Thứ 7, 23/11/2024, 21:21[GMT+7]

Chủ động nhân lực, vật lực trước diễn biến mới của dịch Covid-19

Thứ 2, 17/08/2020 | 08:03:23
1,084 lượt xem
Khởi phát từ Đà Nẵng, đến giữa tháng 8 dịch Covid-19 đã lây lan đến 15 tỉnh, thành phố trong nước. Thái Bình ghi nhận 1 trường hợp nhiễm Covid-19 (bệnh nhân số 566). Công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh đang đặt ở tình huống phát hiện bệnh nhân trên địa bàn nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ. Tuy nhiên, ngành Y tế đã sẵn sàng các giải pháp để ứng phó với tình huống dịch ở cấp độ cao hơn.

Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh - nơi cách ly, điều trị các bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm Covid-19.

Ngày 25/7, Đà Nẵng xuất hiện ca bệnh đầu tiên lây lan trong cộng đồng báo hiệu đợt dịch thứ 2 tại Việt Nam. Ngày 26/7, hệ thống phòng, chống dịch toàn tỉnh chính thức được kích hoạt trở lại để rà soát người từ Đà Nẵng về. Hơn 1.000 bác sĩ, cán bộ y tế xã và lực lượng y tế thôn đã phối hợp với các ban, ngành địa phương vào cuộc tiến hành rà soát, xác minh người từ vùng có dịch về.  Đến ngày 12/8, toàn tỉnh đã rà soát được 3.656 trường hợp đi du lịch, công tác, thăm thân từ vùng dịch về.

Ngay khi phát hiện có bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong cộng đồng và bệnh nhân nhiễm Covid-19 có lịch trình di chuyển về Thái Bình, hệ thống giám sát dịch đã nhanh chóng rà soát, truy vết các trường hợp F1, F2, khoanh vùng ổ dịch. Hiện 2 ổ dịch tại Hòa Tiến (Hưng Hà) và Tây Ninh (Tiền Hải) đã được kiểm soát, ít còn khả năng lây nhiễm trong cộng đồng.  

Bước vào đợt dịch thứ 2, từ ngày 25/7 đến 12/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xét nghiệm được 1.963 mẫu. Bác sĩ Phạm Thị Thu Hà, Trưởng khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, đối với hoạt động lấy mẫu bệnh phẩm, ngoài cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cán bộ y tế tuyến huyện cũng đã tham gia và đáp ứng tốt với hoạt động này. Vì thế, việc lấy mẫu, bảo quản mẫu thời gian qua đều được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng tốt cho hoạt động xét nghiệm. Riêng từ ngày 10/8 đến nay, hệ thống xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã vận hành tối đa công suất, xét nghiệm từ 220 - 300 mẫu bệnh phẩm/ngày. Việc xét nghiệm đang được mở rộng để thực hiện xét nghiệm cho hơn 2.000 người từ vùng dịch về tỉnh. Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho việc phát hiện sớm ca bệnh, truy vết người liên quan, xử lý, khoanh vùng ổ dịch kịp thời.

Cùng với đội ngũ cán bộ y tế xã tham gia công tác giám sát dịch tại cộng đồng, tại các khu cách ly, cơ sở điều trị cũng đang huy động hàng trăm bác sĩ, cán bộ tham gia phục vụ cách ly, thu dung điều trị người nhiễm và nghi nhiễm Covid-19. Đến ngày 12/8, có 7 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đang thực hiện cách ly, điều trị, theo dõi sức khỏe 56 trường hợp, trong đó riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang điều trị cho bệnh nhân số 566 và 23 trường hợp nghi nhiễm. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện đã phân công 3 kíp điều trị, mỗi kíp từ 11 - 12 người gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên... Nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, trong tình huống có đông bệnh nhân và có bệnh nhân phải thở máy, có bệnh nhân chỉ định phẫu thuật, Bệnh viện cũng đã có kế hoạch phân công thêm các kíp điều trị với các bộ phận như chăm sóc bệnh nhân thở máy, gây mê, phẫu thuật... bảo đảm đáp ứng nhiệm vụ điều trị tuyến cao nhất tại Thái Bình.

Tại các bệnh viện như Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Phụ sản và một số bệnh viện tuyến huyện đang có các trường hợp nghi nhiễm cũng phân công bác sĩ, cán bộ y tế thực hiện các quy trình nghiêm ngặt về cách ly, theo dõi sức khỏe bảo đảm sự an toàn cho cả cán bộ y tế và người được cách ly, theo dõi sức khỏe. Cùng với các cơ sở khám chữa bệnh, đến ngày 12/8, có 8 khu cách ly tuyến tỉnh, huyện đang hoạt động thực hiện cách ly cho 236 người.

Bác sĩ Phạm Nam Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện tại tất cả các khâu giám sát tại cơ sở, phục vụ cách ly, điều trị đều đang hoạt động nhịp nhàng, các hoạt động phòng, chống dịch được kiểm soát tốt. Ngành Y tế đã xây dựng kịch bản ứng phó với diễn biến dịch ở từng cấp độ. Tùy theo cấp độ, ngành sẽ chỉ định các cơ sở y tế thu dung, điều trị, có phương án bố trí số lượng giường bệnh phù hợp. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng đã chủ động xây dựng danh mục thiết bị y tế, thuốc, vật tư tiêu hao thực hiện cho công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở điều trị. Nhiều bệnh viện thực hiện thu dung điều trị người bệnh đã được trang bị các thiết bị máy móc hiện đại như: hệ thống phòng áp lực âm, máy thở, máy X.quang di động, máy lọc máu...

Bác sĩ Phạm Nam Thái cho biết thêm, trong tình huống số lượng bệnh nhân điều trị đông, cùng với điều trị ở Bệnh viện Đa khoa, các bệnh viện như Bệnh viện Phổi, Khu khám điều trị chất lượng cao Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Lâm Hoa cùng 12 bệnh viện huyện, thành phố cũng thực hiện thu dung, điều trị bệnh nhân với khoảng 1.000 giường bệnh. Trong tình huống cần thiết để ứng phó khi dịch lan rộng, ngành Y tế sẽ thiết lập bệnh viện dã chiến. Với hơn 7.500 cán bộ, nhân viên y tế ở tuyến tỉnh, huyện, xã và bệnh viện ngoài công lập... ngành Y tế cũng đã có kế hoạch huy động các cán bộ y tế đã nghỉ hưu cùng đội ngũ sinh viên các trường y dược và tình nguyện viên trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân.

Kịch bản cho mọi tình huống dịch đều đã sẵn sàng. Đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế trên tuyến đầu phòng, chống dịch đã nỗ lực hết mình trong gần 8 tháng qua và vẫn đang tiếp tục nỗ lực trong bối cảnh dịch vẫn diễn biến phức tạp. Chỗ dựa lớn nhất, vững chắc nhất của họ là sự chung sức, đồng lòng cùng vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Vì thế, mỗi người dân hãy là một chiến sĩ tham gia trận chiến phòng, chống dịch với một tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Hoàng Lanh