Chủ nhật, 10/11/2024, 09:18[GMT+7]

Nga đẩy mạnh thị trường xuất khẩu trực thăng đến nhiều nước

Thứ 3, 15/09/2020 | 07:50:16
2,925 lượt xem
Trong những năm qua, các phiên bản trực thăng quân sự và dân dự của Nga được hiện đại hóa sâu từ dòng trực thăng Mi-8 đã đi đến nhiều nước trên thế giới.

Ngoài nhiệm vụ vận tải, Mi-8 cũng có thể dùng cho mục đích trinh sát hoặc tấn công mặt đất. Máy bay được quân đội hàng chục nước sử dụng. Ảnh: Military Today.

Xuất khẩu trực thăng là một trong những thế mạnh của các doanh nghiệp quốc phòng Nga. Hiện Nga đang nỗ lực phát triển công nghệ, chú trọng tính ứng dụng của từng sản phẩm để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu.

Chiếc trực thăng Mi-8AMT đã thực hiện một phần trình diễn tại khu vực bay thử nghiệm của nhà máy Ulan-Ude. Đây là biến thể dân sự của trực thăng Mi-8 Bắc Cực, vừa được ra mắt khách hàng. Dòng trực thăng đa nhiệm này được biết đến với phiên bản xuất khẩu là Mi-171.

Ông Vasily Matveev - Phi công thử nghiệm cao cấp Nhà máy hàng không Ulan-Ude, LB Nga cho biết: "Hệ thống điện tử hỗ trợ trực thăng thực hiện chuyến bay cả ngày lẫn đêm, trong điều kiện thời tiết phức tạp nhất. Trên một số phiên bản đã được lắp đặt hệ thống lái tự động kỹ thuật số, cho phép trực thăng bay theo chế độ tự động".

Nhà máy Ulan-Ude là một trong những "công xưởng" chế tạo trực thăng lớn nhất của Nga và thế giới, được thành lập vào năm 1939. Những chiếc trực thăng Mi-8 huyền thoại đã ra đời tại đây từ những năm 1960 và hiện vẫn là dòng trực thăng đa năng phổ biến nhất trên thế giới.

Nga đẩy mạnh thị trường xuất khẩu trực thăng đến nhiều nước - Ảnh 1.

Mi-8 cũng là loại máy quân sự phổ biến thứ 3 trên thế giới. Ảnh: Airplane Pictures.

Ông Leonid Belyukh - Giám đốc điều hành Nhà máy hàng không Ulan- Ude, LB Nga chia sẻ: "Tính đến nay, trực thăng Mi-171 dạng xuất khẩu của Mi-8, đã có đến 23 phiên bản khác nhau. Điều này có nghĩa mỗi khách hàng của chúng tôi đều có trực thăng của riêng mình".

Từ Mi-8 đến Mi-17, đến Mi-171 với các phiên bản nâng cấp, nhiều năm qua, nhà máy Ulan- Ude đã liên tục phát triển các mẫu trực thăng cải tiến nhằm làm chủ các phân khúc thị trường mới. Cùng với đó là sự chuyển đổi kỹ thuật số, sản xuất và cải tiến công nghệ đặc biệt, đưa vào vận hành các thiết bị phù hợp với từng khu vực.

Ông Sergey Solomin - Kỹ sư trưởng Nhà máy hàng không Ulan- Ude, LB Nga nói: "Quy trình công nghệ lắp đặt một chiếc trực thăng thông thường mất 9 tháng, nhưng thực tế có thể sẽ lâu hơn. Phụ thuộc vào yêu cầu của khách hàng về các trang thiết bị mang tính chuyên dụng".

Theo Tập đoàn Trực thăng Nga, đã có khoảng 200 trực thăng được sản xuất trong năm qua. Danh mục xuất khẩu trực thăng quân sự là hơn 120 chiếc cho giai đoạn 2019-2021. Bên cạnh đó, nhu cầu trực thăng dân dụng cũng tăng lên trong cơ cấu các đơn hàng.

Trong hơn 80 năm qua, nhà máy sản xuất trực thăng Ulan-Ude đã cho ra đời hơn 10 nghìn máy bay quân sự và dân sự. Các dòng sản phẩm của nhà máy đã có mặt ở hơn 45 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo vtv.vn