Thứ 7, 23/11/2024, 14:00[GMT+7]

Mô hình trường học mới: Để lý thuyết không xa thực tế (Bài 3 )

Thứ 2, 24/04/2017 | 16:29:40
2,808 lượt xem
Từ năm học 2016 - 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch gỡ khó cho các nhà trường với chỉ đạo áp dụng linh hoạt các thành tố của VNEN. Sau nhiều tranh cãi, đến nay, một số tỉnh, thành phố đã dừng áp dụng VNEN, song ngược lại cũng có tỉnh, thành phố tiếp tục áp dụng trên diện rộng. Tại Thái Bình, việc dừng hay tiếp tục áp dụng VNEN vẫn là bài toán đang cần lời giải.

Học sinh Trường Tiểu học Thanh Nê (Kiến Xương) khởi động trước khi vào tiết học.

Kỳ 3: Dừng hay nhân rộng mô hình?

Song song với những nhận xét trái chiều, có nhiều lời khen dành cho mô hình VNEN. Trên thực tế, tại Thái Bình, Trường Tiểu học Tự Tân cũng đã khá thành công khi áp dụng mô hình này. Không chạy theo thành tích, căn cứ vào điều kiện thực tế để  áp dụng VNEN là quan điểm chỉ đạo của ngành Giáo dục Thái Bình. Đến nay, có khoảng 30% số trường tiểu học và gần 20% số trường THCS trong tỉnh áp dụng VNEN, một tỷ lệ không nhỏ các trường khác cũng linh hoạt áp dụng một số thành tố của VNEN. Sự linh hoạt trong việc áp dụng mang lại nhiều kết quả. 

Thầy giáo Bùi Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Hưng Hà) cho biết dù áp dụng VNEN song nhà trường vẫn thực hiện cho học sinh ngồi theo bàn ngang, hướng lên bục giảng mà không áp dụng hình thức ngồi theo nhóm vẫn phát huy được tính tự học của các em mà lại khắc phục được những hạn chế của ngồi nhóm.

Không chỉ có Trường THCS Lê Quý Đôn mà nhiều trường THCS cũng đang triển khai áp dụng theo hướng này. Với sự áp dụng linh hoạt, tại hầu hết các trường đều nhận xét chất lượng giảng dạy ổn định so với trước khi áp dụng mô hình. Quỳnh Phụ là địa phương có số trường áp dụng VNEN cao nhất so với các huyện, thành phố, ông Nguyễn Văn Roanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cho biết kết quả cuối năm học  2015 - 2016 và cuối kỳ 1 năm học 2016 - 2017 tại các trường áp dụng VNEN ổn định so với những năm học trước. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, ở những trường, lớp thực hiện mô hình VNEN tỷ lệ học sinh bỏ học thấp hơn; học sinh có năng lực và phẩm chất cao hơn trường, lớp học phương pháp truyền thống. Điển hình, năm học 2015 - 2016, Trường THCS Phương Cường Xá là trường THCS đầu tiên của huyện Đông Hưng áp dụng mô hình, ở khối 6 có kết quả rèn luyện đứng thứ 4/31 trường. Kỳ thi học sinh giỏi lớp 7 năm học 2016 - 2017 của thành phố, Trường THCS Kỳ Bá là trường áp dụng mô hình trường học mới, kết quả thi học sinh giỏi dẫn đầu thành phố.  
Những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu đối với giáo viên và học sinh đang dần được khắc phục, song bất cập mới nảy sinh đó là sự thiếu thống nhất trong phương pháp dạy học giữa các trường học trong tỉnh dẫn đến bất an trong tư tưởng giáo viên, học sinh, phụ huynh. Hai phương pháp dạy truyền thống và trường học mới đang song song tồn tại, chương trình học của VNEN được đánh giá giảm tải, nhẹ hơn so với chương trình truyền thống song các kỳ thi đánh giá chất lượng cuối năm và thi học sinh giỏi vẫn thực hiện chung, câu hỏi đặt ra là việc học và thi như vậy liệu có công bằng cho giáo viên và học sinh. Nơi theo mô hình truyền thống, nơi theo mô hình mới cũng nảy sinh bất cập trong quá trình chuyển trường và chuyển cấp. Hiện nay đang có 87 trường tiểu học, 48 trường THCS thực hiện VNEN. Như vậy sẽ có nhiều học sinh cấp tiểu học học VNEN, nhưng sang cấp THCS sẽ không học theo mô hình này. Đặc biệt với học sinh THCS, nhiều phụ huynh lo lắng cho con em khi theo học VNEN với chương trình nhẹ hơn, khi tốt nghiệp THCS và thi vào THPT liệu có khả năng để đỗ vào các trường chất lượng khi thi cùng các bạn trường khác học theo chương trình truyền thống?

Không thể phủ nhận những ưu việt của mô hình trường học mới, việc phải quyết tâm đổi mới giáo dục và đào tạo cũng là một đòi hỏi cấp bách song hơn hết vẫn phải là sự phù hợp với thực tế. Nhiều nhà giáo phân tích những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu khi thực hiện mô hình trường học mới sẽ có thể từng bước khắc phục song sự thiếu thống nhất về phương pháp dạy và học và những nội dung chưa phù hợp mang tính hệ thống thì cần phải được nghiên cứu, xem xét cụ thể và sớm có những chỉ đạo kịp thời. Bên cạnh sự thống nhất chỉ đạo trong việc áp dụng VNEN giữa các huyện, thành phố, giữa các trường, giữa các bậc học, khối học và môn học, khi quyết tâm thực hiện mô hình phải có sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư về mọi mặt để mô hình thực sự được triển khai nghiêm túc, hiệu quả, thống nhất, đồng bộ chứ không “mạnh trường nào, trường ấy làm” như thời gian qua. 

Trong đợt khảo sát về thực hiện mô hình trường học mới do Ban Văn hóa  - Xã hội HĐND tỉnh tổ chức tại các huyện, thành phố, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung làm tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh về ưu điểm của mô hình trường học mới; UBND huyện có kế hoạch khảo sát, đánh giá chất lượng ở các trường đã thực hiện, đưa ra tiêu chuẩn cụ thể; ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, có phương án cụ thể giải quyết khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. Mỗi địa phương cần nghiên cứu hỗ trợ kinh phí xây dựng thí điểm lớp học đạt tiêu chuẩn theo mô hình trường học mới để rút kinh nghiệm, nhân diện rộng.  


Hoạt động của học sinh Trường Tiểu học An Bài (Quỳnh Phụ).


Bất cứ một chủ trương, chính sách, vấn đề mới nào khi đưa vào thực tiễn áp dụng đều sẽ nhận được những ý kiến trái chiều và sẽ khó khăn trong buổi đầu triển khai. Nhà giáo Đặng Phương Bắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo từng phân tích khi phương pháp dạy truyền thống đã ăn sâu bám rễ nhiều chục năm, ngay một lúc đòi hỏi hàng nghìn giáo viên cũng như hàng vạn học sinh thích nghi và thực hiện tốt mô hình trường học mới là một đòi hỏi khó.

Nếu có cơ sở vật chất bảo đảm, đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản, số lượng học sinh không quá đông, việc áp dụng mô hình trường học mới sẽ đem lại sự đổi mới tích cực trong giáo dục. Song đó chỉ là giả thuyết mà chưa phải là những điều kiện thực tế khi thực hiện VNEN. Vì vậy, đội ngũ nhà giáo và dư luận xã hội vẫn đang cần lời giải sẽ dừng hay nhân rộng mô hình VNEN, nên áp dụng VNEN ra sao để lý thuyết không còn là màu xám xa rời thực tế.


Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy

Việc thực hiện song song hai phương pháp trong cùng một trường học đã tạo ra một số khó khăn như: sắp xếp thời khóa biểu, tạo khoảng cách giữa học sinh các khối khi dạy theo trường học mới đánh giá bằng nhận xét, còn phương pháp truyền thống đánh giá bằng điểm số. Vì vậy, phải có quy định cũng như chỉ đạo thống nhất trong triển khai mô hình VNEN là việc cần thiết để khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay.


Cô giáo Trần Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Vũ Quý (Kiến Xương)

Để giảm thiểu những hạn chế, phát huy tính ưu việt cần phải đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên chu đáo, bài bản hơn. Các cấp, các ngành cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa trong việc tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí cho các trường. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo cần đổi mới công tác kiểm tra đánh giá theo mô hình trường học mới và cần có đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh một số bất cập trong bộ sách giáo khoa và xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch dạy và học trên lớp.   
 


Ông Trần Văn Ngẫm, ông của cháu Trần Hải Anh, học sinh lớp 7A, Trường THCS Vũ Quý (Kiến Xương)

Sau hơn 1 năm học cháu tôi học theo mô hình trường học mới, tôi thấy rất vui mừng bởi cháu vui vẻ, hoạt bát và nhanh nhẹn hơn nhiều, chất lượng học tập của cháu vẫn duy trì ổn định. Tôi mong muốn được sự quan tâm, hỗ trợ cơ sở vật chất cho nhà trường bởi hiện nay các cháu vẫn ngồi học bằng bộ bàn ghế cũ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.


 


Em Nguyễn Hoàng Diệu Anh, học sinh lớp 7A5, Trường THCS Kỳ Bá (thành phố Thái Bình)

Em được học theo mô hình trường học mới từ năm lớp 6. Sau gần 2 năm học, em và các bạn rất thích học theo phương pháp mới này. Năm sau lớp 8, em vẫn mong muốn được học theo mô hình trường học mới nhưng đến năm lớp 9, em mong được quay về học theo phương pháp truyền thống để các cô giáo truyền tải kiến thức sâu hơn tạo cơ sở cho việc thi vào lớp 10 các trườn THPT công lập.



Trần Hương - Đặng Anh