Thứ 4, 20/11/2024, 08:36[GMT+7]

Xã luận Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”

Thứ 4, 20/11/2024 | 05:12:09
271 lượt xem
Hôm nay, ngày 20/11, toàn xã hội cùng hướng về ngày lễ trang trọng của các nhà giáo, dành cho đội ngũ nhà giáo tình cảm và sự tri ân sâu sắc.

Nhóm lớp từ 24 - 36 tháng của Trường Mầm non Quang Trung (Kiến Xương).

Nhìn lại suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, “tôn sư, trọng đạo” đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, được trao truyền từ đời này sang đời khác, đóng góp vào nền văn hiến của dân tộc, sự hưng thịnh của đất nước. Ngu dân từng là chính sách mà thực dân đã thực hiện để dễ bề đàn áp nhân dân Việt Nam song trong bối cảnh ấy sự học vẫn như ngọn lửa nhen nhóm, nung nấu trong trái tim, khối óc người Việt, chờ cơ hội là bùng cháy. Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, diệt “giặc đói”, “giặc dốt” đã trở thành nhiệm vụ cấp bách mà Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra. Cuộc chiến diệt “giặc dốt” nhanh chóng giành được kết quả nhờ những người thầy không quản ngại khó khăn, vất vả và tinh thần hiếu học của nhân dân. 

Từ số lượng ít ỏi thầy giáo, cô giáo trên tổng dân số, đến nay đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của Việt Nam đã lớn mạnh, lên tới hơn 1,6 triệu người. Đội ngũ nhà giáo không chỉ đảm nhận sứ mệnh “trồng người” mà còn tham gia tích cực vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cống hiến hết mình của các thế hệ nhà giáo đã góp phần làm nên những thành tựu tự hào của giáo dục Việt Nam. Từ chỗ hơn 90% dân số không biết chữ, đến nay cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và đang thực hiện phổ cập trung học cơ sở; Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có kết quả thi Olympic quốc tế cao nhất thế giới, xếp hạng 59 thế giới về chất lượng giáo dục. Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, sự nghiệp giáo dục gặt hái nhiều thành công, mang lại khí thế mới cho ngành giáo dục, đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. 

Thái Bình là tỉnh có truyền thống hiếu học, thành quả giáo dục được khẳng định qua các thời kỳ bởi có sự đóng góp to lớn của các thế hệ nhà giáo. Đội ngũ nhà giáo trong tỉnh luôn hăng hái hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua, tích cực tự học, tự rèn, tự nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của giáo dục và đào tạo trong các thời kỳ lịch sử. Mặc dù không ít thầy giáo, cô giáo còn nhiều khó khăn trong cuộc sống song vượt lên hoàn cảnh, các thầy cô vẫn bám lớp, bám trường, đem kiến thức, tình yêu nghề, tình yêu con trẻ đến với các thế hệ học sinh, trở thành tấm gương gần gũi, chân thực và sống động nhất cho học sinh noi theo. 

Để đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, sự nghiệp giáo dục tiếp tục được Đảng, Nhà nước coi là quốc sách hàng đầu. Nhiệm vụ, trọng trách đặt ra đối với ngành giáo dục, với đội ngũ nhà giáo ngày càng to lớn. Vì vậy, sự nghiệp giáo dục cần đổi mới toàn diện, quyết liệt hơn, mỗi thầy cô giáo cần năng động, sáng tạo hơn, xứng đáng là đội ngũ trí thức tiêu biểu, đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến xa, hội nhập với thế giới. Song bên cạnh đó, việc quan tâm xây dựng chế độ, chính sách nhằm hỗ trợ đời sống, điều kiện làm việc cho đội ngũ nhà giáo cũng là nhiệm vụ mà các ngành, các cấp cần quan tâm để đội ngũ nhà giáo có điều kiện cống hiến nhiều hơn cho nghề nghiệp. 

Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”, kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để các thế hệ học sinh và toàn xã hội dành sự biết ơn, tôn vinh các thầy giáo, cô giáo. Qua đó, chúng ta gửi gắm niềm tin mỗi thầy cô giáo sẽ luôn là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo, truyền khát vọng chinh phục tri thức cho các thế hệ học sinh. 

Thái Bình