Chủ nhật, 17/11/2024, 16:25[GMT+7]

Thiên nhiên hoang dã tại vườn Cát Tiên

Thứ 2, 11/07/2022 | 08:43:48
768 lượt xem
Vườn quốc gia Cát Tiên có hệ sinh thái đa dạng với hàng nghìn động vật, gần 2.000 thực vật bậc cao, được hai lần UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Thành lập theo quyết định Thủ tướng năm 1992, vườn quốc gia Cát Tiên nằm trên địa bàn 5 huyện gồm: Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai); Cát Tiên, Bảo Lâm (Lâm Đồng); Bù Đăng (Bình Phước), tổng diện tích hơn 71.000 ha, trong đó Đồng Nai chiếm diện tích lớn nhất, gần 40.000 ha. Đặc trưng của vườn Cát Tiên là rừng đất thấp ẩm ướt nhiệt đới, độ che phủ rừng trên 80%.

Vườn quốc gia Cát Tiên được đánh giá có đa dạng sinh học cao. Hiện, nơi đây định danh được 1.729 động vật, 1.655 thực vật bậc cao, trong đó hơn 100 động thực vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam cần được bảo tồn. Vườn quốc gia này được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2001 và 2011; Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012.

Bò tót tại vườn quốc gia Cát Tiên hiện còn khoảng 140 con, nằm trong Sách Đỏ Việt Nam, và được nghiêm cấm săn bắt vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, nhiều năm qua loài động vật này vẫn bị người dân lén giết hại, xẻ thịt mang bán. Năm 2020, con bò tót nặng 200 kg bị thợ săn bắn chết. Năm 2012, bò tót nặng 3,6 tạ cũng bị người dân giết trộm.

Trong hình là vượn đen má vàng. Loài này khi nhỏ sẽ có lông màu đen, sau đó con cái trưởng thành sẽ chuyển màu vàng, còn con đực vẫn giữ màu đen.

Trung tâm cứu hộ động vật vườn Cát Tiên đã nhận bàn giao nhiều loài động vật hoang dã từ lực lượng kiểm lâm và người dân.

Trong ảnh là gấu ngựa. Nó có thể không bao giờ được trở lại với môi trường tự nhiên được vì bị con người nuôi nhốt quá lâu trong lồng sắt nên gần như mất hết bản năng sinh tồn.

Ngoài các loài động vật, vườn quốc gia Cát Tiên còn có nhiều loại thực vật độc đáo, một trong số đó là cây Tung - tên khoa học Tetrameles nudiflora, nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Cây có tuổi thọ hơn 400 năm, ưa vươn sáng, cao 45 m, đường kính hơn 20 người ôm. Điểm đặc biệt của loài cây này là rễ không cắm sâu xuống đất mà chạy theo bề ngang hàng chục mét trên mặt đất.

Cây có thân gỗ to, xốp, nhẹ nên có thể dùng đóng guốc mộc, làm thùng đàn guitar...

Buổi đêm trong vườn quốc gia Cát Tiên, nhiều loài vật ra kiếm ăn, không chỉ lợn rừng mà còn nai, hoẵng...

Trăn, rắn cạp nong, cạp nia... thường xuất hiện ban đêm vào những tháng mùa mưa, môi trường ẩm ướt sau những cơn mưa rào.

Hiện, vườn quốc gia có tour khám phá thú rừng ăn đêm từ 18h đến 22h. Du khách khoảng 10 người ngồi trên xe tải đi xem thú rừng. Khi có thú, hướng dẫn viên sẽ rọi đèn vào. "Chúng tôi sử dụng ánh sáng màu vàng, vì nếu sử dụng ánh sáng trắng chúng sẽ hoảng sợ bỏ chạy. Ngoài ra khách phải giữ im lặng, không được chụp hình dùng đèn flash", một nhân viên ở đây nói.

Để góp phần khôi phục và phát triển hệ sinh thái rừng, nhiều năm qua Ban quản lý đã phối hợp cùng các tổ chức, đơn vị trồng hàng trăm ha rừng, gồm nhiều giống gỗ quý, như cẩm lai, giáng hương và một số cây ăn trái như chôm chôm rừng, xoài rừng, chà là...

Theo vnexpress.net