Thứ 7, 23/11/2024, 21:39[GMT+7]

WHO khuyến cáo tạm hủy khám răng định kỳ trong đại dịch COVID-19

Thứ 5, 13/08/2020 | 08:05:01
1,857 lượt xem
Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, người dân nên tạm hủy các lịch khám răng định kỳ.

WHO khuyến cáo về việc khám răng định kỳ trong đại dịch COVID-19. Ảnh: getty images

Đây là khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra ngày 11/8 khi một số dịch vụ nha khoa tại nhiều nước đã bắt đầu hoạt động trở lại, tiềm ẩn nguy cơ là nguồn lây nhiễm chéo virus SARS-CoV-2 nguy hiểm.

Khuyến nghị nêu rõ: "WHO khuyến cáo rằng việc chăm sóc sức khỏe răng miệng không thiết yếu - thường bao gồm khám sức khỏe răng miệng, vệ sinh răng miệng và chăm sóc phòng ngừa - nên được hoãn lại cho đến khi tỷ lệ lây lan COVID-19 trong cộng đồng giảm xuống mức an toàn. Khuyến cáo tương tự cũng được áp dụng đối với các phương pháp điều trị nha khoa thẩm mỹ. Tuy nhiên, các biện pháp can thiệp khẩn cấp để chăm sóc sức khỏe răng miệng hoặc duy trì chức năng răng miệng của bệnh nhân như kiểm soát cơn đau dữ dội hoặc đảm bảo chất lượng cuộc sống vẫn cần được tiến hành".

Theo WHO, nhiều thủ thuật có thể được thực hiện theo cách giảm thiểu việc sử dụng bình xịt và hạn chế sản sinh các giọt siêu nhỏ bay lơ lửng trong không khí.

WHO khuyến cáo tạm hủy khám răng định kỳ trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Khám răng định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề về răng miệng. Ảnh: getty images

WHO nêu rõ trong trường hợp tốt nhất, các phòng nha nên triển khai khám bệnh từ xa cho các bệnh nhân trước khi đưa ra lịch hẹn. Cơ quan này cũng cho rằng các nha sĩ có nguy cơ cao bị nhiễm SARS-CoV-2. WHO cho biết: "Đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe răng miệng thường làm việc ở khoảng cách gần khuôn mặt của bệnh nhân trong thời gian dài. Các thao tác của họ cần giao tiếp mặt đối mặt với bệnh nhân và thường xuyên tiếp xúc với nước bọt, máu, các chất dịch khác từ cơ thể bệnh nhân, đồng thời sử dụng các dụng cụ sắc nhọn. Họ có nguy cơ cao bị nhiễm SARS-CoV-2 hoặc truyền bệnh cho bệnh nhân".

Các quy trình tạo khí dung (AGP) bao gồm làm sạch răng bằng máy tẩy cao răng và đánh bóng siêu âm, thao tác bằng tay với các mảnh ghép, thực hiện phẫu thuật nhổ răng và đặt implant. Khuyến nghị của WHO liệt kê các cách có thể điều trị răng giả bị hỏng và dụng cụ chỉnh nha, cũng như sâu răng trên diện rộng trong khi giảm thiểu hoặc tránh AGP.

Phát biểu với báo giới, chuyên gia Benoit Varenne của WHO cho biết, các bệnh về răng miệng tạo ra một gánh nặng sức khỏe thường bị bỏ quên ở nhiều quốc gia, dù những căn bệnh này có ảnh hưởng đến người bệnh trong suốt cuộc đời. Theo chuyên gia Benoit Varenne của WHO: "Trên toàn cầu ước tính có 3,5 tỷ người mắc các bệnh về răng miệng. Sâu răng ở răng vĩnh viễn nhưng không điều trị là tình trạng phổ biến nhất ở con người".

Kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy dịch vụ nha khoa đã đình trệ hoàn hoàn hoặc gián đoạn một phần do đại dịch COVID-19 tại 75% số các quốc gia thành viên của WHO. Bên cạnh đó, ông Varenne cũng bày tỏ lo ngại về việc trang bị bảo hộ cá nhân cho các nha sĩ làm việc trong thời kỳ đại dịch.

Theo vtv.vn