Thứ 5, 14/11/2024, 11:43[GMT+7]

Năm tháng không quên

Thứ 2, 26/10/2020 | 09:40:02
7,729 lượt xem
Hơn 45 năm đã trôi qua kể từ ngày đất nước giải phóng, non sông thu về một mối, những người lính hậu cần Miền B2 tỉnh Thái Bình trở về với quê hương, vui cuộc sống yên bình. Mỗi người một hoàn cảnh song họ đều có chung ký ức về những năm tháng chiến đấu gian lao mà anh dũng, về công tác hậu cần B2 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Hội viên Ban liên lạc Cựu chiến binh Cục Hậu cần Miền B2 tỉnh Thái Bình trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Hậu cần.

Chặng đường vẻ vang

Tháng 6 vừa qua, đoàn cựu chiến binh (CCB) thuộc Ban liên lạc CCB Cục Hậu cần Miền B2 tỉnh Thái Bình có dịp thăm lại chiến trường xưa. Đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Tượng đài chiến thắng chốt chặn Tàu Ô, thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản và Nghĩa trang liệt sĩ huyện Bình Long (tỉnh Bình Phước). Chiến trường nơi họ để lại một thời tuổi xuân nay đã đổi thay, làng mạc trù phú thay cho những hố bom, lô cốt, hầm hào, trận địa. Chỉ có một điều không thay đổi là những người đồng đội mãi mãi tuổi đôi mươi còn nằm lại nơi đây. Ký ức ùa về với những người lính một thời tay không cầm súng mang trên mình trọng trách “nuôi quân”, cùng góp công đánh cho “Mỹ cút, ngụy nhào”.

CCB Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban liên lạc CCB Cục Hậu cần Miền B2 tỉnh Thái Bình cho biết: Sau thất bại của chiến lược chiến tranh đặc biệt, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ, trực tiếp đưa quân đội Mỹ tham chiến ở miền Nam Việt Nam và đưa không quân đánh ra miền Bắc. Đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng của cách mạng miền Nam, ngày 10/12/1964, Trung ương Cục miền Nam và Bộ Chỉ huy Miền quyết định thành lập Cục Hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (tên thường gọi là Cục Hậu cần Miền B2), chịu sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (thường gọi là Bộ Tư lệnh Miền). Năm 1973, Bộ Tư lệnh Miền rời căn cứ từ huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) về căn cứ Tà Thiết, huyện Lộc Ninh (Bình Phước). Cục Hậu cần Miền B2 chuyển từ Campuchia về lập căn cứ tại khu vực Hồ Cầu Trắng, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) với mật danh V-104. Địa bàn được lựa chọn thuận lợi cho công tác tổ chức lực lượng bảo đảm hậu cần cũng như nhận sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Miền...

Tháng 3/1973, tại căn cứ Cục Hậu cần Miền B2, Đảng ủy Cục Hậu cần Miền tổ chức hội nghị kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo năm 1972, đặc biệt là nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho chiến dịch Nguyễn Huệ và đề ra phương hướng hoạt động cho các cơ quan, đơn vị của Cục trong tình hình mới. Ngày 30/4/1973, Thường vụ Đảng ủy Cục Hậu cần Miền họp, tiếp tục cụ thể hóa những nội dung, phương hướng đã xác định trước đó. Ngày 14/1/1975, Cục Hậu cần Miền đã họp xác định phương hướng, kế hoạch bổ sung nhiệm vụ cho các đoàn hậu cần bước vào đợt 2 mùa khô 1974 - 1975 với phương châm hành động “Bảo đảm cho các lực lượng vũ trang ba thứ quân vừa tác chiến vừa xây dựng, càng đánh càng mạnh, giành thắng lợi to lớn trên tất cả các chiến trường”. Đầu tháng 4/1975, thay mặt Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung tướng Đinh Đức Thiện đã giao nhiệm vụ cho Cục Hậu cần Miền B2 thực hiện nhiệm vụ hậu cần chiến dịch. Cục Hậu cần Miền B2 được tổ chức thành cơ quan Hậu cần chiến dịch. 17 giờ ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Lúc này cơ quan Hậu cần chiến dịch đã chuẩn bị được 55.000 tấn vật chất hậu cần kỹ thuật; bố trí 15 bệnh viện và 17 đội điều trị chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận cứu chữa thương binh ở tất cả các hướng tấn công.

Sự sáng tạo và quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ Cục Hậu cần Miền B2 đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Cục Hậu cần Miền B2 đã tiếp nhận, thu mua, sản xuất được hơn 598.000 tấn lương thực, quân nhu; thu dung điều trị trên 812.000 lượt thương bệnh binh, vận chuyển 82,8 triệu tấn hàng hóa; đào tạo, bồi dưỡng trên 22.400 cán bộ, nhân viên chuyên môn; xây dựng 10 khu vực hậu cần, 29 bệnh viện, 23 đội điều trị, 87 bệnh xá... Với thành tích đó, Cục Hậu cần Miền B2 đã có 5 tập thể, 23 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 

Thiếu tướng Ngô Huy Hồng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng, nguyên cán bộ Cục Hậu cần Miền B2, Trưởng ban liên lạc CCB Cục Hậu cần Miền B2 đánh giá công tác hậu cần trong cuộc kháng chiến chống Mỹ: Mặc dù được hậu phương lớn miền Bắc và Hậu cần chiến lược quan tâm chi viện song trong mọi điều kiện, mọi tình huống, Cục Hậu cần Miền B2 luôn chủ động chuẩn bị hậu cần, nhất là chuẩn bị thế trận vững chắc, đồng bộ cả về cơ sở chính trị, tư tưởng và tổ chức, chủ động và tạo nguồn dự trữ vật chất tại chỗ bằng nhiều nguồn và biện pháp khác nhau, chăm lo xây dựng lực lượng, mạng đường vận tải; đồng thời, linh hoạt, chủ động trong chuyển hóa thế trận, vận dụng phương thức, biện pháp bảo đảm hậu cần cho từng lực lượng hợp lý, sáng tạo...

Các cựu chiến binh Cục Hậu cần Miền B2 tỉnh Thái Bình thăm lại chiến trường xưa.

Nghĩa tình còn mãi

Tháng 4/2015, các ban liên lạc CCB: Đoàn 770, Phòng 8 (Đoàn 340) và các đơn vị thuộc Cục Hậu cần Miền B2 tỉnh Thái Bình thống nhất thành lập Ban liên lạc CCB Cục Hậu cần Miền B2 tỉnh Thái Bình. Ban liên lạc đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban liên lạc CCB Cục Hậu cần Miền B2 và Hội CCB tỉnh. 5 năm qua, với nhiều nỗ lực, Ban liên lạc CCB Cục Hậu cần Miền B2 tỉnh Thái Bình đã hoạt động tích cực, thu hút gần 200 hội viên đang sinh sống ở các huyện, thành phố trong tỉnh tham gia. Hoạt động của Ban liên lạc luôn mang đậm tính chất nghĩa tình, hết lòng chăm lo cho đồng chí, đồng đội.

Phát huy vai trò nhân chứng lịch sử, thông qua các chuyến thăm lại chiến trường xưa, Ban liên lạc đã vận động các hội viên chụp ảnh bia mộ 285 liệt sĩ có danh tính quê hương Thái Bình đang yên nghỉ ở 25 nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm liệt sĩ miền Đông Nam Bộ, giúp chính quyền các cấp giải quyết chế độ, chính sách, thông tin đến thân nhân liệt sĩ. Đến nay đã có 8 gia đình biết thông tin và di chuyển phần mộ liệt sĩ về quê an nghỉ... Thực hiện công tác nghĩa tình đồng đội, Ban liên lạc duy trì sinh hoạt đều đặn để nắm bắt tình hình hội viên. 5 năm qua, Ban liên lạc đã phúng viếng, tiễn đưa 8 hội viên qua đời, thăm hỏi 15 hội viên ốm đau, tặng quà 25 hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, Ban liên lạc tổ chức gặp mặt truyền thống và tổ chức trao quà cho hội viên cao tuổi, động viên hội viên sống vui, sống khỏe. Thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, Ban liên lạc đã vận động hội viên tích cực tham gia phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhiều hội viên đã tự nguyện phá dỡ tường bao, hiến đất làm đường giao thông, đóng góp cho sự phát triển của quê hương.

Phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, bước ra từ chiến trường ác liệt, về với đời thường, nhiều CCB Cục Hậu cần Miền B2 tỉnh Thái Bình được tín nhiệm bầu giữ các vị trí lãnh đạo chính quyền, đoàn thể. Đến nay có 30 đồng chí tham gia cấp ủy, bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ dân phố, tổ tự quản an toàn giao thông, an ninh trật tự... Ở vị trí công tác nào các đồng chí cũng đều phát huy tinh thần trách nhiệm, năng lực bản thân, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, nhân dân tin yêu. Cùng với đó, nhiều hội viên còn tích cực lao động sản xuất, là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên quê hương.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban liên lạc CCB Cục Hậu cần Miền B2 tỉnh Thái Bình
Từ những kết quả đã đạt được trong 5 năm qua, thời gian tới, Ban liên lạc tiếp tục tập trung vận động cán bộ, hội viên gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Tích cực thu hút, tập hợp hội viên để tham gia xây dựng Ban liên lạc vững mạnh. Cùng với đó, phối hợp thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội, thường xuyên quan tâm, chăm lo cho đồng đội khó khăn, gia đình chính sách, người nghèo, tô thắm thêm phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

Cựu chiến binh Hà Văn Nhì, 95 tuổi, phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình
Trong những năm tháng gian khổ, hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi bàn chân đã đặt lên khắp các chiến trường, đã chứng kiến hàng ngày, hàng giờ sự khốc liệt của chiến tranh, tôi vẫn không nguôi nỗi nhớ về những chiến sĩ hậu cần Miền B2 “đi trước về sau” - họ là những người đồng đội đã sát cánh bên tôi trong mưa bom bão đạn. Tôi thấy mình thật may mắn vì còn sống trở về và hôm nay được gặp lại đồng đội. Chúng tôi vẫn luôn đau đáu nỗi niềm khi nhiều đồng đội giờ đây vẫn nằm lại nơi chiến trường.

Cựu chiến binh Phùng Quốc Đạt, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình
Tháng 1/1966, tôi nhập ngũ, sau đó lên đường đi chiến trường B2 - Đông Nam Bộ. Ba tháng đằng đẵng đi bộ từ Phủ Lý (Hà Nam) vào Tây Ninh. Chúng tôi đi sâu trong rừng trên con đường Trường Sơn, chỉ ăn cơm nắm, uống nước suối. Tháng 4/1967, tôi được biên chế vào lực lượng pháo binh Miền B2. Năm 1972, sau khi bị thương, tôi chuyển sang Đoàn 220 thuộc Cục Hậu cần Miền B2. Chúng tôi có nhiệm vụ nuôi dưỡng cán bộ, thương binh, bệnh binh và làm công tác hậu cần chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Giai đoạn này dù không trực tiếp cầm súng ở tuyến đầu nhưng chúng tôi luôn tự hào là những người tiếp sức cho chiến trường, kịp thời chăm sóc, cứu chữa bộ đội. Chúng tôi đã dâng hiến tuổi xuân cho đất nước, cho ước mong ngày thống nhất vẹn toàn.


Tất Đạt