Chủ nhật, 17/11/2024, 07:46[GMT+7]

Kính viễn vọng tìm kiếm 'bản sao' Trái Đất

Chủ nhật, 05/06/2022 | 09:25:39
465 lượt xem
Một nhóm nhà nghiên cứu Trung Quốc đề xuất phóng kính viễn vọng không gian để tìm kiếm bản sao của Trái Đất trong phạm vi 32 năm ánh sáng quanh hệ Mặt Trời.

Mô phỏng ngoại hành tinh giống Trái Đất. Ảnh

Trong số hơn 5.000 ngoại hành tinh được phát hiện, nhiều hành tinh lớn hơn hẳn Trái Đất hoặc nằm trong khu vực ở được quanh ngôi sao nhỏ và mát hơn Mặt Trời. Nhiệm vụ Khảo sát ngoại hành tinh ở được gần kề (CHES) do nhóm nghiên cứu của Ji thiết kế và phát triển trong gần một thập kỷ, hướng tới theo dõi khoảng 100 ngôi sao giống Mặt Trời trong phạm vi 32 năm ánh sáng từ hệ Mặt Trời. Nhiệm vụ này sẽ đo những thay đổi nhỏ trong vị trí tương đối của ngôi sao trên bầu trời để tìm kiếm hành tinh giống Trái Đất quay xung quanh.

Phát hiện từ kính viễn vọng có thể giúp giải đáp câu hỏi "liệu sự sống chỉ có trên Trái Đất hay còn tồn tại trong vũ trụ", theo người đứng đầu dự án là nhà nghiên cứu Ji Jianghui ở Đài quan sát Purple Mountain tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) tại Nam Kinh.

Hành tinh và ngôi sao chủ ảnh hưởng đến chuyển động của nhau do lực hút hấp dẫn. Nếu các nhà khoa học phát hiện dao động nhẹ theo chu kỳ trong vị trí của ngôi sao chủ, do đó nhiều khả năng có hành tinh quay quanh nó. Theo Ji, phương pháp phát hiện hành tinh như vậy có hiệu quả cao do "có thể phát hiện bất kỳ hành tinh giống Trái Đất nào tồn tại trong hoặc gần khu vực ở được của ngôi sao". So với CHES, những nhiệm vụ săn ngoại hành tinh như kính viễn vọng Kepler và TESS của NASA chỉ có thể quan sát hành tinh có quỹ đạo nằm thẳng hàng với đường ngắm từ Trái Đất.

Dự án CHES được kỳ vọng phát hiện khoảng 50 ngoại hành tinh giống Trái Đất hoặc siêu Trái Đất. Phương pháp trắc lượng học thiên thể mà CHES sử dụng là kỹ thuật cơ bản trong thiên văn học, nhưng mới chỉ có thể áp dụng với nghiên cứu ngoại hành tinh trong những năm gần đây nhờ tiến bộ công nghệ, theo Wang Wei, nhà khoa học ở Đài quan sát thiên văn quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh. CHES cần đo độ dao động của ngôi sao chính xác tới 1 micro giây góc (1 độ bao gồm 60 phút góc, mỗi phút gồm 60 giây góc). Để đạt độ chính xác như vậy, nhóm nghiên cứu của Ji sử dụng công nghệ chủ chốt mang tên đo lường mặt phẳng trọng tâm laser.

Nếu được thông qua, nhóm nghiên cứu hy vọng có thể xây dựng kính viễn vọng trong vòng 5 năm và đưa vào quỹ đạo cách Trái Đất 1,5 triệu km ở điểm Lagrange 2 giữa hành tinh của chúng ta và Mặt Trời. Đây là vị trí quan sát ổn định và tiết kiệm nhiên liệu mà nhiều tàu vũ trụ hiện nay đang sử dụng, bao gồm Kính viễn vọng không gian James Webb của NASA.

Theo vnexpress.net

  • Từ khóa