Thứ 5, 14/11/2024, 11:13[GMT+7]

Tạo động lực thu hút đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xứng tầm

Thứ 3, 29/11/2022 | 17:06:10
821 lượt xem
Ðào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội đất nước đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học không ngừng nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên. Trong đó, Ðại học Quốc gia Hà Nội với vị trí "đầu tàu" đã không ngừng triển khai các cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng người tài, có năng lực, tạo đột phá trong phát triển đội ngũ.

Đại học Quốc gia Hà Nội cơ sở Hòa Lạc

Thực hiện chủ trương quan trọng của Ðảng về ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, Ðại học Quốc gia Hà Nội đã xác lập và nỗ lực thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ lớn, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hiệu, Phó Giám đốc Ðại học Quốc gia Hà Nội cho biết, với uy tín, cũng như bề dày truyền thống trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức, Ðại học Quốc gia Hà Nội đã có nhiều quyết sách lớn và quan trọng, trong đó đã phê duyệt và triển khai thực hiện "Ðề án ươm tạo nhà khoa học trẻ" nhằm tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, cộng tác viên, người học đang tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập tại các đơn vị, trường đại học uy tín ở trong và ngoài nước. Trong đó, học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, giảng viên trẻ có mong muốn trở thành nhà khoa học và đáp ứng đủ yêu cầu về năng lực sẽ được tham gia chương trình.

Hoạt động ươm tạo nhà khoa học trẻ được triển khai đồng bộ từ việc hướng nghiệp và thu hút học sinh giỏi các trường trung học phổ thông, người học ở bậc đại học, sau đại học, sau tiến sĩ tại Ðại học Quốc gia Hà Nội và các đối tác quốc tế.

Theo đó, học bổng được cấp xét hằng năm cao nhất là 100 triệu đồng/người/năm với nghiên cứu sinh và 120 triệu đồng/người/năm với thực tập sinh căn cứ vào kết quả học tập, nghiên cứu, công bố và các thành tích khác. Các nghiên cứu sinh nhận học bổng sẽ được đơn vị đào tạo xem xét miễn học phí.

Trong năm học 2021-2022, có 11 nghiên cứu sinh và 20 thực tập sinh sau tiến sĩ đã xuất sắc giành được học bổng đầu tiên của Ðại học Quốc gia Hà Nội. Mục tiêu đến năm 2025, Ðại học Quốc gia Hà Nội thu hút, bổ sung khoảng 500 nhà khoa học trẻ có chất lượng, đóng vai trò là đội ngũ kế cận, góp phần vào sự phát triển của đơn vị; cấp khoảng 1.000 suất học bổng đại học, thạc sĩ; 300 suất học bổng tiến sĩ và sau tiến sĩ; 500 người đi học tập và thực tập tại các đối tác quốc tế.

Bên cạnh đó, năm 2022, Ðại học Quốc gia Hà Nội cũng triển khai thí điểm chính sách hỗ trợ tài chính đối với cán bộ khoa học trẻ. Trong ba năm đầu về công tác tại Ðại học Quốc gia Hà Nội, cán bộ được bảo đảm cấp một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Ðại học Quốc gia Hà Nội hoặc hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp đơn vị cơ sở. Hỗ trợ các công bố quốc tế chất lượng cao gồm các bài báo được hỗ trợ thuộc nhóm Q1, Q2 theo phân loại Scimago với mức hỗ trợ ít nhất 100 triệu đồng/bài báo đăng trên tạp chí thuộc tốp 5% của ngành, lĩnh vực; 70 triệu đồng/bài đăng các tạp chí thuộc nhóm Q1; 50 triệu đồng đối với bài báo trên tạp chí thuộc nhóm Q2...


Ngoài ra, Ðại học Quốc gia Hà Nội triển khai nhiều chính sách thu hút, tuyển dụng và phát triển đội ngũ như: Ðề án phát triển đội ngũ nhà khoa học trình độ cao, đầu ngành; triển khai việc thu hút, phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng (ngoài nước) của các đơn vị đào tạo phục vụ các khối ngành kỹ thuật và công nghệ. Xây dựng gói chính sách ưu đãi bổ sung đối với đội ngũ giáo sư và phó giáo sư, trong đó có chính sách về chăm sóc sức khỏe; thành lập và triển khai hoạt động của Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ, giảng viên.

Nghiên cứu sinh Nguyễn Thu Hằng, Trường đại học Công nghệ cho biết, rất vinh dự khi được nhận học bổng cho nghiên cứu sinh có năng lực nghiên cứu xuất sắc. Với hướng nghiên cứu: Ứng dụng công nghệ trong y sinh đối với sức khỏe con người, đây là một hướng nghiên cứu mới và khó, đòi hỏi sự đầu tư về tài chính. Nếu nghiên cứu sinh không có sự trợ giúp sẽ rất vất vả để triển khai. Vì vậy, học bổng của Ðại học Quốc gia Hà Nội cho nghiên cứu sinh là động lực lớn để giúp người nghiên cứu hoàn thiện, có những kết quả thiết thực, ứng dụng vào thực tế.

Thực tập sinh Nguyễn Văn Tuấn, Trường đại học Công nghệ (Ðại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: Việc được nhận học bổng thực tập sinh đã tạo điều kiện về mặt cơ sở vật chất cho tôi tiếp tục phát triển theo con đường nghiên cứu; giúp đỡ một phần tài chính để tập trung vào chuyên môn. Ðồng thời giúp thực tập sinh có cơ hội trao đổi với các chuyên gia đầu ngành, cũng như tham dự các buổi trao đổi học thuật chất lượng cao; tiếp thêm động lực để tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu của mình một cách bài bản, khoa học.

Trong khi đó, chị Mai Thị Nga, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST) chia sẻ, dù là cán bộ nghiên cứu của đơn vị bên ngoài nhưng vẫn được nhận học bổng dành cho thực tập sinh của Ðại học Quốc gia Hà Nội. Ðiều đó cho thấy học bổng thật sự hướng đến kết quả, uy tín học thuật, tính ứng dụng trong các nghiên cứu. Bởi thực tế có nhiều người nghiên cứu xong, đạt trình độ tiến sĩ, lại không có nguồn lực để nghiên cứu tiếp hướng đi đã chọn. Học bổng của Ðại học Quốc gia Hà Nội chính là động lực có thêm nguồn tài chính cho học tập và nghiên cứu sau tiến sĩ.

Nhờ các chính sách trọng dụng, thu hút giảng viên, nhà khoa học uy tín, chất lượng đội ngũ nhà giáo của Ðại học Quốc gia Hà Nội nâng lên đáng kể. Riêng trong năm 2022 có 56 giảng viên, nghiên cứu viên (bảy phó giáo sư, 49 tiến sĩ) về làm việc tại Ðại học Quốc gia Hà Nội. Tổng số cán bộ khoa học của Ðại học Quốc gia Hà Nội là 2.668 người, tỷ lệ cán bộ khoa học/tổng số cán bộ ở các đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học là 67%; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trên tổng số giảng viên cơ hữu đạt 66%; tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư đạt 21%. Trong đó, có 52 giáo sư, 413 phó giáo sư; 1.511 tiến sĩ.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ, giảng viên cơ hữu là người nước ngoài của các chương trình đào tạo trong Ðại học Quốc gia Hà Nội có 70 người trình độ tiến sĩ trở lên, góp phần quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy các kết quả nghiên cứu khoa học và tư vấn, góp ý các chủ trương, chính sách lớn trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Theo nhandan.vn