Người Việt nên tự làm bản đồ số để bảo vệ dữ liệu
Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng việc nền tảng nước ngoài sử dụng dữ liệu do người dùng Việt đóng góp, sau đó bán lại cho người Việt, là một vấn đề đáng quan tâm. Chia sẻ tại buổi ra mắt nền tảng bản đồ Map 4D tại Hà Nội tuần trước, ông Đường dẫn ví dụ trong lĩnh vực logistic, các doanh nghiệp Việt trong năm qua đã phải chi khoảng 50 triệu USD cho một nền tảng bản đồ nước ngoài để tích hợp bản đồ của họ vào công việc. Chi phí này liên tục tăng. Nếu tính cả các lĩnh vực khác, số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Ông cho rằng việc phát triển bản đồ số tại Việt Nam là cần thiết, đồng thời, đây cũng là lĩnh vực có nhiều tiềm năng cho các nhà phát triển trong nước.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT. Ảnh: Cục Tin học hóa
Ông Đường lấy ví dụ về việc một người đi mua đất. Nếu chỉ xem trên bản đồ, sẽ không thể biết được liệu miếng đất đó liệu có tủ điện phía trước hay có được trồng cây hay không, hoặc quy hoạch sắp tới thế nào. "Đây có thể coi là một 'nỗi đau' của xã hội. Nếu đơn vị phát triển bản đồ có thể liên kết với dữ liệu từ ngành điện, ngành môi trường, hoàn toàn có thể tích hợp thông tin vào và biến thành lợi thế so với các nền tảng nước ngoài", ông Đường nói. Ngoài ra, ông cũng gợi ý về việc kết hợp với các ngành liên quan, để tích hợp những nguồn dữ liệu như camera an ninh, cảm biến quan trắc vào bản đồ do người Việt tạo ra.
Đại diện một số đơn vị chuyên về quy hoạch ủng hộ việc làm một nền tảng bản đồ trong nước. Các đơn vị này cho biết trước khi triển khai bất cứ dự án nào, đều cần có bản đồ nền, sau đó mới "đặt" các dữ liệu chuyên ngành lên. Bản đồ nền thường được sử dụng là bản đồ từ các nguồn mở ở nước ngoài, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất mát dữ liệu. "Với các dự án nhỏ, việc sử dụng bản đồ mở không thành vấn đề, nhưng khi nhân rộng ra quy mô lớn, chúng tôi không dám thực hiện vì dữ liệu chuyên ngành hoàn toàn này có thể bị chuyển sang một bên thứ ba", người này bày tỏ lo ngại, đồng thời cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc.
Theo vị này, các nước trên đều có các nền tảng bản đồ riêng và được sử dụng nhiều hơn cả Google Maps. Với nền tảng công nghệ thông tin tại Việt Nam hiện nay, các kỹ sư trong nước hoàn toàn có thể làm được các bản đồ như vậy, vị này chia sẻ thêm.
Việt Nam hiện có nhiều ứng dụng bản đồ, như Vmap, Viettel Map... trong đó Map 4D là một trong những nền tảng được đánh giá cao, từng đạt giải nhì tại cuộc thi tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số 2020 do Bộ TT&TT tổ chức. Theo các chuyên gia, sản phẩm này có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, du lịch, xây dựng, môi trường, giao thông.
Map 4D sở hữu các tính năng cơ bản của một nền tảng bản đồ, chẳng hạn tìm địa chỉ, chỉ đường, hiển thị thông tin về địa điểm, xem thực cảnh 3D. Yếu tố "4D" còn lại là chiều thời gian, tức là người dùng có thể chọn mốc thời gian để xem bản đồ.
Dữ liệu của Map 4D được tổng hợp từ nhiều nguồn, trong đó, các dữ liệu cơ bản lấy từ nền tảng mở như OpenStreetMap, kết hợp dữ liệu từ ảnh vệ tinh, sau đó dùng trí tuệ nhân tạo để đối chiếu với các nguồn bản đồ công khai như Google Maps, Here Maps. "Chúng tôi cũng tận dụng nguồn dữ liệu từ chính người Việt, như các đơn vị vận chuyển, công ty taxi. Dữ liệu của họ giúp cải thiện độ chính xác đến từng số nhà, và chiếm khoảng 30% lượng dữ liệu của bản đồ", đại diện nhà phát triển Map 4D cho biết.
Theo đánh giá của một số người sử dụng, giao diện và các tính năng của Map 4D tiện lợi, dễ sử dụng. Tuy nhiên ở nhiều khu vực, dữ liệu trên Map 4D còn sơ sài, tính năng tìm kiếm địa điểm chưa thông minh.
Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa gợi ý đơn vị phát triển Map 4D có thể bổ sung thêm dữ liệu để biến sản phẩm của mình trở thành một nền tảng bản đồ hỗ trợ du lịch trực tuyến, bản đồ hỗ trợ mua bán bất động sản, hoặc bản đồ thông minh phục vụ thành phố thông minh. Đồng thời đơn vị phát triển cần làm giàu dữ liệu, nâng tốc độ cập nhật để bản đồ có thể trở thành nguồn tham khảo đáng tin cậy.
Đại diện Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho rằng khi sử dụng dữ liệu được lấy từ các nguồn mở, đơn vị phát triển cần có sự thẩm định trước, đặc biệt về chủ quyền biển đảo, chủ quyền quốc gia, địa giới hành chính các địa phương, trước khi tích hợp vào sản phẩm.
Việc có được nguồn dữ liệu lớn từ các ứng dụng bản đồ, theo ông Đường, còn là cơ sở quan trọng phục vụ công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam. Tuy nhiên, đơn vị phát triển cần lưu ý vấn đề bảo mật. "Kho dữ liệu khổng lồ, chúng ta cần giữ nó ở Việt Nam, do người Việt làm chủ và khai thác. Khi đó, bảo mật thông tin là vấn đề quan trọng và đơn vị phát triển cần đảm bảo việc này", ông Đường nói với đơn vị phát triển.
Theo nhiều chuyên gia, các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện để nền tảng bản đồ Việt có thể tận dụng được lợi thế về nguồn dữ liệu trong nước, chẳng hạn các cơ chế chia sẻ dữ liệu mở, hiện vẫn còn khá hạn chế. Tuy nhiên, đại diện Cục Sở hữu Trí tuệ cho rằng cần có cơ chế rõ ràng trong việc chia sẻ dữ liệu chung trong nền tảng bản đồ, đặc biệt khi dữ liệu đó có thể được sử dụng trong thương mại. Ngoài ra, khi một lượng lớn dữ liệu được tập trung vào một nền tảng bản đồ, cơ quan quản lý cần có biện pháp phù hợp để nền tảng này không trở thành một nền tảng độc quyền, cản trở sự phát triển của ngành.
Theo vnexpress.net
Tin cùng chuyên mục
- Nokia chuẩn bị triển khai 5G tại Việt Nam 24.09.2024 | 13:58 PM
- Sinh động các chương trình trực tiếp tại Fanpage Báo Tuyên Quang online 03.01.2023 | 08:16 AM
- Thực hiện quy định về chuẩn hóa thông tin thuê bao di động 31.03.2023 | 16:13 PM
- Hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10Chuyển đổi số vì một cuộc sống tốt đẹp hơn 09.10.2022 | 21:42 PM
- Sở Thông tin và Truyền thông: Diễn tập ứng phó sự cố an toàn thông tin mạng năm 2022 04.10.2022 | 17:30 PM
- Hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng internet an toàn và hiệu quả 05.08.2022 | 08:27 AM
- Người dùng nên cập nhật Chrome 92 ngay để vá 9 lỗ hổng nghiêm trọng 21.08.2021 | 15:47 PM
- UBND tỉnh nghe báo cáo dự thảo đề án chuyển đổi số tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 21.07.2021 | 19:16 PM
- Thiết bị đầu tiên chuyển suy nghĩ thành câu nói 19.07.2021 | 09:47 AM
- Tại sao không gộp các ứng dụng chống dịch thành một 'super app' 19.07.2021 | 09:48 AM
Xem tin theo ngày
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc tại tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cam Hòa
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024