Chủ nhật, 17/11/2024, 18:22[GMT+7]

30 trí thức trẻ chuyển giao kỹ thuật về vùng khó khăn

Chủ nhật, 17/07/2022 | 15:33:05
1,046 lượt xem
Các trí thức trẻ là thuộc nhiều lĩnh vực, đến xã khó khăn huyện Tháp Mười, Đồng Tháp chuyển giao kỹ thuật trồng, chăn nuôi và bán hàng online.

Các trí thức trẻ ra quân chương trình "Trí thức khoa học trẻ tình nguyện" sẽ đến với các địa phương chuyển giao kỹ thuật, tối 15/7.

Trong 2 tuần các chuyên gia, giảng viên, sinh viên thuộc nhiều nhóm chuyên môn hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp cho người dân. Hoạt động nằm trong chương trình Trí thức khoa học trẻ tình nguyện - chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, thanh niên do Thành đoàn TP HCM, ra quân tối 15/7.

Theo đó, các chuyên gia thuộc Phân viện chăn nuôi Nam Bộ tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi vịt biển năng suất cao cho nông dân huyện Tháp Mười. Theo đánh giá, địa phương phù hợp với việc nuôi vịt biển vì có địa hình nhiều sông suối, ao hồ. Giống vịt biển cho năng suất cao, đẻ trứng cao hơn vịt thường, khả năng chống chịu thời tiết cũng cao hơn. Để hỗ trợ người dân, các trí thức trẻ trao tặng hơn 2.000 con vịt biển giống để giúp người dân tăng sinh kế.

Bà con nông dân tại đây cũng được giới thiệu kỹ thuật trồng cây có múi như sầu riêng, mít... để chuyển đổi một phần từ trồng lúa sang phát triển các loại cây ăn trái, giúp đa dạng sản phẩm nông nghiệp, tăng sinh kế.

Tại đây, các khóa tập huấn kiến thức và quy trình dán tem nhãn trên sản phẩm cũng được hướng dẫn tới bà con để tạo thương hiệu cho nông sản.

Để giúp người dân có kênh tiêu thụ mới các sản phẩm nông nghiệp, chuyên gia công nghệ thông tin hướng dẫn cách mở shop bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Nông dân được hướng dẫn kỹ thuật giới thiệu hàng hóa, kết nối khách hàng, bán hàng, phương thức thanh toán...

Vũ Đắc Hoàng Ân, cựu sinh viên khoa công nghệ thông tin, Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM, cho biết, trong hai tuần, nhóm sẽ tổ chức tập huấn về cách sử dụng internet với nông dân, sau đó là khóa chuyên sâu về bán hàng online. "Tôi hy vọng sau thời gian này, nông dân sẽ có thêm kênh phân phối nông sản mới. Điều này đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và giúp người mua tiếp cận dễ hơn việc mua đặc sản miền Tây qua hình thức online", Ân chia sẻ.

Chương trình cũng tặng 20 máy vi tính và đào tạo cho cán bộ xã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ giấy tờ, giúp họ phân loại tài liệu, truy xuất nhanh chóng trên máy tính theo quy trình lưu trữ số.

Phó bí thư Thành đoàn TP HCM Trương Minh Tước Nguyên mong muốn các trí thức trẻ bằng kiến thức của mình hỗ trợ giải quyết các nhu cầu thiết thực của người dân địa phương, giúp họ nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống. Đây cũng là cơ hội để tuổi trẻ có nhiều trải nghiệm thực tế với nông dân, hỗ trợ cho việc học tập, nghiên cứu sau này.

Chương trình Trí thức khoa học trẻ tình nguyện do Thành đoàn TP HCM tổ chức thường niên trong 13 năm qua. Hoạt động nhằm giúp người dân tiếp cận nhiều hơn với các hoạt động khoa học công nghệ, chuyển đổi số, hỗ trợ các hoạt động xây dựng nông thôn mới như chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, tặng phòng máy vi tính, tập huấn kỹ năng sống cho học sinh...

Chương trình hướng đến các huyện ngoại thành TP HCM và một số địa phương lân cận như Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Tháp với hàng chục nghìn người dân được hỗ trợ.

Theo vnexpress.net