Thứ 4, 13/11/2024, 08:01[GMT+7]

Thế giới ghi nhận hơn 94,7 triệu ca mắc COVID-19, Nga phát hiện 1.500 biến thể SARS-CoV-2 mới

Chủ nhật, 17/01/2021 | 07:07:01
2,809 lượt xem
Đến sáng 17/1, thế giới có hơn 94,7 triệu người mắc COVID-19, trong đó trên 2 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 94,7 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Số người tử vong do COVID-19 trên thế giới đã vượt quá 2 triệu người. Con số đáng báo động này cho thấy, số ca tử vong đang tăng nhanh trong đại dịch. Thế giới ghi nhận tổng cộng 1 triệu người chết vì COVID-19 trong hơn 9 tháng kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, chỉ mất 3 tháng tiếp đó, đã có thêm 1 triệu người nữa qua đời vì dịch bệnh này. Tính trung bình, mỗi ngày có hơn 11.900 người tử vong vì COVID-19, cứ 8 giây lại có một người thiệt mạng. Trong quá trình lây lan, virus SARS-COV2 liên tục biến đổi với nhiều loại biến thể mới có khả năng lây lan nhanh hơn.

Mỹ tiếp tục là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 với hơn 24,2 triệu ca mắc và trên 404.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 150.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

100 triệu người Mỹ sẽ được tiêm vaccine trong những tháng tới. Đây là kế hoạch vừa được Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden công bố. Ông Biden đã thông báo chi tiết về khoản ngân sách 20 tỷ USD dành cho chương trình xét nghiệm, điều trị và tiêm vaccine phòng COVID-19 trên toàn quốc trong gói kế hoạch phục hồi kinh tế 1.900 tỷ USD mà ông công bố trước đó nhằm đưa nước Mỹ vượt qua những hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19. 100 trung tâm tiêm chủng vaccine COVID-19 sẽ được thành lập trong tháng đầu tại nhiệm của ông Biden.

Thế giới ghi nhận hơn 94,7 triệu ca mắc COVID-19, Nga phát hiện 1.500 biến thể SARS-CoV-2 mới - Ảnh 1.

100 triệu người Mỹ sẽ được tiêm vaccine trong những tháng tới. (Ảnh: AP)

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 10,5 triệu người đã mắc bệnh, bao gồm gần 152.300 trường hợp tử vong. Ngày 16/1, Ấn Độ báo cáo gần 14.000 người nhiễm bệnh mới.

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận hơn 19.100 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên trên 8,4 triệu trường hợp. Đến nay, hơn 208.500 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi tại quốc gia này.

Người đứng đầu Cơ quan Kiểm soát và bảo vệ tiêu dùng Nga, bà Anna Popova, cho biết, có gần 1.500 biến thể virus SARS-CoV-2 đã được tìm thấy ở nước này. Viện vi khuẩn Saratov của Nga đang phân tích tất cả các thông tin hiện có về những thay đổi của COVID-19 trên thế giới. Bà Popova lưu ý rằng, những biến thể hiện đang lan rộng ở các nước châu Âu trong một tháng qua có thể đã xuất hiện từ tháng 9/2020 hoặc sớm hơn. Giới chức Nga cho biết, những chủng virus tương tự hoặc rất giống biến thể được phát hiện ở Anh đã được tìm thấy ở Nga từ tháng 6/2020. Bà Popova nhận định, COVID-19 sẽ trở thành một bệnh truyền nhiễm theo mùa như cúm, không có lý do gì để hy vọng rằng, sự lây lan của nó sẽ ngừng lại trong thời gian ngắn sắp tới. Hiện Nga ghi nhận trên 3,5 triệu ca mắc COVID-19, hơn 65.000 người thiệt mạng vì đại dịch này.

Chính phủ Anh vừa quyết định đóng cửa hành lang du lịch, siết chặt các biện pháp quản lý biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2. Từ 4h ngày 18/1, tất cả hành khách muốn nhập cảnh vào Anh sẽ phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Sau khi đến Anh, hành khách sẽ tiếp tục phải cách ly trong 10 ngày. Thời gian cách ly sẽ được rút ngắn xuống còn 5 ngày nếu sau 5 ngày đó hành khách tiếp tục có kết quả xét nghiệm âm tính. Anh cũng tạm thời ngừng tất cả thỏa thuận liên quan đến hành lang du lịch đã dàn xếp trước đó với các quốc gia khác, trong đó chủ yếu là các nước châu Âu.

Thế giới ghi nhận hơn 94,7 triệu ca mắc COVID-19, Nga phát hiện 1.500 biến thể SARS-CoV-2 mới - Ảnh 2.

Hơn 2,89 triệu người đã mắc COVID-19 tại Pháp. (Ảnh: AP)

Bắt đầu từ tối 16/1, Pháp đã thực hiện lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, sớm hơn so với trước, nhằm ngăn chặn đà lây nhiễm COVID-19 gia tăng mạnh. Lệnh giới nghiêm được áp dụng từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, thay vì 20h như trước đây. Ngoại trừ các dịch vụ khẩn cấp, toàn bộ cửa hàng và dịch vụ đều phải đóng cửa trong thời gian giới nghiêm. Biện pháp này sẽ được áp dụng ít nhất trong 15 ngày. Chính phủ Pháp hy vọng, việc mở rộng lệnh giới nghiêm này sẽ giúp giảm mạnh các ca lây nhiễm mới.

Tổng cộng hơn 2,89 triệu người đã nhiễm virus SARS-CoV-2, trên 70.100 trường hợp tử vong vì COVID-19 tại Pháp.

Do tác động của dịch COVID-19, chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) sẽ hủy bắn pháo hoa Tết Nguyên đán 2021 và Lễ hội đèn lồng Tết Nguyên tiêu. Để ngăn chặn và kiểm soát dịch COVID-19, chính quyền Hong Kong đã thắt chặt một số biện pháp phòng dịch. Trước đó, Hong Kong cũng đã hủy bỏ sự kiện đếm ngược bắn pháo hoa dự kiến ban đầu vào ngày 31/12/2020 và chuyển sang hình thức đếm ngược trực tuyến để chào đón năm mới 2021, đồng thời thông báo hủy bỏ lễ hội diễu hành ngày Tết.

Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện cấp độ giãn cách xã hội hiện tại thêm 2 tuần nhưng nới lỏng những hạn chế kinh doanh đối với quán cà phê, phòng tập thể dục và các cơ sở trong nhà khác. Quyết định có hiệu lực từ ngày 18/1. Khu vực thủ đô Seoul sẽ tiếp tục thực thi giãn cách xã hội ở cấp độ 2,5, mức cao thứ hai trong hệ thống 5 cấp, trong khi các địa phương còn lại giãn cách xã hội ở cấp độ 2. Lệnh cấm tụ tập riêng từ 5 người trở lên và hạn chế hoạt động kinh doanh sau 21h vẫn sẽ được giữ nguyên.

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết, những biện pháp này đã giúp hạn chế tình trạng lây nhiễm trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, các phòng tập thể dục trong nhà, cơ sở luyện thi và karaoke sẽ được phép mở cửa trở lại với điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch. Các quy định đối với quán cà phê và nhà thờ cũng sẽ được nới lỏng.

Theo vtv.vn