Thứ 7, 23/11/2024, 23:12[GMT+7]

Nổi danh đất nghề

Thứ 4, 23/09/2020 | 08:43:56
3,943 lượt xem
Nói đến Kiến Xương là nói đến đất nghề bởi toàn huyện hiện có 24 làng nghề, trong đó nhiều nghề nổi tiếng được cả nước biết đến như chạm bạc, mây tre đan, thảm len, chế biến, đánh bắt thủy sản… Hàng năm, giá trị sản xuất từ nghề chiếm khoảng 25% giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện.

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Kiến Xương) chưa bao giờ phải dừng tiếng búa.

Kiến Xương nổi tiếng với làng nghề chạm bạc Đồng Xâm đã có trên 600 năm. Đến nay làng nghề này vẫn thu hút trên 4.000 lao động tham gia làm nghề, tiếng búa, tiếng đục rộn rã khắp các ngõ xóm, tạo sức sống mãnh liệt của làng nghề có một không hai trong cả nước. Các sản phẩm của làng nghề không chỉ được bán tại các đại lý trên cả nước mà còn làm theo các đơn đặt hàng, kể cả của khách nước ngoài. Ông Nguyễn Văn Niết, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm được hình thành từ năm 1428, trải qua bao thăng trầm song vẫn được bảo tồn và phát triển. Những năm gần đây, các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện đã có nhiều chủ trương phát triển làng nghề, trong đó làng nghề chạm bạc đã được quảng bá, giới thiệu sản phẩm và cấp logo thương hiệu làng nghề, tạo uy tín cho sản phẩm; hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Đặc biệt, năm 2020 UBND tỉnh đầu tư kinh phí xây dựng nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm chạm bạc. Từ sự quan tâm đó, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm không chỉ duy trì phát triển ở xã mà còn phát triển sang các xã lân cận. Đến nay làng nghề xã Hồng Thái luôn duy trì 150 tổ nghề, giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động, thu nhập từ nghề chiếm gần 60% tổng giá trị sản xuất của xã.  


Không chỉ chạm bạc mà nhắc đến Kiến Xương nhiều người còn biết tới mắm cáy, mắm rươi Hồng Tiến bởi địa phương này có vùng đất bãi, là nơi thủy triều giao hòa nguồn nước lợ nên có các sản vật quý như rươi, cáy, rạm, tôm rảo sinh sống. Xã Hồng Tiến đã phát huy lợi thế của dải đất đó để có hướng đi riêng trong phát triển nghề chế biến đánh bắt thủy sản, tạo bước phát triển đột phá. Ông Đỗ Đức Cảnh, Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: Với gần 100ha bãi bồi, những năm qua địa phương đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp, nhà khoa học thực hiện các đề tài, dự án nuôi rươi, sản xuất lúa hữu cơ trên đất nuôi rươi với mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo, rươi hữu cơ Hồng Tiến cùng với đặc sản mắm cáy để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương. Đặc biệt, tận dụng vùng nguyên liệu dồi dào cùng với nghề làm mắm cáy có gần 100 năm qua, địa phương đã quyết tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đây là loại mắm được chế biến thủ công, có độ đạm cao, thơm ngon với mùi vị đặc trưng riêng nên năm 2018 mắm cáy Hồng Tiến đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đây là hướng đi cần thiết để duy trì và phát triển nghề truyền thống ở địa phương, nhất là trong giai đoạn thực hiện chủ trương mỗi xã một sản phẩm như hiện nay. Kể từ khi được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm mắm cáy đã nổi tiếng hơn, vươn ra tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, sản lượng tăng từ 1,5 - 2 lần, giá trị tăng gấp 1,5 lần so với trước. Những kết quả này đã góp phần đưa tỷ trọng nông nghiệp của Hồng Tiến trong những năm qua tăng 2,26%.


Một số nghề truyền thống khác ở Kiến Xương mặc dù đã mai một song vẫn còn nhiều người gắn bó với nghề mặc dù thu nhập thấp như đệt đũi ở Nam Cao, dệt thảm len ở Vũ Trung, chế biến cói ở Hòa Bình, Quang Lịch, móc lưỡi câu ở Tây Sơn, Nam Bình... Bà Nguyễn Thị Mùi, xã Vũ Trung, 66 tuổi nhưng đã có gần 50 năm làm nghề dệt thảm cho HTX Dệt thảm Tân Hợp. Bà Mùi cho biết: Nghề dệt đòi hỏi người làm phải khéo tay, tỉ mỉ, kiên nhẫn mới làm ra được sản phẩm hoàn hảo. Ngày xưa thị trường thảm len sôi động hơn giờ, nhiều khách hàng ưa chuộng nên sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không có hàng tồn kho. Đến giờ dù mỗi tháng chỉ thu nhập gần 2 triệu đồng nhưng người làm nghề vẫn làm được việc đồng, việc nhà. Chính vì thế nhiều người tuổi cao như tôi vẫn gắn bó với nghề truyền thống bởi vừa có thêm thu nhập lại vừa làm cho vui tuổi già.


Duy trì nghề truyền thống đồng thời phát triển thêm nhiều nghề mới, huyện Kiến Xương đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động nông thôn. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục duy trì phát triển nghề kết hợp với phát triển du lịch làng nghề nhằm kích cầu tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Kiến Xương phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có từ 5 - 10 sản phẩm chủ lực tiêu biểu được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Mỗi làng nghề có từ 4 - 5 doanh nghiệp trở lên để tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm của làng nghề.


                        Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày