Thứ 7, 16/11/2024, 20:46[GMT+7]

Hiệu quả sáng tạo khoa học kỹ thuật trong trường học

Chủ nhật, 13/03/2022 | 17:03:41
2,086 lượt xem
Được đưa vào sử dụng tại Trường Đại học Thái Bình từ nhiều năm nay, mô hình máy đóng dấu sản phẩm tự động và mô hình phân loại sản phẩm theo kích thước của Thạc sĩ Vũ Quang Hòa, giảng viên Trường Đại học Thái Bình đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành của môn học thực hành tự động hóa.

Thạc sĩ Vũ Quang Hòa hướng dẫn sinh viên thực hành mô hình phân loại sản phẩm theo kích thước.

Chia sẻ về ý tưởng chế tạo các mô hình, Thạc sĩ Vũ Quang Hòa chia sẻ: Trong quá trình công tác tại Trường Đại học Thái Bình, tôi đã tham gia giảng dạy môn thực hành tự động hóa. Thời gian đầu, thiết bị học thực hành môn này chưa có nhiều, chủ yếu là các thiết bị đơn lẻ, chưa kết nối thành hệ thống vì vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình dạy và học của thầy và trò. Giáo viên khó đưa ra được những bài tập sát với thực tế, sinh viên cũng rất khó hình dung được về môn học và ứng dụng của môn học trong thực tế sản xuất. Chính vì khó khăn đó nên tôi đã nghiên cứu, chế tạo mô hình máy đóng dấu sản phẩm tự động và mô hình phân loại sản phẩm theo kích thước dùng cho dạy môn thực hành tự động hóa trong Trường Đại học Thái Bình thay thế cho những thiết bị cũ của Trường mà không phải mua thiết bị ngoài thị trường với giá thành cao, lại chưa đáp ứng được yêu cầu công nghệ của thực tế sản xuất. 

Mô hình phân loại sản phẩm theo kích thước và mô hình máy đóng dấu sản phẩm tự động là 2 trong nhiều mô hình mà Thạc sĩ Vũ Quang Hòa đã thiết kế, chế tạo trong nhiều năm qua. Theo chia sẻ của anh, cả 2 mô hình đều giúp cho sinh viên có cái nhìn khái quát về hệ thống phân loại sản phẩm theo kích thước và máy đóng dấu (máy dập số tự động) trong thực tế. Mô hình phân loại sản phẩm theo kích thước có thể phân biệt được tất cả các loại sản phẩm theo kích thước người dùng đặt ra bằng cách thay đổi vị trí cảm biến. Khi sinh viên thực hành bấm nút start hệ thống thì băng tải chạy. Những sản phẩm có những kích thước khác nhau trên băng tải sẽ được hệ thống với những cảm biến phát hiện và các xi lanh phân loại ra thành 3 loại có kích thước riêng biệt. Khi xảy ra sự cố muốn dừng hệ thống khẩn cấp, sinh viên có thể nhấn nút estop để dừng khẩn cấp, hoặc muốn dừng tạm thời sẽ bấm nút stop. 

Đối với mô hình máy đóng dấu sản phẩm tự động sẽ giúp người dùng đóng dấu số hiệu hoặc ký hiệu lên các sản phẩm sau khi đã hoàn thiện. Máy có 2 chế độ hoạt động là chế độ tự động và chế độ bằng tay. Với chế độ bằng tay, sinh viên có thể điều khiển theo ý muốn. Còn chế độ tự động, khi có sản phẩm cần đóng dấu trong giá đỡ, sinh viên chỉ cần bấm nút start, sản phẩm sẽ được các xylanh trong hệ thống đẩy vào và đóng dấu tự động, quá trình lặp đi lặp lại đến khi nào bấm nút stop hoặc hết sản phẩm trên giá đỡ thì hệ thống sẽ dừng lại. 

Có thể nói, những mô hình của Thạc sĩ Vũ Quang Hòa đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng dạy và học tại Trường Đại học Thái Bình, giúp nhà trường có thêm những thiết bị để phục vụ cho công tác đào tạo chuyên ngành điện. Những giờ học thực hành tự động hóa giờ đây đã trở nên dễ hiểu, mang lại sức hấp dẫn đối với sinh viên. 

Em Vũ Xuân Linh, sinh viên lớp Cao đẳng 20 điện công nghiệp, Trường Đại học Thái Bình cho biết: Nếu chỉ tiếp thu những kiến thức trong sách vở của môn học thực hành tự động hóa, bản thân em sẽ rất khó hình dung tính ứng dụng thực tế của môn học. Nhưng sau khi được tiếp cận các mô hình của thầy Hòa, em thấy dễ hiểu hơn, có kiến thức thực tế, có thể dễ dàng tiếp cận với máy móc khi đi làm sau này. 

Thạc sĩ Vũ Quang Hòa cho biết thêm: Khi thực hành trên những mô hình này, các em sinh viên sẽ được học những kỹ năng thiết kế một hệ thống điện cho máy móc tự động, giúp các em rút ngắn thời gian nhận thức về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, tiếp cận với các công nghệ mới một cách nhanh nhất. Thời gian tới, tôi mong muốn sẽ chế tạo thêm được nhiều mô hình hơn nữa để các em sinh viên có thể tiếp cận được với thực tế từ khi còn học trong trường, để đến khi sinh viên ra trường đi làm sẽ không còn bỡ ngỡ, tiếp cận được ngay với công việc.

Thu Hoài