Thứ 2, 18/11/2024, 17:32[GMT+7]

Nhiều nhà xuất bản cấm sản phẩm ChatGPT trong bài báo khoa học

Thứ 6, 03/02/2023 | 20:17:49
916 lượt xem
Trước lo ngại về liêm chính khoa học, các tạp chí thuộc hệ thống Springer Nature hay Science điều chỉnh quy định nộp bài, yêu cầu không được đưa các ứng dụng AI như ChatGPT vào danh sách tác giả.

Chatbot trí tuệ nhân tạo, ChatGPT ra mắt cuối tháng 11/2022.

Trong vòng chưa đầy 2 tháng, ChatGPT (Generative Pretraining Transformer) trở thành hiện tượng gây sốt toàn cầu. Đây là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển bằng kỹ thuật học tăng cường, được đào tạo để đưa ra câu trả lời giống một cuộc trò chuyện với người thật. Siêu AI được cung cấp bởi nhà phát triển OpenAI, có thể làm thơ, viết code và trả lời nhiều vấn đề phức tạp từ tổng hợp tin tức đến triết học.

Trước sự bùng nổ với hàng triệu người dùng trên thế giới, nhiều nhà xuất bản thể hiện lo ngại ảnh hưởng của Chatbot AI này trong khoa học và học thuật. Trong động thái mới đây, Science đã cập nhật chính sách xuất bản mới, cho biết cấm các tác giả đưa vào bài báo khoa học những đoạn văn, biểu đồ, hình ảnh là sản phẩm của ChatGPT và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Các ứng dụng này cũng không được phép đứng tên tác giả bài báo. Tạp chí Science cho biết việc vi phạm quy định này cũng bị xem là hành vi vi phạm liêm chính khoa học nghiêm trọng tương tự chỉnh sửa kết quả hay đạo văn.

Tổng biên tập tạp chí Science Holden Thorp cho biết, có những tác động nghiêm trọng từ các công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT sẽ thay đổi giáo dục như thế nào khi chúng có thể viết các bài luận cho sinh viên, giải đáp thắc mắc y học, tóm tắt nghiên cứu. Đáng ngại hơn là những ảnh hưởng trong việc viết bài báo khoa học khi chat GPT có thể tạo tóm tắt nghiên cứu đủ tốt khiến các nhà khoa học cũng khó phát hiện đó là "tin giả".

GS Thorp nhận định "ChatGPT rất thú vị nhưng không thể trở thành tác giả bài báo". Ông cho hay, từ lâu các nhà khoa học phải cam kết rằng nghiên cứu của mình là "nguyên gốc" (original), không được sao chép từ bất cứ nguồn nào trước khi được chấp nhận xuất bản. Rõ ràng những đoạn văn được tạo tự động từ ChatGPT không phải do các nhà khoa học tự viết. Do đó, tạp chí Science xem đây là một hành động tương tự như đạo văn và vi phạm nghiêm trọng liêm chính học thuật.

Tuy nhiên ông cho rằng để tạo bài báo học thuật đích thực vẫn là một chặng đường dài và những sáng tạo không phải vấn đề mà AI có thể dễ dàng làm được. "Trí tuệ nhân tạo chỉ là công cụ hỗ trợ nghiên cứu, còn sản phẩm khoa học phải đến từ cỗ máy tuyệt vời trong đầu các nhà khoa học", ông cho hay.

Ít ngày trước đó, Nature cùng tất cả tạp chí thuộc nhà xuất bản Springer Nature cũng thông báo điều chỉnh quy định nộp bài, yêu cầu không được đưa các ứng dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT vào danh sách tác giả. Theo tạp chí danh tiếng này, một trong những tiêu chí để trở thành tác giả bài báo là phải chịu trách nhiệm về công trình, điều mà ChatGPT và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo không thể đáp ứng được.

Không thể xem ChatGPT là một tác giả nghiên cứu khoa học

Chia sẻ với VnExpress, TS Lê Duy Tân, giảng viên Khoa CNTT, Đại học Quốc tế, ĐHQG TP HCM, đồng tình với chính sách đưa ra từ tạp chí Science. TS Tân cho biết, thực tế cho thấy có những trường hợp ChatGPT đưa ra những câu trả lời vô nghĩa, hoặc "có vẻ" đúng, nhưng lại hoàn toàn sai. Và ChatGPT không phải là con người nên không thể chịu trách nhiệm cho sự sai sót của mình.

"Các mô hình máy học có độ phức tạp rất cao nên nhà phát triển rất khó để can thiệp nếu kết quả trả về của ChatGPT bị sai", anh nói. TS Tân dẫn thêm, Stack Overflow, trang web hỏi đáp dành cho các lập trình viên chuyên nghiệp, cũng đã cấm các kết quả được tạo ra tự động từ ChatGPT vì nhiều kết quả bị sai lệch. Do đó không thể xem ChatGPT là một tác giả một bài nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên TS Tân tin rằng độ chính xác của ChatGPT sẽ được cải thiện theo thời gian. "Các nhà khoa học nên tận dụng công cụ ChatGPT này để hỗ trợ trong công tác nghiên cứu của mình", anh nói. Ví dụ có thể sử dụng trong cung cấp thông tin về các chủ đề cụ thể trong lĩnh vực nghiên cứu, tổng hợp và phân tích các bộ dữ liệu lớn và giúp thiết kế, lập kế hoạch thí nghiệm. Ngoài ra, ChatGPT còn có khả năng hỗ trợ dịch văn bản nên nhà khoa học có thể tận dụng xuất bản nghiên cứu của mình sang nhiều ngôn ngữ khác nhau một cách nhanh chóng, hiệu quả. Anh nhấn mạnh các nhà khoa học phải là những người đầu tiên thích ứng với những sự thay đổi công nghệ này và sử dụng với mục đích chính đáng.

Giao diện ChatGPT. Ảnh:Bảo Lâm

Giao diện ChatGPT.

PGS.TS Nguyễn Đình Quân, Đại học Bách khoa, ĐHQG TP HCM đánh giá đây là ứng dụng minh chứng cho bước ngoặt của nhân loại khi bùng nổ công nghệ AI. Tuy nhiên ChatGPT chỉ là một thuật toán tự tối ưu hóa bằng việc xử lý nhận diện các mẫu dữ liệu có tính lặp lại theo quy luật và không phải là con người có sự sáng tạo riêng. Ứng dụng này không copy nguyên văn nhưng tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn bằng thuật toán. "Ở một góc độ nào đó cũng như việc tác giả lấy cái có sẵn của người khác để làm của mình, do đó không thể được xem là tác giả bài nghiên cứu khoa học", ông nói.

Mặc dù có những lo ngại về lạm dụng ứng dụng AI trong học thuật, PGS Quân cho hay, chúng không thể thay thế vai trò sáng tạo của những nhà khoa học. Việc dùng AI xào xáo dữ liệu cũng giống một số nhà khoa học chỉ dùng tiểu xảo để "dập khuôn công nghiệp" để làm giàu thành tích cá nhân mà không có đóng góp giá trị thực tế lẫn học thuật. Ông cho biết hoàn toàn có thể phát hiện ra "sản phẩm 'chế biến' bởi AI bởi nó tính lặp lại nhất định, chung chung theo xác suất tối ưu. Vì thế có thể phát hiện được bằng những thuật toán AI khác và hiện nay đã có ý tưởng sử dụng chính AI kiểm soát AI.

PGS Quân đánh giá, ChatGPT sẽ là công cụ tiết kiệm thời gian cho bất kỳ ngành nghề nào nếu được sử dụng đúng cách. Tuy nhiên "sự sáng tạo đích thực sẽ ngày một khẳng định giá trị còn những kết quả có tính xào xáo, pha trộn, chất lượng tầm thường sẽ dần mất chỗ đứng bởi AI làm việc đó tốt hơn nhiều", PGS Quân nói.

Trải nghiệm ChatGPT, TS Vũ Việt Dũng, Viện phát triển và ứng dụng vật liệu âm thanh - chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực vật liệu cách âm ghi nhận, đây là công cụ hỗ trợ đắc lực cho học tập, nghiên cứu khi nó có kho dữ liệu vô cùng khổng lồ. Ông cho rằng, ứng dụng giúp những người làm khoa học hiểu thông tin đề tài một cách tổng quát nhất. "Công cụ này hỗ trợ nhà nghiên cứu tìm thông tin, bài báo khoa học nhanh hơn", TS Dũng nhận định. Ngoài ra, ChatGPT giúp nhà khoa học viết code theo ngôn ngữ tính toán với từng lĩnh vực như Matlab, C++, Java... để xử lý vấn đề bằng các mô phỏng, thí nghiệm.

Tuy nhiên, ông Dũng nhận định, dữ liệu được tạo ra bởi chat GPT trong một số trường hợp chưa chính xác hoặc chưa đáng tin cậy bởi mọi người không thể kiểm chứng được độ xác thực của những thông tin mà chúng tạo ra nhờ vào lượng tri thức và dữ liệu khổng lồ mà nó sở hữu trên internet. Đôi khi ChatGPT đưa sai về cú pháp lệnh, câu từ hay nội dung chưa chính xác. "Vì vậy, bạn vẫn là người kiểm duyệt và chỉnh sửa cuối cùng", TS Dũng nói. Nhưng ông thừa nhận ChatGPT có thể khắc phục mỗi ngày và trở thành công cụ đắc lực cho tương lai.

TS Lê Thành Sách, Khoa khoa học kỹ thuật và máy tính, Đại học Bách khoa TP HCM, cho rằng ChatGPT cảnh báo, nếu lạm dụng ChatGPT nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ sẽ lệ thuộc, thụ động trong học tập. "AI gần như làm thay con người trong việc viết văn, làm bài luận... xảy ra vấn đề tiêu cực tạo ra áp lực với giáo viên", TS Sách nói. Theo ông, công cụ nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực nên cần sử dụng vào mục đích phù hợp, để nó phục vụ con người.

Theo vnexpress.net