Thứ 7, 23/11/2024, 21:21[GMT+7]

Dịch COVID-19 ngày 28-8: Mỹ chuẩn bị xét nghiệm nhanh quy mô lớn

Thứ 6, 28/08/2020 | 08:14:01
2,291 lượt xem
Mỹ sẽ tiến hành 150 triệu xét nghiệm nhanh trên toàn quốc trong nỗ lực đưa tình hình trở lại bình thường sớm nhất có thể. Chi phí mỗi lần xét nghiệm là 5 USD và cho ra kết quả sau 15 phút. Nhiều bang đã lên tiếng phản đối.

Dịch COVID-19 ngày 28-8: Mỹ chuẩn bị xét nghiệm nhanh quy mô lớn - Ảnh 1.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Indonesia cấp vắc xin miễn phí cho dân

Phát biểu trước Quốc hội Indonesia ngày 27-8, ông Erick Thohir, một quan chức cấp trong trong chính phủ Indonesia khẳng định vắc xin ngừa COVID-19 sẽ được cấp miễn phí cho người dân. Các chi phí sẽ do ngân sách chi trả, tuy nhiên, theo vị này kêu gọi những ai đủ tiền thì nên tự nguyện bỏ tiền túi để nhường cơ hội cho người khác và giảm gánh nặng ngân sách.

Ông Thohir hi vọng Indonesia sẽ nhận được 30 triệu liều vắc xin COVID-19 vào cuối năm nay thông qua hợp tác với các hãng Sinovac của Trung Quốc và G42 của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Số vắc xin này có thể được dùng để tiêm cho khoảng 15 triệu người.

Thông qua hợp tác với công ty Indonesia, hai công ty Bio Farma và Sinovac của Trung Quốc đã cam kết sản xuất 20 triệu liều vắc xin vào cuối năm nay và 250 triệu liều vào năm 2021. Bộ trưởng Thohir khẳng định Indonesia vẫn tiếp tục ưu tiên phát triển một loại vắc xin riêng mang tên "Đỏ và Trắng (màu quốc kỳ Indonesia).

Mỹ xét nghiệm nhanh hàng trăm triệu người

Dịch COVID-19 ngày 28-8: Mỹ chuẩn bị xét nghiệm nhanh quy mô lớn - Ảnh 2.

Nhân viên y tế Mỹ lấy mẫu xét nghiệm cho một người dân bang Texas - Ảnh: REUTERS

Hãng thông tấn AFP dẫn các nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trumps sẽ công bố kế hoạch mua 150 triệu bộ xét nghiệm nhanh trong cuối tuần này. Động thái diễn ra sau khi bộ xét nghiệm nhanh do Abbott Laboratories chế tạo được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cấp phép ngày 26-8.

Chi phí cho mỗi lần xét nghiệm là 5 USD và cho ra kết quả chỉ sau 15 phút. Theo AFP, việc đẩy mạnh xét nghiệm nhanh hàng trăm triệu người cho thấy nỗ lực của ông Trump trong việc đưa nước Mỹ trở lại bình thường trước ngày bầu cử.

Trong bối cảnh đó, Arizona, California, Connecticut, Florida, Illinois, Texas, New Jersey và New York đã tuyên bố sẽ tiếp tục xét nghiệm những người không có triệu chứng đã tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19. Theo hướng dẫn mới từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), việc xét nghiệm các trường hợp này là không cần thiết.

Mỹ đã xét nghiệm trung bình 675.000 người mỗi ngày vào tuần trước, giảm so với mức đỉnh vào cuối tháng 7 là hơn 800.000 người/ngày. Hướng dẫn mới của CDC đã "gây sốc" cho các bác sĩ trong khi các chính trị gia Dân chủ chỉ trích có động cơ chính trị đằng sau.

Ca nhiễm tại Pháp tăng vọt sau ngày "không có ca nào"

Bộ Y tế Pháp ngày 27-8 cho biết đã ghi nhận 6.111 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 mới trong cùng ngày. Đây là mức tăng cao nhất kể từ ngày 30-3, thời điểm nước Pháp vẫn còn trong thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

Tổng số ca nhiễm được xác nhận của Pháp hiện đã gần 260.000 ca, trong đó có 30.000 ca tử vong. Bộ Y tế Pháp cũng cho biết đã ghi nhận gần 5.500 ca nhiễm mới trong ngày 26-8. Cơ quan này lý giải việc trước đó không có ca tử vong hoặc nhiễm mới nào trong ngày 26-8 là do trục trặc kỹ thuật trong việc báo cáo từ các bệnh viện.

Thủ đô Paris của Pháp đã bắt đầu áp lệnh đeo khẩu trang bắt buộc tại 21 trong tổng số 94 khu vực. Những nơi này được phân loại là "vùng đỏ", tức có sự xuất hiện và lây lan của virus SARS-CoV-2 trong khu vực.

Dịch COVID-19 ngày 28-8: Mỹ chuẩn bị xét nghiệm nhanh quy mô lớn - Ảnh 3.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

826.000 người đã chết vì đại dịch trên toàn cầu

Đại dịch COVID-19 đã giết chết ít nhất 826.512 người trên toàn thế giới kể từ khi xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái, theo một cuộc kiểm đếm từ các nguồn chính thức do AFP tổng hợp cuối ngày 27-8.

Hơn 24 triệu trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận tại 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Mỹ đã ghi nhận số người chết cao nhất với gần 180.000, tiếp theo là Brazil với hơn 117.000 ca, Mexico là 62.000 ca. Ấn Độ vẫn là nước có số người chết vì COVID-19 nhiều nhất châu Á với 60.000 ca.

Theo tuoitre.vn