Thứ 7, 16/11/2024, 21:01[GMT+7]

Bộ thí nghiệm quang học - Thiết bị có tính ứng dụng cao trong dạy và học môn Vật lý

Thứ 2, 14/03/2016 | 09:05:20
5,302 lượt xem
Sau 3 năm nghiên cứu, chế tạo và cải tiến, Tiến sĩ Nguyễn Viết Huy và các đồng nghiệp ở Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình đã cho ra đời 5 bộ thí nghiệm quang học. Với nhiều tính năng ưu việt, các bộ thí nghiệm quang học có thể sử dụng ở hầu hết các bài giảng phần quang học trong môn Vật lý lớp 7, lớp 9, lớp 11 và học phần phương pháp dạy học Vật lý bậc cao đẳng. Sự ra đời của 5 bộ thí nghiệm quang học đã góp phần nâng cao hiệu quả việc dạy và học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong

Tiến sĩ Nguyễn Viết Huy giới thiệu bộ thiết bị quang học trong giảng dạy môn Vật lý.

Sử dụng các bộ thí nghiệm quang học, giáo viên và học sinh có thể nghiên cứu hiện tượng khúc xạ ánh sáng; phản xạ ánh sáng và phản xạ toàn phần; đường đi của tia sáng qua thấu kính hội tụ, thấu kính phân kỳ và lăng kính; cấu tạo mắt, các tật của mắt và cách sửa tật cận thị, viễn thị; đo chiết suất của chất lỏng và chất rắn. Điểm nổi bật của các bộ thí nghiệm quang học là hiện tượng vật lý được thể hiện rõ nét khi tiến hành thí nghiệm. Người học có thể nhìn rõ đường đi của tia sáng ngay trong điều kiện ánh sáng ban ngày. Từ một bộ thí nghiệm, giáo viên và học sinh có thể ứng dụng thực hành nhiều phần khác nhau. Bên cạnh đó, các bộ thí nghiệm quang học được chế tạo từ những vật liệu có độ bền cao, an toàn, dễ tìm kiếm trên thị trường như mica, tôn sơn tĩnh điện, thép không rỉ, vì thế giáo viên có thể chủ động bảo quản và sửa chữa khi hỏng.

Trong quá trình chế tạo, cải tiến, các bộ thí nghiệm quang học đã được dùng để dạy thử nghiệm ở học phần phương pháp dạy học môn Vật lý tại Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, nhận được phản hồi tích cực từ phía giảng viên, sinh viên. Thạc sĩ Phạm Cao Phong, giảng viên Khoa Tự nhiên cho biết: Các bộ thí nghiệm quang học ra đời giúp cho việc giảng dạy dễ dàng hơn, khắc phục được những hạn chế của bộ thí nghiệm quang học cũ hiện có trên thị trường như: cồng kềnh, khó di chuyển trên bảng và không thể sử dụng khi mất điện. Đặc biệt, khi các trường THCS, THPT còn đang thiếu trang thiết bị thí nghiệm trong phần học thấu kính, mắt thì việc nghiên cứu, cho ra đời bộ thí nghiệm nghiên cứu mô hình cấu tạo mắt, các tật của mắt và cách sửa tật cận thị, viễn thị có vai trò vô cùng quan trọng. Bộ thí nghiệm không chỉ bổ sung trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy mà còn tạo trực quan sinh động, cụ thể với màu sắc bắt mắt từ ánh sáng laser giúp học sinh dễ quan sát, tiếp thu bài nhanh hơn thay vì chỉ nhìn qua hình vẽ trên sách giáo khoa như trước kia.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Huy, tác giả các bộ thí nghiệm quang học chia sẻ: Hiện nay, với đông đảo hệ thống các trường THCS, THPT trong cả nước, các bộ thí nghiệm nếu được ứng dụng rộng rãi sẽ mang lại hiệu quả giáo dục cao. Giáo viên và học sinh có thể tiếp cận và ứng dụng bộ thí nghiệm chỉ trong thời gian ngắn do cấu tạo đơn giản, dễ sử dụng. Chi phí tạo ra các bộ thí nghiệm cũng rẻ hơn giá các thiết bị thí nghiệm quang học khác trên thị trường bởi chất liệu bền, giá thành thấp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, sớm đưa các bộ thí nghiệm vào sử dụng tại hệ thống các trường phổ thông trong cả nước.

Sáng tạo, có nhiều điểm mới, các bộ thí nghiệm quang học phục vụ giảng dạy môn Vật lý ở bậc THCS, THPT, cao đẳng do Tiến sĩ Nguyễn Viết Huy nghiên cứu, chế tạo vinh dự đạt giải ba hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ XIII; giải nhất hội thi Sáng tạo khoa học - công nghệ, kỹ thuật tỉnh lần thứ VI, năm 2014 - 2015, lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Hy vọng, từ kết quả này, Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình nói riêng, tỉnh Thái Bình nói chung sẽ có thêm nhiều giải pháp, đề tài khoa học kỹ thuật có tính ứng dụng cao trong thời gian tới.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa