Thứ 6, 15/11/2024, 21:36[GMT+7]

Hơn 57,8 triệu người nhiễm COVID-19 trên thế giới, Mỹ ghi nhận kỷ lục gần 150.000 ca mắc mới/ngày

Thứ 7, 21/11/2020 | 11:35:08
1,333 lượt xem
Đến sáng 21/11, thế giới đã có trên 57,8 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 1,37 triệu người đã tử vong vì đại dịch này.

Đã có hơn 57,8 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới. (Ảnh: AP)

Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới trong ngày cao nhất thế giới với hơn 148.400 trường hợp trong ngày 20/11. Hiện tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ là trên 12,2 triệu trường hợp, trong đó hơn 259.800 người đã thiệt mạng.

Tổng số ca nhiễm tại Ấn Độ, tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới, hiện là 9,05 triệu trường hợp. Trong ngày qua, Ấn Độ báo cáo trên 46.100 ca mắc mới. Đến nay, đã có hơn 132.700 người tử vong vì đại dịch tại quốc gia này. Như vậy, Ấn Độ là quốc gia thứ hai trên thế giới có số ca mắc COVID-19 vượt 9 triệu trường hợp, sau Mỹ. Tuy nhiên, giới chức y tế lưu ý, số ca mắc mới ở nước này đã có chiều hướng giảm sau khi lên mức đỉnh hồi tháng 9 vừa qua.

Ngày 20/11, Brazil ghi nhận thêm hơn 37.000 người mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên trên 6 triệu trường hợp. Hiện đã có hơn 168.600 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi tại Brazil.

Hơn 57,8 triệu người nhiễm COVID-19 trên thế giới, Mỹ ghi nhận kỷ lục gần 150.000 ca mắc mới/ngày - Ảnh 1.

Tổng số ca mắc COVID-19 tại Brazil đã vượt mốc 6 triệu trường hợp. (Ảnh: AP)

Châu Âu vẫn là tâm dịch của thế giới trong tuần qua. Tuy nhiên, tốc độ lây nhiễm tại châu Âu giảm 7% nhờ các biện pháp phong tỏa và giới nghiêm.

Nga đã ghi nhận thêm hơn 24.300 ca nhiễm mới trong ngày 20/11, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên trên 2,102 triệu trường hợp. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày tại Nga. Cũng trong 24 giờ qua, Nga đã ghi nhận thêm 461 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng do COVID-19 tại nước này lên hơn 35.300 bệnh nhân.

Pháp vẫn là tâm dịch lớn thứ tư thế giới với trên 2,109 triệu ca mắc và hơn 48.200 trường hợp tử vong. Trong 24 giờ qua, Pháp đã ghi nhận thêm gần 22.900 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Ukraine thông báo đã có thêm trên 14.500 ca nhiễm mới trong ngày 20/11, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này lên gần hơn 598.000 người, trong đó có gần 10.600 trường hợp tử vong do COVID-19. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước này.

Tại châu Á, Nhật Bản cũng đang chứng kiến số ca nhiễm tăng nhanh trong những tuần gần đây. Các nhân viên y tế lo ngại, hệ thống y tế Nhật Bản có thể sớm rơi vào tình trạng quá tải khi việc thiếu hụt giường bệnh trở nên thường xuyên hơn, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Nhật Bản hiện có tổng cộng trên 125.200 ca nhiễm và hơn 1.900 người tử vong.

Hơn 57,8 triệu người nhiễm COVID-19 trên thế giới, Mỹ ghi nhận kỷ lục gần 150.000 ca mắc mới/ngày - Ảnh 2.

Vaccine COVID-19 của BioNTech/Pfizer và Moderna đang dẫn đầu trong cuộc đua trên toàn cầu. (Ảnh: AP)

Nỗ lực điều chế vaccine phòng COVID-19 đã đạt một số tiến triển mới. Ngày 20/11, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) nộp hồ sơ lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA), Mỹ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng này phối hợp phát triển và đang trong giai đoạn cuối thử nghiệm. Hiện vaccine ngừa COVID-19 của BioNTech/Pfizer và hãng dược phẩm Mỹ Moderna đang dẫn đầu trong cuộc đua vaccine trên toàn cầu, sau khi các dữ liệu thử nghiệm trên quy mô lớn trong tháng 11 cho thấy, các loại vaccine này có hiệu quả ngừa COVID-19 tới 95%.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, Liên minh châu Âu (EU) có thể cấp phép lưu hành 2 loại vaccine ngừa COVID-19 nói trên trước cuối tháng 12. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) sẽ chịu trách nhiệm thẩm định kết quả thử nghiệm 2 loại vaccine trên trước khi đưa ra khuyến nghị EC về việc cấp phép lưu hành.

Theo vtv.vn