Thứ 5, 14/11/2024, 11:08[GMT+7]

Dịch COVID-19 sáng 8-9: WHO nói đây không phải là đại dịch cuối cùng

Thứ 3, 08/09/2020 | 08:22:25
2,650 lượt xem
Tổng giám đốc WHO nói rằng thế giới phải chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch tiếp theo. Năm nay Indonesia đã dành ra hơn 250 triệu USD để đặt mua trước vắc xin, còn EU dự kiến tiếp nhận các liều vắc xin đầu tiên cuối năm 2020.

Dịch COVID-19 sáng 8-9: WHO nói đây không phải là đại dịch cuối cùng - Ảnh 1.

Tình hình dịch COVID-19 trên toàn cầu sáng 8-9

Toàn cầu: Hơn 2/3 trong số 27,4 triệu ca nhiễm đã hồi phục

Theo cập nhật của trang Worldometers sáng 8-9, trên toàn cầu đã ghi nhận tổng cộng hơn 27,4 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 896.000 ca tử vong và 19,5 triệu ca đã khỏi bệnh (tức hơn 2/3 số ca nhiễm đã hồi phục).

Đứng đầu thế giới về số ca nhiễm là 3 nước Mỹ, Ấn Độ và Brazil, với lần lượt 6,4 triệu, 4,2 triệu và 4,1 triệu ca nhiễm. Ba nước này cũng đứng đầu về số ca hồi phục, với Mỹ có hơn 3,7 triệu, Ấn Độ có hơn 3,32 triệu, và Brazil có hơn 3,31 triệu ca.

Việt Nam đang nằm ngoài nhóm 150 quốc gia/vùng lãnh thổ có số ca nhiễm cao nhất thế giới.

WHO: Đây không phải là đại dịch cuối cùng

Ngày 7-9, tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng thế giới phải chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch tiếp theo khi ông kêu gọi các nước đầu tư vào y tế công.

Theo thống kê của Hãng tin Reuters, đến nay hơn 27 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu kể từ lúc các ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận ở Trung Quốc vào tháng 12-2019.

"Đây sẽ không là đại dịch cuối cùng. Lịch sử cho chúng ta thấy rằng các đại dịch là một thực tế của cuộc sống. Nhưng khi đại dịch tiếp theo xảy ra, thế giới phải sẵn sàng và sẵn sàng hơn lần này" - ông Tedros phát biểu trong cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ.

Dịch COVID-19 sáng 8-9: WHO nói đây không phải là đại dịch cuối cùng - Ảnh 2.

Tổng thống Jair Bolsonaro của Brazil từ trên xe vẫy tay chào khi dự lễ kỷ niệm Ngày Độc lập ở thủ đô Brasilia ngày 7-9 - Ảnh: AFP

Tây Ban Nha là nước đầu tiên ở Tây Âu có nửa triệu ca nhiễm

Báo Guardian đưa tin Tây Ban Nha đã trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Tây Âu ghi nhận nửa triệu ca bệnh COVID-19. Theo cập nhật của trang Worldometers sáng 8-9, Tây Ban Nha hiện cũng nằm trong nhóm 10 nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới, với 525.549 ca.

Số liệu mới nhất từ Bộ Y tế Tây Ban Nha cho thấy nước này ghi nhận thêm 49.716 ca nhiễm trong tuần qua và 237 ca tử vong. Khoảng 1/3 trong số ca nhiễm và ca tử vong mới được ghi nhận ở thủ đô Madrid.

Hiện Tây Ban Nha có tốc độ gia tăng ca nhiễm hằng ngày nhanh nhất ở châu Âu. Sự gia tăng như vậy bắt đầu hồi tháng 7, trong khi Pháp cũng chứng kiến sự gia tăng nhanh tương tự bắt đầu từ tháng 8.

Châu Âu tiếp nhận liều vắc xin đầu tiên cuối năm 2020

Phó Tổng vụ trưởng về y tế và an ninh lương thực của Ủy ban châu Âu (EC), bà Sandra Gallina ngày 7-9 cho biết các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) dự kiến tiếp nhận các liều vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên vào cuối năm nay và nhiều loại vắc xin có thể sẵn sàng sử dụng trong giai đoạn đầu năm 2021.

Bà nói thêm sẽ tùy thuộc các nước thành viên quyết định ai sẽ là người đầu tiên được tiêm vắc xin. Bà cho biết giá của vắc xin sẽ từ 5-15 euro (6-17 USD) mỗi liều để đảm bảo tất cả quốc gia thành viên EU có khả năng chi trả, theo Hãng tin Kuna.

Bà Gallina nhấn mạnh những công ty tham gia phát triển và sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 sẽ phải chịu trách nhiệm theo các luật hiện hành và nếu xảy ra sai sót gì đó, họ có thể bị đưa ra tòa án.

Dịch COVID-19 sáng 8-9: WHO nói đây không phải là đại dịch cuối cùng - Ảnh 3.

Tình hình dịch COVID-19 ở Đông Nam Á

Indonesia dành ra hơn 250 triệu USD đặt mua trước vắc xin

Bộ trưởng Điều phối kinh tế Airlangga Hartanto của Indonesia ngày 7-9 cho biết nước này đã dành ra 3.700 tỉ rupiah (251 triệu USD) để thanh toán trước cho hợp đồng mua vắc xin ngừa COVID-19, theo báo Jakarta Post.

"Một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi trong năm tới là có được vắc xin ngừa COVID-19. Năm nay chúng tôi đã dành ra 3.700 tỉ rupiah cho vắc xin. Năm tới chúng tôi sẽ dành ra 37.000 tỉ rupiah cho một chương trình kéo dài nhiều năm" - ông Airlangga Hartanto nói.

Hiện chính phủ Indonesia quan tâm đến một số loại vaccine tiềm năng đang được phát triển. Đầu tiên là vắc xin Merah Putih đang được Bộ Nghiên cứu và công nghệ, và Viện Sinh học phân tử Eijkman phát triển.

Hai là loại vắc xin đang được công ty dược phẩm nhà nước PT Bio Farma hợp tác với hãng dược Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển. Ba là loại vắc xin do Tập đoàn 42 (G42) của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) phát triển.

"Chúng tôi có kế hoạch mua 290 triệu liều vắc xin của Sinovac trong năm tới và 30 triệu liều vắc xin của G42 trong năm nay" - Bộ trưởng Airlangga Hartanto thông tin.

Theo tuoitre.vn