Chủ nhật, 24/11/2024, 04:52[GMT+7]

Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết giảm 60% khí phát thải vào năm 2030

Thứ 6, 09/10/2020 | 08:29:55
2,575 lượt xem
Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ mục tiêu cắt giảm 60% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 đối với EU so với mức trong năm 1990.

Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ nét hơn. (Ảnh: AP)

Theo kết quả bỏ phiếu công bố vào ngày 7/10, với 352 phiếu thuận, 326 phiếu chống và 18 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu (EP) vừa biểu quyết thông qua mục tiêu giảm ít nhất 60% lượng phát thải khí nhà kính tại Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2030. Mục tiêu này còn tham vọng hơn việc cắt giảm lượng khí thải ròng "ít nhất 55%" vào năm 2030 do Ủy ban châu Âu đề xuất.

Để làm được điều này, Nghị viện châu Âu sẽ cần phải thống nhất mục tiêu với các nước thành viên EU. Mục tiêu hiện tại của EU là cắt giảm 40% lượng khí thải vào năm 2030.

Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết giảm 60% khí phát thải vào năm 2030 - Ảnh 1.

Một cuộc họp của Nghị viện châu Âu. (Ảnh: Reuters)

Ngày 7/4, Đan Mạch và Phần Lan cho biết, các nước này ủng hộ việc cắt giảm khí thải mạnh hơn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Khí hậu, Năng lượng và Phương tiện Dịch vụ chung của Đan Mạch Dan Jorgensen thừa nhận, sẽ rất khó để nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ tất cả các nước EU, ngay cả đối với mục tiêu giảm 55%. Khoảng một nửa quốc gia thành viên EU cho biết, họ ủng hộ mức cắt giảm 55%, còn mức 60% là quá tham vọng.

Các chuyên gia cho rằng, mức giảm 55% vào năm 2030 là mức tối thiểu cần thiết, qua đó EU hướng tới phát thải carbon trung tính vào năm 2050, hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết giảm 60% khí phát thải vào năm 2030 - Ảnh 2.

Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ mục tiêu giảm 60% khí phát thải vào năm 2030 đối với EU. (Ảnh: AP)

Mục tiêu cắt giảm lượng khí phát thải được EU đưa ra khi những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ nét hơn. Ngày 7/4, Cơ quan Giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu cho biết, thế giới vừa trải qua một tháng 9 nóng nhất trong lịch sử, trong đó nền nhiệt trung bình toàn cầu đã tăng 0,05oC so với mức kỷ lục được ghi nhận vào cùng kỳ năm 2019.

Theo vtv.vn