Thứ 7, 23/11/2024, 21:25[GMT+7]

Dịch COVID-19 sáng 25-8: WHO thận trọng về sử dụng huyết tương để điều trị

Thứ 3, 25/08/2020 | 08:12:11
1,968 lượt xem
WHO bày tỏ thận trọng về việc sử dụng huyết tương để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 dù Mỹ đã cấp phép khẩn cấp sử dụng liệu pháp này. Tại Hong Kong, các nhà nghiên cứu ghi nhận trường hợp đầu tiên tái nhiễm sau hơn 4 tháng.

Dịch COVID-19 sáng 25-8: WHO thận trọng về sử dụng huyết tương để điều trị - Ảnh 1.

Cập nhật số liệu COVID-19 toàn cầu sáng 25-8

Toàn cầu: 23,7 triệu ca nhiễm và 16,3 triệu ca hồi phục

Theo cập nhật của trang Worldometers sáng 25-8, trên toàn cầu đã ghi nhận tổng cộng 23,7 triệu ca bệnh COVID-19, trong đó có hơn 815.000 ca tử vong hơn 16,3 triệu ca đã khỏi bệnh.

Ba nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm vẫn là Mỹ, Brazil và Ấn Độ, với lần lượt hơn 5,9 triệu, 3,6 triệu và 3,1 triệu ca nhiễm. Ba nước này cũng đứng đầu về số ca hồi phục, với Mỹ có 3,2 triệu ca, Brazil có 2,7 triệu và Ấn Độ có 2,4 triệu.

Việt Nam đang nằm ngoài nhóm 150 quốc gia/vùng lãnh thổ có số ca nhiễm cao nhất toàn cầu.

WHO thận trọng về sử dụng huyết tương

Ngày 24-8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ thận trọng về việc tán thành sử dụng huyết tương của bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục để chữa trị cho người đang nhiễm bệnh. WHO nói rằng bằng chứng cho thấy cách làm này hiệu quả vẫn còn ở mức "chất lượng thấp", thậm chí khi Mỹ đã cho phép dùng các liệu pháp như vậy.

Cuối tuần trước, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép khẩn cấp sử dụng liệu pháp trên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đổ lỗi cho cơ quan này về cản trở việc triển khai vắc xin và các liệu pháp vì lý do chính trị.

Công nghệ này gồm sử dụng huyết tương giàu kháng thể từ các bệnh nhân mắc COVID-19 đã hồi phục và dùng huyết tương này cho các ca nhiễm vẫn còn đang dương tính với hi vọng họ sẽ hồi phục nhanh hơn.

Bà Soumya Swaminathan, một nhà khoa học hàng đầu tại WHO, nói rằng chỉ một vài cuộc thử nghiệm lâm sàng về huyết tương của người đã hồi phục mang lại kết quả, và ít nhất cho đến lúc này vẫn chưa đủ thuyết phục để tán thành sử dụng cách trên một liệu pháp thực nghiệm.

Bằng chứng vẫn còn mâu thuẫn: Chẳng hạn một nghiên cứu của Trung Quốc cho thấy huyết tương của người hồi phục đã không tạo ra sự khác biệt gì ở bệnh nhân đang điều trị, trong khi một nghiên cứu khác cho thấy nó có thể làm giảm nguy cơ tử vong.

Cố vấn cao cấp Bruce Aylward của WHO nói thêm ngoài tính hiệu quả của huyết tương, cũng có các nguy cơ về an toàn phải được xem xét lại. Người này cho biết "có nhiều tác dụng phụ" từ sốt nhẹ cho tới bị tổn thương phổi nghiêm trọng. "Vì lý do đó, thử nghiệm lâm sàng là vô cùng quan trọng" - Aylward nói.

Dịch COVID-19 sáng 25-8: WHO thận trọng về sử dụng huyết tương để điều trị - Ảnh 2.

Một người đàn ông cho lạc đà không bướu ăn vào ngày đầu tiên mở lại sở thú Giza ở ngoại ô thủ đô Cairo, Ai Cập hôm 24-8 - Ảnh: REUTERS

Trẻ em Mexico đến trường thông qua... tivi

Ngày 24-8, hàng chục triệu trẻ em Mexico đã bắt đầu một năm học mới với các bài học được dạy thông qua tivi. Đây là một thí nghiệm được tổ chức khắp cả nước về việc học tập từ xa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Theo Hãng tin AFP, chính phủ Mexico đã hợp tác với 4 đài truyền hình tư nhân để phát các bài học trên khắp quốc gia Mỹ Latinh này.

Theo kế hoạch, khoảng 30 triệu học sinh tại các trường công, với độ tuổi từ 4-18, sẽ học qua tivi cho đến khi tình hình đủ cải thiện để các em quay lại lớp học. Các lớp học trực diện đã ngưng tại Mexico kể từ tháng 3.

Dịch COVID-19 sáng 25-8: WHO thận trọng về sử dụng huyết tương để điều trị - Ảnh 3.

Hong Kong phát hiện ca tái nhiễm sau 4 tháng

Các nhà nghiên cứu ở Hong Kong cho biết họ đã ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 tái nhiễm đầu tiên, cụ thể là một người đàn ông 33 tuổi. Người này tái nhiễm sau khi lần đầu tiên mắc COVID-19 cách đây hơn 4 tháng.

Người này đã khỏi bệnh và được xuất viện hồi tháng 4. Tuy nhiên, ông tiếp tục dương tính với virus corona chủng mới lần nữa sau khi quay về Hong Kong từ Tây Ban Nha và có đi qua Vương quốc Anh.

Bệnh nhân dường như vẫn khỏe mạnh. Ông bị nhiễm một chủng virus corona khác với chủng ông bị mắc trước đây, đồng thời không cho thấy triệu chứng trong lần nhiễm thứ hai. "Đây là ghi nhận đầu tiên trên thế giới về một bệnh nhân đã khỏi COVID-19 nhưng sau đó vẫn mắc COVID-19 thêm lần nữa" - các nhà nghiên cứu nhấn mạnh.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hong Kong ngày 24-8 nói rằng phát hiện của họ cho thấy dịch bệnh này có thể sẽ tiếp tục lây lan trên toàn cầu thậm chí nếu phát triển đủ miễn dịch cộng đồng.

Tuy nhiên, bác sĩ Kai-Wang To, một trong các tác giả của nghiên cứu, nói với hãng tin Reuters: "Phát hiện này không có nghĩa việc tiêm vắc xin sẽ vô ích. Miễn dịch được tạo ra do tiêm vắc xin có thể khác với miễn dịch được tạo ra do lây nhiễm tự nhiên. Chúng ta cần đợi kết quả của các cuộc thử nghiệm vắc xin để xem vắc xin hiệu quả ra sao".

Theo tuoitre.vn