Chủ nhật, 17/11/2024, 23:31[GMT+7]

Siêu máy tính mới của Australia công bố hình ảnh chụp siêu tân tinh

Thứ 4, 10/08/2022 | 15:41:33
433 lượt xem
Hình ảnh công bố ngày 9/8 được chụp bởi kính viễn vọng vô tuyến tại vùng nông thôn miền Tây Australia, sau đó được truyền qua đường cáp quang tới Trung tâm Nghiên cứu Siêu máy tính Pawsey.

Ảnh minh họa (Nguồn: AP)

Ngày 9/8, siêu máy tính mới nhất do Australia sản xuất - Setonix - đã ra mắt với những hình ảnh trực quan hóa đầy chất lượng về một siêu tân tinh (supernova) do kính viễn vọng vô tuyến ASKAP của Cơ quan vũ trụ Australia ghi lại. 

Siêu tân tinh hay sao siêu mới là một sự kiện thiên văn học biến đổi tức thời, xảy ra trong giai đoạn cuối của quá trình tiến hóa của các sao có khối lượng lớn. Sự kiện này thường kết thúc bằng vụ nổ lớn, đánh dấu sự hủy diệt của một ngôi sao. Những vụ nổ siêu tân tinh là một trong những lý do khiến các nhà thiên văn học cho rằng vạn vật đều được tạo ra từ bụi sao. 

Hình ảnh công bố ngày 9/8 được chụp bởi kính viễn vọng vô tuyến tại vùng nông thôn miền Tây Australia, sau đó được truyền qua đường cáp quang tới Trung tâm Nghiên cứu Siêu máy tính Pawsey tại thành phố Perth - thủ phủ của bang. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng "siêu máy tính" Setonix để xử lý dữ liệu do kính viễn vọng ghi nhận, kết xuất (render) ra hình ảnh chất lượng cao.

Tiến sỹ Pascal Elahi - chuyên gia ứng dụng siêu máy tính của Viện Pawsey - cho biết, siêu máy tính trị giá 70 triệu (tương đương 48,90 triệu USD) đã giúp tăng hiệu quả tính toán của quá trình thêm 45%. Theo ông Elahi, việc xử lý dữ liệu từ các cuộc khảo sát thiên văn của ASKAP là một cách để kiểm tra sự ổn định và độ tin cậy (stress test) của hệ thống máy tính Setonix.

Kính thiên văn vô tuyến hoạt động bằng cách tập trung vào một điểm duy nhất trên bầu trời và thu nhận các sóng vô tuyến mà sau này có thể được chuyển đổi thành hình ảnh, thông qua việc chuyển đổi bước sóng vô tuyến thành ánh sáng khả kiến - một phần của quang phổ điện từ có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Siêu tân tinh được chụp trong nghiên cứu nằm cách Trái Đất khoảng 10.000 - 15.000 năm ánh sáng, được phát hiện lần đầu vào năm 1967, song các nhà khoa học không có nhiều thông tin về về tuổi, kích thước và loại của siêu tân tinh này. Các nhà nghiên cứu kỳ vọng những hình ảnh chi tiết mới sẽ giúp họ lý giải cho những câu hỏi xung quanh siêu tân tinh này.

Trao đổi với báo giới, ông Elahi cho biết, những kết quả ban đầu do Setonix cung cấp chỉ thể hiện được một phần khả năng của máy. Các nhà nghiên cứu từ mọi lĩnh vực khoa học đều có thể sử dụng Setonix, nên ứng dụng của máy không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thiên văn học. 

Theo ông Elahi, ứng dụng tiềm năng của Setonix rất đa dạng, từ thiết lập mô hình thời tiết và tác động của biến đổi khí hậu, cho đến phát triển trí tuệ nhân tạo, thậm chí có thể là công cụ giúp chống lại các bệnh như COVID-19 và ung thư.

Tiến sỹ cho biết có thể coi siêu máy tính này là một phòng thí nghiệm ảo, giúp các nhà khoa học tạo ra những nghiên cứu đột phá. Sau khi được triển khai toàn bộ, siêu máy tính sẽ có sức mạnh gấp 30 lần so với tất cả các hệ thống trước đó của trung tâm cộng lại.

Các nhà nghiên cứu cho biết, khả năng vượt trội này sẽ giúp trung tâm xử lý lượng dữ liệu khổng lồ từ nhiều dự án, đồng nghĩa với việc đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học hơn trong cùng khoảng thời gian.

Theo vietnamplus.vn