Thứ 2, 18/11/2024, 07:21[GMT+7]

Lò sấy - giải pháp nâng cao chất lượng nông sản

Thứ 2, 31/10/2022 | 08:03:54
3,358 lượt xem
Thóc được sấy bằng lò sẽ đem lại lợi ích kép vừa giảm được công phơi vừa nâng cao chất lượng hạt gạo. Chính vì thế, ngày càng có nhiều HTX, hộ dân tích tụ diện tích lớn ruộng đất ở huyện Đông Hưng mạnh dạn đầu tư lò sấy để cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa gạo.

Mỗi vụ, anh Đặng Tất Tuân, xã Phú Châu (Đông Hưng) sấy trên 200 tấn thóc.

Tích tụ trên 12ha cấy lúa hàng hóa hàng chục năm nay, mỗi vụ chị Phạm Thị Thủy, xã Đông Động thu về 55 - 60 tấn thóc. Chưa có điều kiện để mua máy sấy, việc phơi thóc, bảo quản một số lượng lớn thóc như vậy luôn khiến chị lo lắng, nhất là khi thời tiết dự báo có mưa. 

Chị Thủy cho biết: Cấy nhiều nhưng không có máy sấy rất bất tiện. Bán tươi thì tư thương ép giá, còn không bán thì phải mất nhiều tiền thuê bà con phơi hộ, mỗi ngày phơi 5 - 7 tấn. Gặt về rồi mà mưa không phơi được, nhất là mưa kéo dài việc phơi, bảo quản thóc mất rất nhiều công sức, thậm chí thóc còn hỏng, thiệt hại không nhỏ. Hiện nay, tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ cho những người tích tụ diện tích nhiều như tôi mua hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp, vụ sau tôi sẽ đăng ký mua để sấy thóc, không còn phải “trông mưa, trông nắng”, mất ăn, mất ngủ với việc phơi thóc sau thu hoạch nữa.

Có diện tích tích tụ cấy lúa tương đương với chị Thủy nhưng anh Đặng Tất Tuân, xã Phú Châu nhiều năm nay đã không còn phải lo lắng nữa vì đã đầu tư máy sấy hỗ trợ sau thu hoạch. Lò sấy đặc biệt phát huy hiệu quả khi thời tiết có mưa, mưa kéo dài đúng thời gian thu hoạch lúa. Lò sấy thóc được anh Tuân đầu tư xây dựng năm 2018 với diện tích 40m2, kinh phí 120 triệu đồng, chạy bằng than. Lò sấy có công suất 6 - 14 tấn thóc/mẻ, thời gian sấy 12 - 15 giờ/mẻ. Lúa gặt đến đâu anh đưa về sấy đến đó. Mỗi vụ anh sấy trên 200 tấn thóc, trong đó gần 70% sấy thuê cho người dân hoặc thương lái thu mua thóc quanh vùng. 

Anh Tuân chia sẻ: Nhìn thành quả của gia đình mình và của bà con “một nắng, hai sương” mới làm ra hạt thóc nhưng đến ngày thu hoạch mà gặp mưa nhiều thì vẫn coi như “xôi hỏng, bỏng không” vì nguy cơ thóc bị nảy mầm. Chính điều đó đã thôi thúc tôi đầu tư máy sấy thóc sớm nhất huyện. Từ khi có máy sấy, việc làm khô và bảo quản thóc thuận tiện hơn rất nhiều. Dù gặt chạy mưa, chạy bão, đưa về nhà sấy luôn không còn sợ thóc bị mốc, nẩy mầm gây thiệt hại về kinh tế như trước nữa. Hơn nữa, lúa gạo vào ngày mùa thường mất giá, bị tư thương ép giá, có máy tôi sấy khô luôn, đóng bao lưu kho, đợi khi nào giá cao, hợp lý thì bán sẽ tăng lợi nhuận.

Anh Trần Văn Quân, xã Phong Châu cho biết: Nhà tôi cấy 6 mẫu ruộng nhưng không có tiền đầu tư máy gặt, máy sấy. Đến mùa gặt, nhất là vụ mùa thời điểm thu hoạch hay có mưa bão, trước chúng tôi gặt về không phơi được ngoài sự tổn thất về sản lượng còn bị sụt giảm đáng kể về chất lượng, gạo bị biến màu, giảm chất dinh dưỡng, tệ hơn là lúa bị đổ, ướt gặt về không được làm khô kịp thời sẽ lên men, mọc mầm chỉ có thể sử dụng làm thức ăn cho gia súc. Từ khi anh Tuân có máy sấy, thu hoạch gặp mưa chúng tôi cũng không sợ nữa vì cứ đến mùa tôi đều nhờ anh Tuân gặt, đưa thóc về nhà sấy, 14 tiếng sau đến chở thóc khô về. Trời nắng tôi cũng nhờ anh Tuân sấy vì nhà tôi không có chỗ phơi, thóc sấy đều hơn phơi truyền thống, hạt gạo cũng thơm, ngon hơn. Giờ làm nông nghiệp có máy móc hỗ trợ nông dân chúng tôi rất nhàn, hiệu quả sản xuất tăng lên nhiều lần so với trước.

Đến nay, trên địa bàn huyện Đông Hưng có 4 máy sấy, trong đó có 1 máy sấy của HTX Sản xuất kinh doanh gạo chất lượng cao xã Đông Tân, còn lại đều là của cá nhân tích tụ ruộng tự đầu tư lắp đặt phục vụ cho gia đình và làm dịch vụ cho bà con nông dân có nhu cầu. Không chỉ giúp nông dân chủ động trong sản xuất, thóc được sấy liên tục với nhiệt độ ổn định bảo đảm chất lượng, bảo quản được lâu hơn, hạn chế tình trạng phơi thóc trên đường giao thông. 

Anh Phạm Hoàng Sỹ, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh gạo chất lượng cao xã Đông Tân cho biết: HTX đã liên kết với nông dân bước đầu xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 50ha chủ lực là Đài thơm 8. Được sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên, năm 2021 HTX đã lắp đặt 1 lò sấy thóc hiện đại có công suất 10 - 15 tấn/mẻ. Tháng 10, thường mưa nhiều đúng thời kỳ cây lúa chín rộ khiến bông thóc ngậm nước, rất dễ lên mộng nếu không được phơi, sấy kịp thời. Để bảo đảm giữ nguyên màu sắc, hương vị tự nhiên, tăng giá trị, chất lượng của gạo làng Giắng cũng như bảo quản được lâu hơn điều bắt buộc là ngay sau thu hoạch phải đưa ngay tới lò sấy khô. Hiện lò sấy đang hoạt động hết công suất để sấy khô trên 100 tấn thóc của HTX và lúa cho bà con trong và ngoài xã nhằm chủ động, giảm thiểu thiệt hại sau thu hoạch.

Tích tụ ruộng đất đòi hỏi phải cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất. Ngày 10/12/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai; mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân mua máy sấy. Qua đó từng bước xây dựng nền sản xuất nông nghiệp chủ động, hiện đại, bền vững.

Dù gặt lúa ngày nắng nhưng anh Trần Văn Quân, xã Phong Châu (bên trái) vẫn thuê lò sấy khô luôn để giảm công phơi, nâng cao chất lượng hạt gạo.

Hiếu Nghĩa