Chủ nhật, 24/11/2024, 03:06[GMT+7]

Các địa phương phải chủ động ứng phó bão số 13

Thứ 6, 13/11/2020 | 08:25:54
4,191 lượt xem
Chiều 12/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện yêu cầu tập trung ứng phó với bão số 13 năm 2020.

Vị trí và đường đi của bão số 13.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương triển khai một số nhiệm vụ sau:

1. Trên biển và các đảo:

- Các địa phương nằm trong khu vực dự kiến ảnh hưởng của bão số 13, từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức neo đậu tàu thuyền an toàn.

- Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, nuôi trồng thủy, hải sản và các hoạt động khác trên biển.

- Rà soát phương án, kiên quyết sơ tán người trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản và trên tàu thuyền trước khi bão đổ bộ vào để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

- Các địa phương từ Quảng Ninh đến Ninh Bình tổ chức theo dõi diễn biến của bão, rà soát tàu thuyền của địa phương hoạt động trên biển, nhất là tàu thuyền hoạt động trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp của bão, chủ động thông tin, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

2. Trên đất liền

- Bảo vệ nhà cửa, trụ sở, trường học, kho tàng, cơ sở sản xuất…

- Sơ tán người dân ra khỏi các nhà không an toàn, khu vực nguy hiểm, có nguy cơ chịu tác động của sóng lớn, nước dâng, ngập sâu, sạt lở, lũ ống, lũ quét.

- Đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của người dân, nơi người dân sơ tán tập trung.

- Bảo vệ đê điều, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục sự cố kịp thời.

- Vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo quy trình.

- Hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão, khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong thời gian bão đổ bộ.

- Kiểm soát, điều tiết giao thông, hạn chế phương tiện đi vào vùng dự kiến bão đổ bộ.

Do bão số 13 có diễn biến phức tạp và khó lường, ngay từ ngày 12/11, các địa phương Trung Bộ cần phải sẵn sàng các biện pháp ứng phó theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Tại cuộc họp sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN&PTTN đã nhấn mạnh đến việc đảm bảo an toàn cho các phương tiện và lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển. Đến chiều 12/11, không còn phương tiện nào trong vùng nguy hiểm của bão, các tỉnh tiếp tục rà soát việc neo đậu tàu thuyền, kiên quyết không để người dân ở lại chòi canh khi bão vào.

Ngoài ra, nguy cơ sạt lở còn rất cao, trải rộng từ Quảng Bình đến Phú Yên, do đó, các địa phương cần tính toán khả năng di dời người dân ở những khu vực xung yếu, ven sông suối, đồi núi.

Các hồ chứa ở Trung Bộ đều đang đầy, một số hồ đã phải vận hành điều tiết qua tràn, cần phải có lực lượng túc trực để đảm bảo an toàn cho công trình, tránh xảy ra sự cố.

Theo vtv.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày