Chủ nhật, 17/11/2024, 23:35[GMT+7]

9,2 nghìn tỷ USD mỗi năm để đưa phát thải ròng về 0

Thứ 7, 13/08/2022 | 14:16:15
636 lượt xem
Nghiên cứu của McKinsey & Company, công ty tư vấn quản lý toàn cầu, ước tính thế giới cần 9,2 nghìn tỷ USD mỗi năm để hướng tới "Net zero" vào năm 2050.

Ảnh minh họa

"Con số này rất lớn, nhưng vẫn ít hơn cái giá phải trả nếu chúng ta không hành động", McKinsey & Co., ước tính. Mức đầu tư 9,2 nghìn tỷ USD sẽ chi cho cơ sở hạ tầng, hệ thống mới.

Các nhà phân tích của McKinsey muốn làm rõ mức đầu tư cần thiết và những thay đổi hành vi để giảm tác động của phát thải khí nhà kính xuống 0 vào năm 2050, theo như Thỏa thuận Paris.

Kết quả cho thấy rằng, với điều kiện ổn định, việc sử dụng than sẽ hầu như bị loại bỏ trên toàn cầu vào năm 2050. Sản lượng dầu và khí đốt sẽ giảm lần lượt 55% và 70%. 200 triệu việc làm mới sẽ thay thế 185 triệu vị trí được coi là không cần thiết trên toàn cầu.

Với năng lượng, các nhà phân tích dự đoán đầu tư vào lĩnh vực này có thể khiến giá điện tăng thêm một phần tư cho đến năm 2040, và đến năm 2050, sẽ vẫn tiếp tục cao hơn 20% so với hiện nay.

Không ai biết chính xác thiệt hại mà biến đổi khí hậu nếu không được kiểm soát sẽ gây ra cho thế giới. Nhưng các nhà khoa học khẳng định con số sẽ lớn hơn nhiều so với mức chi phí phải trả để tránh những thiệt hại này.

hói bốc lên từ một nhà máy điện ở Sherrills Ford, Bắc Carolina, Mỹ, tháng 11/2018. Ảnh: Reuters.

Một nhà máy điện ở Sherrills Ford, Bắc Carolina, Mỹ, tháng 11/2018. Ảnh: Reuters

Các nước đang phát triển đang ở thế khó nhất, vì phải chi tiêu nhiều nhất cho cơ sở hạ tầng mới, tính theo tỷ trọng GDP, ví dụ ở Ấn Độ, châu Phi hạ Sahara là 10,8%, còn ở Mỹ là 6,4%. Nghiên cứu tại 44 quận của Mỹ, nơi hơn 10% việc làm phụ thuộc vào các ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch hoặc sản xuất ôtô, chỉ ra người dân có nguy cơ cao bị mất việc làm, trừ khi có các chính sách chuyển đổi hay đào tạo lại từ Chính Phủ.

Ứng dụng công nghệ để giảm phát thải là một hướng đi. "Khoảng 85% lượng giảm phát thải mà chúng ta cần để đạt tới mức Net Zero ở châu Âu là khả thi với sự giúp sức của công nghệ ngày nay", đồng tác giả của báo cáo nhận định.

Ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu "Phát thải ròng bằng 0 - Net Zero vào năm 2050", cũng đã được Việt Nam cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26). "Việt Nam sẽ cần 330-370 tỷ USD để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Con số này đòi hỏi cả nguồn tài chính công và tư từ trong nước và quốc tế", bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc- UNDP tại Việt Nam, ước tính trong hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 5 diễn ra đầu tháng 8.

Các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong hành trình hướng tới "Net Zero" thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức tiên phong ngày càng chú trọng đến kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, coi đó là xu hướng phát triển bền vững.

Theo vnexpress.net