Thứ 2, 18/11/2024, 20:35[GMT+7]

Phát hiện khối cầu sắt 600 km ở tâm Trái Đất

Thứ 5, 23/02/2023 | 09:51:10
1,943 lượt xem
Các nhà khoa học phát hiện sự tồn tại của một khối cầu sắt-nickel trong lòng Trái Đất thông qua dữ liệu sóng địa chấn.

Mô phỏng sóng địa chấn truyền qua các lớp trong lòng Trái Đất.

Bên dưới lớp vỏ ở ngoài cùng, lớp phủ và lõi ngoài nóng chảy là lớp trung tâm bằng kim loại rắn của Trái Đất nhưng lớp này còn có phần lõi trong cùng, theo nghiên cứu mới công bố hôm 21/2 trên tạp chí Nature Communications. Phát hiện lớn này cho thấy Trái Đất có 5 lớp chính thay vì 4, và cung cấp những chi tiết mới mà các nhà khoa học có thể sử dụng để khám phá một số bí ẩn về Trái Đất và cách hành tinh hình thành.

Những nhà địa chất học lần đầu nêu giả thuyết lõi Trái Đất có thể có thêm một lớp khó nhận thấy cách đây khoảng 20 năm. Giờ đây, sử dụng bộ dữ liệu thu thập bằng cách đo sóng địa chấn của động đất khi chúng truyền qua trung tâm Trái Đất, nhóm nghiên cứu phát hiện phần lõi ở trong cùng. Sóng địa chấn là rung động chạy qua bề mặt Trái Đất và xuyên qua các lớp phía trong do động đất, núi lửa hoặc nhiều hiện tượng khác.

"Trong nghiên cứu này, lần đầu tiên chúng tôi báo cáo quan sát về sóng địa chấn có nguồn gốc từ động đất mạnh truyền từ một bên của địa cầu tới đầu bên kia như đạn nảy", tiến sĩ Phạm Thanh Sơn, nhà địa chấn học kiêm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở Trường nghiên cứu khoa học Trái Đất tại Đại học Quốc gia Australia, Canberra, cho biết.

Nguyên nhân lớp này chưa từng được quan sát trước đây là do cấu tạo của nó rất giống lớp phía trên. Cả phần lõi mới phát hiện, một khối cầu kim loại rộng 644 km và lớp vỏ bên ngoài đều cấu tạo từ hợp kim sắt-nickel với lượng rất nhỏ kim loại khác. Ngoài ra, sự chuyển đổi từ khối cầu rắn ở trong cùng tới vỏ ngoài dường như dần dần thay vì đột ngột. "Đó là lý do tại sao chúng tôi không thể quan sát nó thông qua phản xạ trực tiếp của sóng địa chấn", tiến sĩ Sơn cho biết.

Sử dụng thiết bị phát hiện sóng rung động, nhóm nghiên cứu nhận thấy lõi trong cùng có tính dị hướng riêng biệt. Đó là đặc điểm của một hợp chất cho phép nó có những đặc tính khác nhau tùy theo góc tiếp cận. Một ví dụ của vật thể có tính dị hướng là gỗ. Chẻ một khúc gỗ làm đôi theo hướng bổ dọc sẽ dễ hơn nhiều so với chặt ngang.

Khi đánh giá lõi Trái Đất, các nhà nghiên cứu xem xét sóng địa chấn truyền nhanh tới mức nào qua đó theo những hướng khác nhau. Họ phát hiện lõi trong cùng thay đổi tốc độ của sóng địa chấn theo cách khác biệt với lớp bên trên.

Việc phát hiện lớp mới ở độ sâu hơn 1.600 km bên dưới mặt đất rất quan trọng. Sự tồn tại của lõi trong cùng có thể cung cấp cho giới nghiên cứu hiểu biết kỹ hơn về từ trường Trái Đất cũng như cách nó tiến hóa, đồng thời suy đoán điều gì có thể xảy ra với những hành tinh khác. "Chẳng hạn như sao Hỏa. Chúng ta vẫn chưa biết tại sao từ trường sao Hỏa ngừng tồn tại trong quá khứ", tiến sĩ Sơn nói.

Theo vnexpress.net