Thứ 2, 18/11/2024, 09:28[GMT+7]

Sinh viên làm xe điện nâng hạ tự động cho người khuyết tật

Thứ 4, 30/11/2022 | 07:34:00
1,046 lượt xem
Nhóm sinh viên Đại học Công nghệ TP HCM nghiên cứu cơ cấu nâng hạ sử dụng xi lanh điện, giúp người khuyết tật tự lên xuống xe điện mà không cần người hỗ trợ.

Sản phẩm do Trần Vũ Anh Khang, Tôn Thất Trọng Thức, Huỳnh Văn Ngọc Thảo và Lê Bảo Luân, sinh viên ngành kỹ thuật ôtô nghiên cứu từ cuối năm 2021 với mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật thoải mái hơn trong việc đi lại bằng xe điện.

Xe điện nhóm chế tạo có chiều dài 1,9 m, rộng 1,2 m, cao 1,4 m, trọng lượng khoảng 100 kg, tốc độ chạy tối đa 50 - 60 km mỗi giờ. Người sử dụng chỉ cần nhấn nút điều khiển từ xa, hệ thống sẽ tự động hạ gầm tạo thành một mặt phẳng nghiêng giúp việc di chuyển xe lăn lên dễ dàng. Sau khi người khuyết tật vào trong xe, hệ thống tự động nâng mặt phẳng lên vuông góc với thành xe.

Video: Xe_%C4%9ng_cho_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_khuy%E1%BA%BFt_t%E1%BA%ADt.mp4?_t=1669768249

 Sinh viên Đại học Công nghệ TP HCM giới thiệu các bước sử dụng xe điện có cơ cấu nâng hạ cho người khuyết tật.  

Theo Ngọc Thảo, trưởng nhóm, thông thường người khuyết tật dùng xe điện trong quá trình lên xuống, cần sự hỗ trợ của người khác. Khảo sát cho thấy các loại xe máy, xe điện dành cho người khuyết tật hiện chưa có cơ cấu để họ tự lên xuống xe. Ở nước ngoài đã có nhiều loại xe này nhưng giá thành cao, có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.Từ thực tế này, nhóm muốn phát triển sản phẩm với mục tiêu tạo ra xe điện có giá phù hợp với người Việt.

Nhóm khảo sát đối với 50 người về nhu cầu sử dụng xe có cơ cấu nâng hạ gầm trên một diễn đàn cho người khuyết tật. Kết quả hơn một nửa trong số người được khảo sát mong muốn các xe điện có cơ cấu nâng hạ giúp họ chủ động hơn. Điều này đã thôi thúc các thành viên nhóm phát triển sản phẩm.

Sau hơn 3 tháng lên bản vẽ, tính toán thông số an toàn, bốn thành viên nhóm gia công cơ khí, lập trình điều khiển. Mất gần 1 năm để nhóm tạo thành chiếc xe hoàn chỉnh.

Theo Bảo Luân, quá trình chế tạo xe phần khó nhất là cơ cấu nâng hạ gầm, đại diện nhóm cho biết. Thêm nữa các cơ cấu nâng hạ hiện nay chủ yếu sử dụng khí nén, thủy lực... có chi phí cao và làm tăng trọng lượng và kích thước, có thể khiến xe cồng kềnh hơn. Để khắc phục nhược điểm này, nhóm sử dụng cơ cấu nâng hạ bằng xi-lanh điện sử dụng động cơ và hệ bánh răng liên kết với nhau với chi phí thấp hơn. "Công nghệ xi-lanh điện khi nâng hạ sẽ ít ảnh hưởng đến phuộc xe, trong khi các cơ cấu về khí nén, thủy lực mức độ ảnh hưởng phuộc lớn hơn, làm giảm độ bền và độ an toàn của xe", Luân chia sẻ.

Ngọc Thảo, thành viên nhóm cho biết chi phí để làm xe điện khoảng 60 triệu đồng, nhưng nếu được hỗ trợ thương mại hóa, sản xuất hàng loạt, sản phẩm có thể giảm còn khoảng 20 triệu đồng, phù hợp với nhiều người khuyết tật.

Một số người dùng thử nghiệm đã đánh giá hệ thống điều khiển từ xa hoạt động ổn định, cơ cấu nâng hạ hỗ trợ hiệu quả khi lên xuống xe. Tuy nhiên, cơ cấu có nhược điểm hoạt động hơi chậm, mất khoảng 10 giây cho một lần hoàn thành và khu vực ngồi hơi rộng, khiến họ cảm giác không an toàn... "Nhóm sẽ tiếp tục cải tiến để phiên bản sau hoàn thiện hơn", Thảo nói.


Sản phẩm xe điện của nhóm tham gia cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka tháng 11/2022. Ảnh: Hà An

PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh, chuyên gia cơ khí chế tạo máy, Viện công nghệ thông minh và tương tác, Đại học Kinh tế TP HCM đánh giá, đây là sản phẩm ý nghĩa cả về tính ứng dụng và nhân văn vì hướng đến những người yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên sản phẩm ở dạng mô hình, cần tính đến yếu tố đảm bảo an toàn của xe và hiệu quả hỗ trợ người tàn tật bằng việc thử nghiệm thực tế cho nhiều người, từ đó có đánh giá để điều chỉnh phù hợp.

Ông Thịnh cũng cho rằng, cơ cấu nâng hạ cùng các bộ phận cần phải thực hiện kiểm định của cơ quan chức năng thì mới có thể ứng dụng. Về thiết kế xe, nhóm cần tính toán, phân tích kỹ dựa trên các cơ sở khoa học để đánh giá chất lượng và hiệu quả hỗ trợ một cách tốt nhất.

Theo: vnexpress.net