý chất lượng đều có mô hình tốt để học tập tham khảo.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Chính phủ sẽ cam kết đầu tư mạnh mẽ đối với các trường: ĐH Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, các đại học vùng và 2 Đại học xuất sắc: Việt - Đức và Đại học KH - CN Hà Nội.

Nguồn chinhphu.vn

  • Từ khóa