Thứ 2, 18/11/2024, 15:52[GMT+7]

Sôi nổi phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật trong thanh thiếu niên nhi đồng

Thứ 4, 18/01/2023 | 21:46:05
3,039 lượt xem
Những năm qua, cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng được coi là sân chơi bổ ích để thanh thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh phát huy tư duy sáng tạo và thỏa mãn niềm đam mê của mình. Qua đó góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) trên địa bàn tỉnh.

Phạm Thiên Tú và Bùi Tiến Dũng, học sinh Trường THPT Bắc Đông Quan (Đông Hưng) - đồng tác giả của đề tài “Sáng tạo tranh nghệ thuật từ những nguyên liệu tái chế thân thiện với môi trường”.

Phạm Thiên Tú và Bùi Tiến Dũng, học sinh Trường THPT Bắc Đông Quan (Đông Hưng) là đồng tác giả của đề tài “Sáng tạo tranh nghệ thuật từ những nguyên liệu tái chế thân thiện với môi trường”. Từ những quận chỉ thừa, hạt cườm, cúc áo cũ cho đến những miếng gỗ bị bỏ đi với đủ loại kích cỡ... đã được hai em sáng tạo thành những bức tranh nghệ thuật mang giá trị thẩm mỹ cao. 

Phạm Thiên Tú cho biết: Chúng em thực hiện đề tài này từ khi còn học dưới mái trường THCS Đông Sơn. Thực tế môi trường hiện nay rất ô nhiễm do rác thải ngày càng nhiều, trong đó một số loại rác thải có thể tái chế thành vật dụng hữu ích cho cuộc sống nhưng đã bị con người bỏ đi do chưa biết tận dụng và chưa thấy hết giá trị của nó. Xuất phát từ đó, với niềm đam mê và những kiến thức về hội họa, chúng em đã quyết định thực hiện đề tài sáng tạo tranh nghệ thuật từ những nguyên liệu tái chế thân thiện với môi trường. Thông điệp mà chúng em muốn truyền tải đó chính là mọi người hãy hạn chế xả rác thải ra môi trường và cùng chung tay bảo vệ môi trường.

2 tháng là khoảng thời gian Thiên Tú và Tiến Dũng cùng với cô giáo của mình hoàn thành xong các bức tranh từ những nguyên liệu bỏ đi. Mỗi bức tranh đều mang những thông điệp ý nghĩa như: Trái đất đang bị rác thải nhựa xâm nhập, hậu quả của biến đổi khí hậu, ô nhiễm biển khiến rất nhiều sinh vật biển không còn môi trường để sinh sống... 

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, giáo viên Mỹ thuật, Trường THCS Đông Sơn cho biết: Sau khi Tú và Dũng có ý tưởng cho đề tài này, tôi đã cùng hai em lên kế hoạch và phân công công việc cụ thể. Bằng kiến thức chuyên môn của mình, tôi đã hướng dẫn và góp ý cho các em trong suốt quá trình thực hiện đề tài như: lên khung tranh, vẽ phác thảo, căng chỉ và phun sơn... để tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh. Chúng tôi đã tận dụng rất nhiều chỉ thừa, cúc áo cũ, mặt bàn, cánh cửa bỏ đi... của các công ty may mặc tại địa phương để làm nên những bức tranh nghệ thuật thân thiện với môi trường. Đề tài đã vinh dự đạt giải ba cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 18 năm 2022. 

Thầy giáo Nguyễn Duy Thư, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Sơn cho biết: Để đạt được thành tích về KHKT, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của các em học sinh phải kể đến sự tâm huyết, nhiệt tình, sự đồng hành của các thầy cô giáo trong nhà trường. Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục tạo điều kiện để thầy và trò tiếp tục tham gia phong trào sáng tạo KHKT, góp phần vào thành tích chung của nhà trường.

Những tác phẩm nổi bật của Phạm Thiên Tú và Bùi Tiến Dũng.

Có thể nói, sáng tạo KHKT là một trong những hoạt động hỗ trợ tích cực cho việc dạy và học. Xác định rõ điều đó nên Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (thành phố Thái Bình) đã tích cực hưởng ứng, đẩy mạnh sáng tạo KHKT và đạt được nhiều thành tích nổi bật. Với sự quan tâm, sát sao của Ban giám hiệu và các thầy cô giáo, phong trào đã tạo được sự hứng khởi, khơi gợi niềm đam mê học tập, sáng tạo KHKT trong học sinh và giáo viên nhà trường. 

Cô giáo Phạm Thị Hải Yến, Bí thư Đoàn trường, người có nhiều năm gắn bó, hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi sáng tạo KHKT chia sẻ: Ngay từ đầu mỗi năm học, Đoàn trường đã triển khai kế hoạch các cuộc thi sáng tạo KHKT các cấp tới học sinh toàn trường. Khi các em học sinh có ý tưởng, thầy cô giáo sẽ hướng dẫn, hỗ trợ thêm giúp các em thực hiện các dự án, đề tài. Hầu hết các đề tài sáng tạo KHKT của các em học sinh có tính ứng dụng cao trong lao động sản xuất và đời sống hàng ngày. Từ năm học 2018 - 2019 đến năm học 2022 - 2023, mỗi khi phát động các cuộc thi sáng tạo KHKT, tất cả các khối lớp của Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh đều có sản phẩm, đề tài dự thi, có lớp có từ 2 - 3 sản phẩm dự thi. Mỗi năm học, nhà trường đều có đề tài, sản phẩm đạt giải cao tại cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học và cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh.

Thời gian qua, phong trào sáng tạo KHKT trong học sinh và các nhà trường phát triển mạnh mẽ, nhiều cuộc thi về sáng tạo KHKT được tổ chức trong đó cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh đã góp phần tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phong trào sáng tạo KHKT trong các em học sinh phát triển. Cuộc thi do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn, Đài PTTH tỉnh, Báo Thái Bình tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013. Đến nay, qua 5 kỳ tổ chức, cuộc thi đã thu hút gần 600 mô hình, sản phẩm của các em học sinh trong độ tuổi từ 6 - 18 tuổi ở các cấp học tham gia. Qua cuộc thi nhằm khơi dậy tiềm năng trí tuệ và phát huy tư duy sáng tạo của học sinh trong toàn tỉnh, giúp các em trau dồi kiến thức, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống, qua đó thúc đẩy phong trào học tập, nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. 

Ông Nguyễn Ngọc Dư, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết: Để nâng cao chất lượng cuộc thi, thời gian tới, Liên hiệp Hội tiếp tục phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan tích cực đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, khơi dậy đam mê nghiên cứu sáng tạo KHKT trong học sinh, thanh thiếu nhi. Phối hợp chặt chẽ với các phòng giáo dục và đào tạo huyện, thành phố làm tốt công tác động viên, khuyến khích các trường hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi KHKT. Đổi mới công tác đánh giá, chấm điểm sản phẩm mô hình dự thi, tích hợp công nghệ 4.0 trong các bước đánh giá về tiêu chí sản phẩm, bảo đảm sản phẩm dự thi được đánh giá công bằng, khách quan, khoa học. Các giải pháp sau đạt giải có thể ứng dụng, nhân rộng trong sản xuất đời sống, mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội. Kịp thời tham mưu các hình thức động viên, tôn vinh, khen thưởng đối với cá nhân có sản phẩm đạt giải; khen thưởng đơn vị, trường học có nhiều sản phẩm đạt giải. Từ đó, kiến tạo các cuộc thi trở thành sân chơi trí tuệ lý thú và bổ ích để thanh thiếu nhi trong toàn tỉnh hào hứng tham gia.

Thu Hoài