Thứ 2, 18/11/2024, 07:50[GMT+7]

Những công nghệ Việt tại Khu công nghệ cao TP HCM

Thứ 2, 31/10/2022 | 08:05:35
1,539 lượt xem
Hơn 20 công nghệ về thiết bị không người lái, vật liệu nano silica, smart ATM... do người Việt nghiên cứu được giới thiệu tại triển lãm 20 năm Khu công nghệ cao TP HCM.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi (thứ 2 từ trái sang), Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt (thứ 3 từ trái sang), cùng PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý SHTP tham quan gian hàng của công ty Gremsy chuyên sản xuất các thiết bị chống rung cho camera gắn trên thiết bị bay không người lái.

Ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP) tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập và giới thiệu các sản phẩm công nghệ Việt của các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu. Đây là các công nghệ sản xuất trong nước do các kỹ sư nghiên cứu, phát triển. Có những công nghệ đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.

 Hiện Khu công nghệ cao TP HCM có 111 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 1,9 tỷ USD.

Thiết bị chống rung của công ty Gremsy giúp các camera hoạt động ổn định hơn khi thực hiện các nhiệm vụ khảo sát trắc địa, lập bản đồ, tìm kiếm cứu nạn, an ninh quốc phòng... Sản phẩm được làm chủ yếu bằng vật liệu sợi carbon có trọng lượng nhẹ nhưng vẫn có độ cứng cáp và bền.

Theo ông Trần Quốc Vinh, Giám đốc công ty, sản phẩm do người Việt làm chủ, hiện xuất khẩu cho hơn 60 quốc gia và có hệ thống phân phối ở 30 nước trên thế giới. "Chúng tôi còn là nhà cung cấp giải pháp thiết bị chống rung cho các hãng lớn trên thế giới về camera chuyên dụng và máy bay không người lái", ông Vinh nói.

Thiết bị bay không người lái của công ty Real-time Robotics chuyên sử dụng cho mục đích cứu hộ bằng cách thả các hộp đựng dụng cụ y tế từ trên không, độ chính xác cao. Thiết bị do nhóm kỹ sư người Việt nghiên cứu và phát triển với tầm bay khoảng 500 m, trọng lượng không tải 15 kg.

Thiết bị bay này có thể hoạt động liên tục trong khoảng 1 giờ, chở được 15 kg hàng hóa, trang thiết bị y tế và có thể thực hiện cứu hộ ban đêm nhờ có camera nhiệt.

Theo đại diện công ty Real-time Robotics, thiết bị bay có thể gấp gọn và cho vào trong balo, nên rất dễ vận chuyển. "Thông thường các thiết bị khác khi cho vào trong balo chỉ vận chuyển được 2 kg hàng hóa, còn sản phẩm của chúng tôi chở được 15 kg, tức gấp 7 lần", đại diện công ty nói.

Bột nano silica do công ty BSB Nanotech nghiên cứu. Bột nano silica tổng hợp từ vỏ trấu được ứng dụng trong ngành mỹ phẩm, làm đế giày, sơn nhà cửa, phân bón... Nano silica được trộn với cao su trong công đoạn làm đế giày giúp tăng khả năng chống mài mòn, tăng tính cơ lý của sản phẩm. Ở ngành mỹ phẩm, nano silica giúp tăng khả năng thấm hút, giúp các chất thấm vào da nhanh hơn.

Máy ATM thông minh do các kỹ sư công ty Uni Cloud phát triển. Ngoài rút tiền, chuyển khoản, máy ATM này cón có các tính năng mở thẻ, phát hành thẻ, kết nối trực tuyến với giao dịch viên... "Chúng tôi mất hơn 6 tháng để viết và thử nghiệm phần mềm cho hoạt động của máy", Nguyễn Anh Tấn, nhân viên kỹ thuật công ty cho biết. Máy ATM thông minh được doanh nghiệp hợp tác với một ngân hàng và triển khai lắp đặt khoảng 300 máy.

Robot chở hàng tự động di chuyển theo lập trình do công ty FPT Software phát triển.

Chia sẻ tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập SHTP, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, cho rằng Cách mạng 4.0 hay chuyển đổi số quan trọng nhất là dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI). Ông cho rằng, Việt Nam có nhiều kỹ sư có năng lực và đang làm những việc này. Do đó, TP HCM phải là trung tâm có nhiều chuyên gia hàng đầu về AI và dữ liệu lớn. "Tôi mong rằng Khu công nghệ cao TP HCM là nơi tập hợp tài năng, doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực, giúp nâng tầm công nghệ Việt", ông Bình nói và mong muốn SHTP hàng năm tạo ra được 100 startup và thu hút được 100 doanh nghiệp về đây phát triển.

Theo vnexpress.net