Thứ 7, 23/11/2024, 19:44[GMT+7]

“Giữ nhịp” sản xuất vụ đông (Kỳ 2)

Thứ 3, 17/11/2020 | 08:13:59
9,397 lượt xem
Kỳ 2: Nhiều giải pháp “kích cầu” sản xuất vụ đông

Vùng sản xuất rau an toàn của xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ).

Với mục tiêu duy trì, phát triển diện tích vụ đông từ 35.000 - 36.000ha mỗi năm, ngành Nông nghiệp đã tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống, mùa vụ theo hướng chất lượng, hiệu quả,  tránh những bất thuận của thời tiết, thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu với mục đích mở rộng sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, hình thành cánh đồng lớn và bảo vệ cây trồng hiệu quả, trong đó tập trung cho việc hỗ trợ sản xuất vụ

Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất vụ đông với điều kiện diện tích cây vụ đông năm sau của huyện, thành phố phải bằng hoặc cao hơn diện tích cây vụ đông của năm liền kề trước đó. Theo tổng hợp của ngành Nông nghiệp, mỗi năm tỉnh hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất cây vụ đông với mức hỗ trợ từ 7 - 11 tỷ đồng nhưng giá trị sản xuất mà vụ đông mang lại khoảng 1.300 - 2.700 tỷ đồng. Những chính sách khuyến khích trên giúp phát triển diện tích các cây có giá trị kinh tế cao như: khoai tây, ngô, ớt, dưa, bí... Sản xuất trồng trọt luôn giữ được mức tăng trưởng, tạo động lực mạnh về tư tưởng của cán bộ, nhân dân trong tỉnh sản xuất tốt hơn, đạt được cả 3 mục tiêu diện tích, năng suất và hiệu quả. Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, các huyện, thành phố căn cứ yêu cầu và điều kiện cụ thể của từng địa phương cũng đã có chính sách hỗ trợ riêng, bảo đảm đủ nguồn lực nhằm khuyến khích nông dân và các thành phần kinh tế phát triển sản xuất và mở rộng diện tích cây vụ đông.

Ông Trần Đức Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Thư cho biết: Để duy trì ổn định sản xuất cây vụ đông, huyện Vũ Thư tập trung tuyên truyền về các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất trồng trọt hàng hóa tập trung, hỗ trợ sản xuất cây vụ đông của tỉnh, huyện tới bà con nông dân. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao như khoai tây, bí, dưa chuột, rau các loại..., xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Vụ đông năm 2020, huyện phấn đấu gieo trồng trên 5.200ha, trong đó khoảng 3.280ha rau màu, còn lại là ngô, dưa, bí, khoai tây, khoai lang, đậu tương, hoa và cây trồng khác. 

Để khuyến khích các địa phương, huyện ban hành cơ chế hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình (không hỗ trợ doanh nghiệp) phát triển cây ngô, khoai tây, bí xanh trên đất hai lúa trong vùng quy hoạch. Mức hỗ trợ: 1,6 triệu đồng/ha ngô tẻ, 2,8 triệu đồng/ha ngô nếp; 1,68 triệu đồng/ha khoai tây với giống khoai tây tự mua; 6,72 triệu đồng/ha khoai tây với giống khoai tây mua thông qua các HTX NN; hỗ trợ 13.000 đồng/kg củ giống, số lượng 40kg củ giống/sào đối với giống khoai tây Marabel nhập khẩu. Huyện hỗ trợ 2 vùng sản xuất rau bắp cải tập trung theo hướng sản xuất rau an toàn của xã Hồng Phong và xã Vũ Vân, quy mô 20ha/vùng, cơ chế hỗ trợ 7 triệu đồng/ha. Ngoài ra, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật với mức từ 200.000 - 800.000 đồng/sào cho vùng sản xuất khoai tây Jelly diện tích 3ha tại xã Tân Phong, ngô nếp TBM18 diện tích 1,5ha tại xã Song Lãng. 

Cùng với cơ chế hỗ trợ, Vũ Thư xây dựng cơ chế khen thưởng từ 5 - 15 triệu đồng/xã, thị trấn cho những đơn vị có diện tích vụ đông dưới 100 - 200ha trở lên; 10 triệu đồng/cụm khi tất cả các xã, thị trấn trong cụm đạt và vượt kế hoạch diện tích vụ đông huyện giao.

Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và của huyện nên diện tích gieo trồng vụ đông của huyện Quỳnh Phụ nhiều năm qua luôn đạt và vượt kế hoạch. Đáng chú ý, diện tích liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm vụ đông được duy trì và mở rộng. Vụ đông năm 2019, toàn huyện có 18 HTXNN liên kết với các công ty, doanh nghiệp sản xuất các loại rau màu như: cà rốt, ngô ngọt, bí đỏ, dưa chuột xuất khẩu, dưa chuột bao tử... diện tích khoảng 1.800ha. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số mô hình tiêu biểu về sản xuất an toàn với quy mô từ 5ha trở lên.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, việc ban hành, triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ sản xuất vụ đông tại các địa phương trong nhiều năm nay đã giúp sản xuất vụ đông trên địa bàn tỉnh chuyển biến theo hướng gia tăng giá trị sản xuất, từng bước phát triển bền vững thông qua việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. 

Năm 2020, với định hướng phát triển các cây trồng theo lợi thế, tạo ra sản phẩm đặc thù của từng địa phương, ngành Nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ mỗi huyện từ 1 - 2 cây trồng chủ lực theo lựa chọn của từng địa phương. Mức hỗ trợ 300.000 đồng/ha theo số liệu diện tích cây vụ đông năm 2020 của Cục Thống kê tỉnh công bố đối với huyện, thành phố đủ điều kiện hỗ trợ (diện tích và giá trị cây vụ đông năm 2020 của các huyện, thành phố thấp nhất phải bằng diện tích và giá trị cây vụ đông năm 2019 theo số liệu công bố của Cục Thống kê tỉnh).

(còn nữa)

Lưu Ngần - Thanh Huyền