Thứ 2, 18/11/2024, 18:34[GMT+7]

Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông - Khuyến ngư Nặng lòng với nông dân

Thứ 6, 22/02/2013 | 08:04:34
1,290 lượt xem
Mỗi năm Trung tâm đều thu thập khảo nghiệm, nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo hàng trăm giống cây trồng, vật nuôi mới để định hướng đưa vào sản xuất trên diện rộng, góp phần không nhỏ giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác

Các đồng chí lãnh đạo ngành Nông nghiệp thăm quan, đánh giá chất lượng giống lúa mới do Trung tâm KNKNKN tuyển chọn.

Lần nào cũng vậy, khi đề cập đến những mô hình, giống cây trồng, vật nuôi mới mà  Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKNKN) đang thực hiện, ông Nguyễn Như Liên, Giám đốc Trung tâm KNKNKN đều rất hồ hởi cung cấp chi tiết, tỉ mỉ về những ưu điểm của các giống mới sắp được sản xuất đại trà. Ông Liên cho biết: Mỗi năm Trung tâm đều thu thập khảo nghiệm, nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo hàng trăm giống cây trồng, vật nuôi mới để định hướng đưa vào sản xuất trên diện rộng, góp phần không nhỏ giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác. Khi đề xuất được những giống mới đưa vào sản xuất, Trung tâm lại tiếp tục cần mẫn, săn tìm các giống mới khác, bởi nếu không nhiệt huyết, vắt óc tìm tòi giống mới mà để nông dân cực nhọc sản xuất những giống năng suất thấp, chất lượng kém là có tội với nông dân.

Không chỉ là lý thuyết, thực tế Trung tâm đã chứng minh bằng những bông lúa, bắp ngô, củ khoai, con cá… khi đưa vào sản xuất đại trà đều cho giá trị kinh tế cao. Trung tâm là một trong những điểm khảo nghiệm nằm trong hệ thống khảo nghiệm quốc gia, do đó việc phối hợp với các trung tâm khảo nghiệm giống sản phẩm cây trồng, viện nghiên cứu, trường đại học… đã được thực hiện thường xuyên. Đây chính là nền tảng để Trung tâm không ngừng mở rộng, tìm tòi khảo nghiệm các giống mới trên các chân ruộng, loại hình đất ở các địa phương trong tỉnh.

Năm 2012, Trung tâm đã thu thập khảo nghiệm gần 500 giống lúa; trong đó vụ xuân 275 giống, vụ mùa 219 giống với các nhóm lúa lai, lúa thuần năng suất, chất lượng và nhóm đặc sản. Qua kết quả khảo nghiệm cơ bản, bước đầu đã chọn lọc được một số giống có triển vọng, như lúa thuần BG6, ĐT7, Hưng dân; giống chất lượng RVT11, HDT7; lúa lai ZZD001, Kim Trác 99… Điển hình như giống BG6, đây là giống lúa thuần, thời gian sinh trưởng ở vụ xuân 125 - 130 ngày, vụ mùa 105 - 110 ngày; dạng cây gọn, lá màu xanh, bông dài hạt xếp gối thưa màu sáng; số hạt chắc/bông cao; chống đổ khá, đạo ôn chưa nhiễm; hạt gạo thon dài, cơm mềm, dẻo, đậm; năng suất đạt từ 70 - 75 tạ/ha, thâm canh cao có thể đạt trên 80 tạ/ ha.

Theo đánh giá của các đơn vị chuyên môn, BG6 là giống cảm ôn ngắn ngày, cấy được cả hai vụ, năng suất tương đối ổn định, chống chịu sâu bệnh khá, nhất là bệnh đạo ôn ở vụ xuân, đồng thời chất lượng gạo ngon như BC15. Từ kết quả khảo nghiệm cơ bản qua nhiều vụ, Trung tâm đã khảo nghiệm sản xuất được trên 20 giống, các giống này được chọn khảo nghiệm sinh thái ở 8 huyện, thành phố, qua đó đánh giá được phạm vi thích ứng của từng giống, lấy không gian bù thời gian nhằm kết luận đề xuất đưa nhanh vào sản xuất đại trà.

Đặc biệt, Trung tâm đã xây dựng được 2 mô hình trình diễn cánh đồng mẫu bằng các giống lúa RVT, diện tích 50 ha tại Nguyên Xá (Vũ Thư); mô hình gieo thẳng bằng giống VS1, diện tích 30 ha, tại điểm liên kết xây dựng nông thôn mới ở Tân Phong đạt kết quả khá tốt. Ông Trần Xuân Định, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Kết quả gieo cấy lúa RVT trên cánh đồng mẫu ở Nguyên Xá đạt kết quả khá tốt, từ khâu tổ chức sản xuất đến bao tiêu sản phẩm và giá trị người nông dân được hưởng; năng suất đạt 63,2 tạ/ ha, Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương thu mua với mức 1kg thóc RVT tương đương với 1,3 kg thóc thịt ngoài thị trường, như vậy năng suất mà người dân được hưởng thực tế là 82,16 tạ/ ha; bên cạnh đó giống lúa RVT ở mô hình còn giảm chi phí phòng trừ sâu bệnh, phân bón so với ngoài mô hình nên tổng lợi nhuận của nông dân tham gia mô hình tăng trên 9 triệu đồng/ ha so với sản xuất thông thường. Ngoài ra còn rất nhiều mô hình do Trung tâm thực hiện được các hộ nông dân đánh giá cao, như mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, mô hình lúa lai nhiễm bạc lá nhẹ Namon> dương 99, mô hình sản xuất muối áp dụng công nghệ mới tại Thụy Hải…

Đặc biệt, trong năm 2012 đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã nghiên cứu, sản xuất thành công củ giống khoai tây siêu nguyên chủng bằng công nghệ khí canh, mở ra một hướng mới trong việc giải quyết giống khoai tây sạch bệnh hiện nay. Từ kết quả nghiên cứu này, Trung tâm đã phát triển ở tầm cao hơn bằng việc xây dựng Dự án “Ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học trong sản xuất khoai tây sạch bệnh tại Thái Bình, thuộc chương trình ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ phát triển nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015”.

Theo đó, Dự án đã được Bộ Khoa học & Công nghệ phê duyệt. Đây là điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật của đơn vị. Không chỉ tìm tòi nghiên cứu, săn tìm các giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật sản xuất mới, Trung tâm còn phối hợp với phòng nông nghiệp & PTNT các huyện, thành phố, các tổ chức đoàn thể mở trên 300 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hơn 30.000 lượt hộ nông dân; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia mở lớp đào tạo, cấp chứng chỉ sư phạm dạy nghề cho lao động nông thôn; phối hợp với Ban quản lý dự án LIFSAP đào tạo khóa TOT về quy trình thực hiện chăn nuôi lợn, gà an toàn trong nông hộ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật chăn nuôi thú y tỉnh.

Để tiếp tục giúp nông dân có những giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật sản xuất mới cho hiệu quả kinh tế cao, hiện nay Trung tâm đã xây dựng kế hoạch triển khai khảo nghiệm tuyển chọn các giống cây màu như ngô lai, đậu tương, khoai lang chất lượng cao; các giống rau quả, bí xanh, dưa vụ hè; khảo nghiệm một số loại phân bón hữu cơ vi sinh, phân vi sinh cho lúa, khoai tây, rau để thay thế phân chuồng… Đồng thời, nhân rộng mô hình sản xuất hàng hóa theo tiêu chí cánh đồng mẫu; hoàn thiện quy trình gieo mạ khay, mạ nền cứng cấy bằng máy để tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, giá trị cây trồng.

Bài, ảnh: Nguyên Bình

  • Từ khóa