Thứ 4, 13/11/2024, 06:49[GMT+7]

Xã Lê Lợi: Chuyển đổi đối tượng chăn nuôi

Thứ 2, 31/08/2020 | 08:05:59
2,165 lượt xem
Sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra, cùng với việc thực hiện công tác tái đàn lợn để khôi phục sản xuất, người chăn nuôi trên địa bàn xã Lê Lợi (Kiến Xương) cũng tích cực chuyển đổi đối tượng chăn nuôi như gia cầm, đại gia súc để bù đắp thiệt hại về kinh tế do bệnh dịch gây ra.

Nuôi trâu, bò cho đầu ra ổn định và hiệu quả kinh tế cao.

Ông Dư Ngọc Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi cho biết: Số lượng đàn lợn nuôi tại địa phương không nhiều, hàng năm chỉ duy trì khoảng gần 2.000 con. Quy mô nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu là gia trại với số lượng từ 10 - 30 con, không có trang trại chăn nuôi lớn. Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019 đã khiến hơn 900 con lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy với tổng trọng lượng hơn 34 tấn. Sau khi bệnh dịch được khống chế, địa phương đã bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, của huyện về công tác tái đàn, từ đó tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp tái đàn lợn tại địa phương. Tuy nhiên, do các hộ đều là chăn nuôi nhỏ lẻ, hệ thống chuồng trại không đáp ứng được các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, trong khi con giống khan hiếm và giá thành cao, người dân vẫn lo sợ dịch bệnh xảy ra bất cứ lúc nào nên hoạt động tái đàn lợn diễn ra dè dặt, chủ yếu chuyển sang chăn nuôi gia cầm và phát triển đàn trâu, bò.

Hiện tại, tổng đàn lợn toàn xã Lê Lợi có gần 300 con; đàn trâu, bò gần 200 con; đàn gia cầm gần 52.000 con. Phát huy lợi thế của xã duyên giang, có diện tích đất bãi ven sông Trà Lý, thuận lợi cho việc chăn thả và tìm nguồn thức ăn cho trâu, bò, nhiều hộ dân trong xã đã cải tạo chuồng trại chuyển sang chăn nuôi trâu, bò. Đối với những hộ đã nuôi từ trước thì tiếp tục mở rộng quy mô nuôi với số lượng lớn hơn. Điển hình như gia đình ông Vũ Văn Hiệp ở thôn Đông Thổ đã mạnh dạn đấu thầu diện tích đất bãi rộng 6ha và xây dựng trang trại nuôi trâu, bò sinh sản và thương phẩm với số lượng 70 con. Ông Hiệp cho biết: Chăn nuôi lợn đối mặt với nhiều rủi ro về nguy cơ dịch bệnh, chi phí mua con giống và thức ăn chăn nuôi cao, đến kỳ lợn được xuất bán thì giá cả thị trường lại bấp bênh. Khác với nuôi lợn, trâu, bò là vật nuôi có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, đầu ra và giá cả ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao nên tôi quyết định gắn bó với vật nuôi này. Thời gian đầu do thiếu vốn và kinh nghiệm chăn nuôi nên tôi chỉ nuôi với số lượng từ 20 - 30 con rồi nhân dần số lượng đàn. Đến nay, trang trại có 20 con bò sinh sản, 20 con bò thương phẩm, đặc biệt đầu năm 2020 tôi đưa vào nuôi thêm 30 con trâu thương phẩm. Mỗi con trâu, bò cần từ 300 - 500m2 đất để trồng cỏ, ngoài ra tôi còn tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp như rơm, rạ, cám gạo, ngô, thân cây chuối và cắt thêm cỏ ven đê để làm thức ăn cho vật nuôi, vì vậy mà tiết kiệm đáng kể chi phí thức ăn. Sau khi bò sinh sản, nếu là bê cái được giữ lại để nhân giống, bê đực được vỗ béo thành bò thương phẩm. Bê đực nuôi 6 tháng sẽ đạt cân nặng khoảng 80kg/con có giá bán trên 10 triệu đồng/con; nuôi 15 tháng giá bán trên 30 triệu đồng/con. Còn đối với trâu thương phẩm được nuôi với hình thức vỗ béo, trâu mua về đã đạt cân nặng từ 50 - 80kg có giá bán từ 15 - 18 triệu đồng/con, sau khoảng 10 tháng nuôi vỗ béo sẽ đạt cân nặng khoảng 4 tạ có giá bán trên 35 triệu đồng/con. Như vậy, sau khi trừ chi phí chăn nuôi, mỗi con trâu, bò sẽ cho lãi khoảng 10 triệu đồng/con/năm.

Chuyển hướng chăn nuôi có hiệu quả đã góp phần bù đắp thiệt hại về kinh tế do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra, tạo nguồn thu ổn định cho người chăn nuôi trên địa bàn xã Lê Lợi, đồng thời góp phần thực hiện đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh.

Thanh Huyền