Chủ nhật, 24/11/2024, 00:10[GMT+7]

Hiệu quả mô hình tổ hợp tác trồng đào

Thứ 2, 31/08/2020 | 08:46:52
10,536 lượt xem
Những năm qua, tổ hợp tác sản xuất tiêu thụ cây đào cảnh Sa Cát, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) hoạt động rất hiệu quả. Các thành viên trong tổ hợp tác liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập.

Mô hình trồng đào của gia đình ông Trương Văn Đãng hiện có hơn 350 gốc đào rừng, đào cổ.

Năm 1993, gia đình ông Trương Văn Đãng, tổ 9, phường Hoàng Diệu cũng như nhiều người dân khác ở đây bắt đầu trồng đào bán ra thị trường dịp tết Nguyên đán. Nhận thấy nhu cầu người dân tìm mua những gốc đào cổ, độc, lạ, có kích thước to, nhất là những cây đào từ vùng núi ngày càng tăng, ông Đãng đã đi các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Sơn La, Điện Biên, rồi sang cả nước bạn Lào để tìm kiếm những gốc đào cổ thụ về trồng. Nhờ nắm bắt được nhu cầu thị trường nên đến cuối năm 2007, người dân thi nhau tìm mua những gốc đào rừng, đào cổ về chơi thì mô hình của gia đình ông chỉ có 1,3 sào ruộng với vài chục gốc đào rừng nhưng đã thu lãi cả trăm triệu đồng, có những gốc thu lãi từ 20 - 30 triệu đồng. Những năm sau đó, nhiều người dân xung quanh thấy việc trồng đào rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao nên cũng học tập và làm theo mô hình của gia đình ông Đãng. Hiện nay, mô hình của gia đình ông Đãng đã mở rộng diện tích trồng hơn 1 mẫu với hơn 350 gốc đào rừng, đào cổ, hơn 500 gốc đào phai, sau khi trừ chi phí năm cao nhất gia đình ông thu về hơn 400 triệu đồng. Ông Đãng cho biết thêm: Trồng đào phụ thuộc nhiều vào thời tiết, bên cạnh việc điều chỉnh dinh dưỡng cho cây hợp lý, người dân Sa Cát đặc biệt lưu ý thời gian từ tháng 6 đến tháng 12 để chọn thời điểm tỉa lá, cắt cành và tạo dáng bảo đảm cây đào đẹp, nở hoa đúng dịp tết Nguyên đán.

Cũng như ông Đãng, ông Vũ Ngọc Tĩnh, tổ 9, phường Hoàng Diệu hiện có hơn 400 gốc đào rừng, hàng trăm gốc đào phai, thu nhập mỗi năm sau khi trừ chi phí đạt từ 400 - 500 triệu đồng. Ông Tĩnh cho biết: Bên cạnh những dáng cây cổ truyền, các thành viên tổ hợp tác sản xuất tiêu thụ cây đào cảnh Sa Cát thường xuyên giao lưu, trao đổi, truyền cho nhau kinh nghiệm để tạo ra những cây đào với thế lạ, kiểu dáng độc đáo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người chơi đào. Hiện nay, các thành viên trong tổ hợp tác còn nhân giống và phát triển một số loài hoa lan để ghép bám vào gốc, cành đào, tạo sự độc đáo, mới mẻ cho cây, thu hút người mua. Thời gian tới, chúng tôi còn thử nghiệm ghép cành đào để có thể tạo ra cây đào vừa có hoa vừa có quả bán ra thị trường đúng dịp tết cổ truyền dân tộc để nâng cao giá trị của cây đào.  

Tổ hợp tác sản xuất tiêu thụ cây đào cảnh Sa Cát thành lập từ năm 2016 với 99 thành viên, đến nay đã thu hút 115 thành viên tham gia với tổng diện tích trồng đào hơn 12ha. Thành viên trồng nhiều nhất từ 450 - 500 gốc đào rừng, đào cổ và hàng trăm gốc đào phai. Ông Vũ Đình Khởi, tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất tiêu thụ cây đào cảnh Sa Cát chia sẻ: Thuận lợi nhất với các hộ trồng đào ở Hoàng Diệu là chất đất ở đây đặc biệt thích hợp để trồng loại cây này. Nụ hoa và cánh hoa đào phát triển đều, đẹp và to hơn trồng ở những nơi khác. Hiện nay, tổ hợp tác có hơn 38.500 cây đào cảnh, 6.660 cây đào rừng, hơn 42.500 cây đào giống, hơn 14.700 cây quất cảnh, hàng nghìn cây ăn quả, cây bóng mát. Đây là những con số biết nói, minh chứng rõ nhất về sự khởi sắc của làng đào Sa Cát, sự năng động, sáng tạo của từng thành viên trong tổ hợp tác trong phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và làm đẹp cho đời. Thời gian tới, chúng tôi rất mong cấp ủy, chính quyền các cấp, Liên minh Hợp tác xã, Hội Nông dân tỉnh tạo điều kiện để chúng tôi có thể thành lập Hợp tác xã trồng đào cảnh Sa Cát, không chỉ nâng tầm giá trị cho cây đào, tiến tới xây dựng thương hiệu cây đào cảnh nơi đây mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Ông Trần Văn Chỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hoàng Diệu đánh giá: Hiệu quả từ việc trồng đào của các thành viên tổ hợp tác đã đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của phường. Không chỉ làm giàu cho gia đình, các thành viên tổ hợp tác còn tạo việc làm cho nhiều hội viên, nông dân khác. Nhờ vậy, đời sống của hội viên ngày càng được cải thiện và nâng lên. Nhiều gia đình xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được phương tiện đi lại thuận lợi, tích cực tham gia hiến đất, làm đường giao thông, tham gia xây dựng đô thị văn minh. Thời gian tới, Hội Nông dân phường sẽ phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây đào, các loại hoa, cây cảnh khác, cho hội viên nông dân đi tham quan những mô hình trồng đào hiệu quả để nâng cao giá trị của cây đào trên đất Hoàng Diệu.

Tiến Đạt