Thứ 7, 16/11/2024, 22:38[GMT+7]

Chuyển đổi số - bắt kịp, đi cùng, vượt lên phát triển kinh tế - xã hội (Tiếp theo và hết) Kỳ 5: Khẩn trương đưa nghị quyết vào cuộc sống

Thứ 6, 08/04/2022 | 08:57:55
906 lượt xem
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà cốt lõi là chuyển đổi số chính là một vận hội phát triển chưa từng có trong lịch sử, thời cơ để Thái Bình bắt kịp, đi cùng và có thể vượt lên các tỉnh khác. Đứng trước thời cơ và thách thức mới, tỉnh Thái Bình quyết tâm chọn chuyển đổi số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, đây cũng chính là tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 02. Khẩn trương đưa Nghị quyết vào cuộc sống là nhiệm vụ đặt ra đối với mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và các ban, ngành, địa phương.

Công ty Tân Đệ ứng dụng hệ thống máy móc hiện đại trong sản xuất góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và doanh thu cho doanh nghiệp.

Nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại

Mặc dù quá trình chuyển đổi số thời gian qua của tỉnh đạt được kết quả bước đầu quan trọng, tuy nhiên nhìn tổng thể quá trình chuyển đổi số diễn ra còn chậm và chưa toàn diện. Riêng chỉ số đánh giá chuyển đổi số năm 2020 tỉnh Thái Bình xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố. Việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa đồng bộ, hiệu quả. Việc xử lý, giải quyết hồ sơ, công việc trên môi trường mạng chưa phổ biến. Việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp chưa mạnh mẽ. Tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử và tiếp cận sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn ở mức thấp...

Nguyên nhân của những hạn chế đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 02: Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến chuyển đổi số; việc tuân thủ các quy định, quy trình ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ ở một số nơi chưa nghiêm, chưa phát huy vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, thực hiện; công tác phối hợp của các cấp, các ngành trong triển khai các nhiệm vụ phát triển chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền số chưa thật sự gắn kết; nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số chưa đáp ứng được nhu cầu. Cơ chế, chính sách đầu tư phát triển công nghiệp CNTT, thu hút nhân lực CNTT chất lượng cao còn hạn chế...

Ông Vũ Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phân tích: Phần đông chúng ta chưa hiểu sâu sắc về chuyển đổi số. Nhiều người vẫn nghĩ chuyển đổi số đơn thuần là ứng dụng CNTT, là số hóa quy trình đã có, theo mô hình hoạt động đã có, để cung cấp dịch vụ đã có. Nhưng chuyển đổi số là số hóa toàn bộ cả một tổ chức, chuyển đổi số là thay đổi quy trình mới, mô hình tổ chức mới, phương thức cung cấp dịch vụ hoặc cung cấp dịch vụ mới. Ví dụ hết sức cụ thể: Các cơ quan nhà nước hiện nay thực hiện báo cáo định kỳ hoặc đột xuất thông qua văn bản giấy hoặc điện tử gửi qua hệ thống thư điện tử hoặc hệ thống gửi nhận văn bản. Khi thực hiện chuyển đổi số là thay đổi cách thức thực hiện báo cáo từ báo cáo văn bản sang báo cáo bằng số liệu, cơ quan yêu cầu báo cáo chủ động giao chỉ tiêu báo cáo để các cơ quan thực hiện báo cáo cung cấp thông tin, số liệu lên hệ thống báo cáo. Hệ thống sẽ tự động tổng hợp, phân tích, đánh giá phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp. Chuyển đổi số đem lại lợi ích rất rõ ràng, vì vậy chỉ khi nào hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyển đổi số chúng ta mới hăng hái chuyển đổi số.

Ông Trương Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cũng phân tích: Trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi số hết sức quan trọng, nó sẽ thay đổi hoàn toàn tư duy và tập quán canh tác cũ. Trước đây, đối với cây trồng, vật nuôi, chúng ta chăm sóc theo kinh nghiệm, tập quán, vật nuôi lớn là bán, cây chín quả là thu hoạch, không cần đưa vào quản lý. Ứng dụng chuyển đổi số, chúng ta sẽ đưa cây trồng, vật nuôi vào quản lý theo quy trình chặt chẽ từ khi bắt đầu vào giống đến khi ra sản phẩm bán ra thị trường. Khi ra đến thị trường có mã vạch định danh truy xuất nguồn gốc: cây trồng trong bao nhiều thời gian, bón phân gì, bón như thế nào... Khi sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn, đương nhiên sẽ tìm được chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, để đưa được ứng dụng quản lý như trên vào trồng trọt, chăn nuôi thì phải có con người làm chủ được quy trình kỹ thuật, phải ứng dụng được CNTT vào quản lý. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay vì việc sản xuất nông nghiệp vẫn phần lớn là do nông dân làm chủ, nhỏ lẻ. Mà đã nhỏ lẻ thì rất khó có điều kiện áp dụng quy trình sản xuất và ứng dụng CNTT trong quản lý.

Quyết tâm hòa nhập chuyển đổi số

Nghị quyết số 02 đã chỉ ra 8 nhóm giải pháp cơ bản với 3 trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đều có những giải pháp, nhiệm vụ cơ bản. Trong xây dựng chính quyền số phải tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để quản lý hiệu quả hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung toàn tỉnh, xây dựng cơ sở dữ liệu và nền tảng số thông qua việc xây dựng kho lưu trữ số tập trung của tỉnh để quản lý thống nhất việc lưu trữ; đồng thời phát triển các ứng dụng, dịch vụ số của tỉnh để phát huy hiệu quả hoạt động Cổng dịch vụ công trực tuyến, đưa các dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4 bảo đảm cung cấp các dịch vụ thông minh, tiện ích của chính quyền phục vụ. Trong xây dựng kinh tế số, tập trung phát triển doanh nghiệp công nghệ số đầu tư các nền tảng số, chuỗi cung ứng số, số hóa sản phẩm dịch vụ; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, nội dung số đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình và các khu công nghiệp. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các đối tác lớn để thu hút các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ số và tự động hóa, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Đối với phát triển xã hội số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại các bệnh viện, hỗ trợ tư vấn và khám chữa bệnh thông minh, công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường đưa các hoạt động giáo dục lên môi trường số; triển khai trên không gian mạng các sản phẩm văn hóa, lịch sử, du lịch; triển khai ứng dụng cung cấp sản phẩm số, dịch vụ số, dịch vụ thông minh, tiện ích số phục vụ nhân dân như trả lời tự động giải đáp thủ tục hành chính, thông tin giá cả thị trường, lao động và việc làm, an toàn giao thông và trật tự xã hội...

Như phân tích từ các ví dụ thực tế về ứng dụng chuyển đổi số trong công tác báo cáo hay sản xuất nông nghiệp phần trên, mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là hướng đến người thụ hưởng dịch vụ, người thụ hưởng phải được hưởng dịch vụ một cách tốt nhất, trong sự công khai, minh bạch nhất. Chuyển đổi số là một quá trình dài với nhiều thách thức đặt ra buộc chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân phải thay đổi. Tuy nhiên, chuyển đổi số sẽ giúp chính quyền ngày càng cải thiện chất lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức, cải thiện dịch vụ công để phục vụ nhu cầu của người dân hiệu quả hơn. Chuyển đổi số cũng giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí hoạt động bởi khả năng kết nối vô hạn của quá trình số hóa, không cần nguồn lực có sẵn. Do đó, cần nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số để đáp ứng xu hướng hiện nay. Doanh nghiệp thành công nhờ sớm khởi động chuyển đổi số, nhà nông cũng “bắt trend” công nghệ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, biến thách thức thành cơ hội vượt qua đại dịch nhờ ứng dụng CNTT và chuyển đổi số..., đó là những câu chuyện thực tế truyền cảm hứng cho các cấp, các ngành và mỗi cá nhân khẩn trương đưa Nghị quyết số 02 đi vào cuộc sống, cùng hành động để bước vào cuộc cách mạng sôi động chuyển đổi số.  

Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 02        

  • Phát triển chính quyền số: Đến năm 2025 có 80%, năm 2030 có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên các phương tiện; năm 2025 trên 90% hồ sơ cấp tỉnh, 80% cấp huyện, trên 60% cấp xã xử lý trên môi trường mạng và đạt 100% ở cả 3 cấp năm 2030; 100% văn bản thực hiện trên hệ thống dùng chung của tỉnh; 100% cơ sở dữ liệu được kết nối, chia sẻ.
  • Phát triển kinh tế số: Đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP, đến năm 2030 tăng lên 30%; năm 2025 50% doanh nghiệp áp dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, năm 2030 tăng lên 100%.
  • Phát triển xã hội số: Từng hộ gia đình đều tiếp cận được dịch vụ internet băng thông rộng; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh; năm 2025 có 50% người dân 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử, năm 2030 tăng lên 80%.


Ông Đỗ Như Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Là cơ quan thường trực chương trình chuyển đổi số của tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tư vấn, hướng dẫn, tập huấn, tuyên truyền về chuyển đổi số cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh, đặc biệt hệ thống thông tin đại chúng tuyên truyền nhiều hơn nữa để người dân thấy được mục tiêu chuyển đổi số của quốc gia nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng, hiểu được tầm quan trọng bắt buộc phải chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành bộ chỉ số làm cơ sở để đánh giá tiêu chí chuyển đổi số của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Ông Trương Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lên các phương án xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Trước mắt sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai đưa Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động chính thức đi vào hoạt động để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành hoạt động du lịch; liên kết Cổng với các hệ thống khác và áp dụng các công nghệ thông minh như bản đồ số, AI, AR, mô hình 3D, Chatbot trong việc giới thiệu các điểm đến của du lịch Thái Bình. Qua đó góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước, quản lý điểm đến du lịch, marketing du lịch, phục vụ cho các đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch... Đồng thời, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức, người lao động trong lĩnh vực du lịch; đẩy mạnh thực hiện điện tử hóa, số hóa trong quảng bá sản phẩm du lịch, hình ảnh quê hương Thái Bình đến du khách trong và ngoài nước.

Ông Trương Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh

Thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã tổ chức tập huấn cho lãnh đạo các HTX trong tỉnh về chuyển đổi số. Phần lớn lãnh đạo HTX đều rất hào hứng với những kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn để triển khai cụ thể hơn các nhiệm vụ chuyển đổi số.


Trần Hương - Nguyễn Cường