Chủ nhật, 10/11/2024, 10:07[GMT+7]

Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định biến đổi khí hậu Paris

Thứ 5, 05/11/2020 | 08:00:19
2,292 lượt xem
Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp định biến đổi khí hậu Paris một ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống.

Sinh viên quanh khu vực Washington tham gia một cuộc biểu tình của những người trẻ về khí hậu trên đồi Capital hồi tháng 3/2019 (Ảnh: The New York Times)

Ngày 4/11, Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp định biến đổi khí hậu Paris, thỏa thuận quốc tế nhằm hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu, trong bối cảnh thế giới chứng kiến một loạt các thảm họa liên quan tới khí hậu trong 1 năm qua. Động thái này diễn ra vào buổi sáng ngay sau ngày tổng tuyển cử ở Mỹ khi vẫn chưa có ứng cử viên nào giành đủ số phiếu cần thiết để trở thành Tổng thống.   

Trong gần 200 thành viên của hiệp định này nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở thế kỷ 21 dưới 2 độ C, Mỹ là nước được cho là xả khí thải nhiều nhất và cũng là thành viên duy nhất rời khỏi thỏa thuận này. Quyết định rời khỏi hiệp định của Mỹ là một quá trình dài, 3 năm sau khi Tổng thống Trump lần đầu tuyên bố ý định này tháng 6/2017 và 1 năm sau khi chính quyền của ông Trump chính thức đệ đơn từ bỏ quy chế thành viên.  

Tuy nhiên, việc Mỹ có ở ngoài hiệp định này hay không còn phụ thuộc vào việc ai sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 mặc dù công tác kiểm phiếu vẫn đang tiếp diễn.

Nếu ông Trump tái cử, Mỹ chắc chắn sẽ không là thành viên của hiệp định Paris khi ông Trump từng tuyên bố Mỹ rút khỏi hiệp định này do sẽ phải chi hàng nghìn tỷ đô la trong khi bị đối xử không công bằng. Trên thực tế, chính quyền Tổng thống Trump đã tìm cách rút lại hoặc hủy bỏ các sáng kiến và quy định liên quan tới khí hậu từ thời Tổng thống Obama trong khi nới lỏng việc kiểm soát ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch. Các động thái của chính quyền ông Trump đều nhằm đảm bảo cam kết cắt giảm khí thải của chính quyền tiền nhiệm sẽ không được thực hiện.

Tuy nhiên, nếu ông Biden đắc cử, khả năng cao Mỹ sẽ tái gia nhập hiệp định Paris khi ông Biden từng đề cập tới ý định này trong chiến dịch tranh cử của mình.

Các nhà đàm phán dưới thời Tổng thống Obama đã từng thành công trong việc đảm bảo hiệp định Paris được hình thành với sự tham gia của Mỹ mà không cần Thượng viện thông qua bởi khi đó Thượng viện đang do đảng Cộng hòa kiểm soát. Điều này đã giúp các quan chức Mỹ ký hiệp định Paris năm 2015 đồng thời cũng mở ra khả năng nước này có thể rút khỏi thỏa thuận này một cách dễ dàng.

Nếu Mỹ tái gia nhập hiệp định Paris dưới thời ông Biden, cộng đồng quốc tế không chỉ kỳ vọng chính phủ Mỹ sẽ đề xuất một mục tiêu giảm khí thải tham vọng hơn mà sẽ có một lộ trình để đạt được điều này. Để phòng ngừa việc rút lại các chính sách khí hậu khác trong tương lai, chính quyền ông Biden sẽ cần tới một dự luạt về khí hậu được quốc hội thông qua và để làm được điều này, đảng Dân chủ phải giành lại được quyền kiểm soát Thượng viện.

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã đề xuất 1 kế hoạch 2.000 tỷ USD nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu bao gồm đầu tư cho xe chạy bằng điện, năng lượng tái tạo và các ngành có thể tạo ra hàng triệu việc làm mới, đồng thời cũng dần giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Tại cuộc tranh luận tổng thống ngày 22/10, ông Biden tuyên bố “sự ấm lên toàn cầu là mối đe dọa hiện hữu đối với nhân loại. Sức khỏe và công việc của chúng ta đang gặp nguy hiểm”./. 

Theo vov.vn