Thứ 2, 18/11/2024, 05:18[GMT+7]

Giá trị của hoạt động nghiên cứu khoa học biển trong khu vực Biển Đông

Thứ 5, 06/10/2022 | 08:47:46
677 lượt xem
Mục đích của Đối thoại Biển lần thứ 9 là làm rõ giá trị của việc nghiên cứu khoa học biển trong Biển Đông - khu vực có tính đa dạng sinh học cao nhưng lại chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu.

Quang cảnh phiên thảo luận đầu tiên của Đối thoại Biển lần thứ 9. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)

Ngày 5/10, Đối thoại Biển lần thứ 9 với chủ đề "Nghiên cứu khoa học biển: Xây dựng lòng tin và tạo dựng môi trường bền vững" do Học viện Ngoại giao (DAV), Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) đồng tổ chức, đã diễn ra tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Đối thoại thu hút sự tham dự trực tiếp của gần 100 đại biểu tại Nha Trang; nhiều đại biểu quốc tế tham gia qua hình thức trực tuyến; trong đó có 17 diễn giả là các chuyên gia, học giả uy tín hàng đầu thế giới và khu vực đến từ các quốc gia như: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Philippines, Indonesia… và đại diện của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, nêu rõ nghiên cứu khoa học biển có vai trò quan trong việc bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học, phát triển bền vững đại dương. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở các khu vực tranh chấp, nghiên cứu khoa học biển là chủ đề để tất cả các bên cùng quan tâm thảo luận, cùng có lợi ích trong việc hợp tác, qua đó xây dựng lòng tin, thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển chung.

Mục đích của Đối thoại Biển lần thứ 9 là làm rõ giá trị của hoạt động nghiên cứu khoa học biển trong khu vực Biển Đông - một khu vực có tính đa dạng sinh học cao nhưng lại đang chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển, suy giảm các nguồn tài nguyên và cả thách thức đến từ vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Thông qua đó tìm kiếm các cơ hội nhằm tăng cường hợp tác giữa các quốc gia ven biển, các đối tác quốc tế trong hoạt động nghiên cứu khoa học biển ở khu vực Biển Đông.

Với 4 phiên thảo luận, Đối thoại đã đề cập đến khuôn khổ pháp lý nghiên cứu khoa học biển theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); thực tiễn quốc tế về nghiên cứu khoa học biển; nghiên cứu khoa học biển tại các khu vực tranh chấp: thách thức, khuyến nghị chính sách.

Tại phiên thảo luận đầu tiên, các diễn giả, nhà nghiên khoa học như: Giáo sư David M. Ong của Đại học Nottingham Trent (Vương quốc Anh); Phó Giáo sư, Tiến sĩ Jay L. Batongbacal của Đại học Philippines (Philippines); Giáo sư, Tiến sĩ James Kraska từ Học viện Chiến tranh Hải quân (Hoa Kỳ)… đã tham luận, thảo luận về những khía cạnh pháp lý bao gồm những quy định của UNCLOS liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học biển ở Biển Đông; những thách thức với UNCLOS từ sự thay đổi nhanh chóng trong hoạt động của con người và các công nghệ mới; đồng thời thảo luận về những cách thức để bảo đảm, duy trì vai trò quản trị đại dương của UNCLOS.

Phiên thứ 2 và 3, thảo luận về thực tiễn quốc tế và thực tiễn khu vực về nghiên cứu khoa học biển nhằm gợi ý các đề xuất, ý tưởng hợp tác nghiên cứu khoa học ở Biển Đông, với tham luận của các diễn giả: Giáo sư John McManus của Đại học Miami (Hoa Kỳ); Giáo sư, Tiến sĩ Suzette Suarez đến từ Đại học Hochschule Bremen (Đức); Giáo sư Yen Chiang Chang - Trung Quốc…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, Học viện Ngoại giao, chủ trì một phiên thảo luận tại Đối thoại. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)

Trong phiên 4, các đại biểu đã đóng góp ý kiến, khuyến nghị chính sách nhằm tăng cường lòng tin giữa các bên trên cơ sở thúc đẩy các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học biển trong khu vực.

Các diễn giả, các thành viên tham dự đối thoại đánh giá tại các khu vực tranh chấp, tình trạng mất lòng tin giữa các quốc gia ven biển bắt nguồn từ sự tranh chấp các quyền lợi, đã, đang cản trở hợp tác sâu rộng trong các hoạt động nghiên cứu khoa học biển.

Do đó, các hoạt động khoa học biển cần tuân thủ nghiêm túc các quy định của UNCLOS; đồng thời cần có những chính sách để giảm sự ngờ vực, tăng cường hợp tác khoa học trong khu vực.

Theo Học viện Ngoại giao (DAV), Đối thoại Biển lần thứ 9 dưới sự đồng bảo trợ của Đại sứ quán Anh và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) tại Việt Nam đã lựa chọn tổ chức tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, nơi đại diện cho hệ sinh thái biển phong phú và đa dạng bậc nhất ở Việt Nam.

Theo nhandan.vn