Thứ 2, 18/11/2024, 19:40[GMT+7]

29 đội tranh tài tại chung kết Sáng kiến Khoa học 2023

Thứ 5, 27/04/2023 | 17:34:55
1,431 lượt xem
Các đội thi thuyết trình về quá trình nghiên cứu sản phẩm, giải pháp công nghệ cũng như khả năng ứng dụng... trước Hội đồng giám khảo vòng chung kết cuộc thi Sáng kiến Khoa học.

Thí sinh thuyết trình online trước thành viên Hội đồng giám khảo và Ban tổ chức.

Phần tranh tài của các nhóm dự thi diễn ra cả ngày 26/4. Đây là 29 dự án, sản phẩm (trong tổng số 30 hồ sơ) được sàng lọc bởi Ban giám khảo và bình chọn của độc giả VnExpress từ 118 hồ sơ ở vòng loại.

Mỗi đội thi có 5 phút trình bày về kết quả nghiên cứu. Giải pháp các đội đưa ra chạm đến những vấn đề được quan tâm như chăm sóc sức khỏe, môi trường, cải tiến kỹ thuật trong nông nghiệp, sản phẩm mới tận dụng nguyên liệu có sẵn tại địa phương góp phần hỗ trợ người dân ở vùng dân tộc, miền núi.

Trong số này, tác giả Trần Thị Quỳnh (18 tuổi), THPT Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên trình bày về chế tạo tơ sợi tự nhiên từ lá cây lưỡi hổ. Dự án tận dụng cây lưỡi hổ mọc hoang dại ở các bản làng huyện Mường Nhé để chế sợi tơ không co, không xù, có độ bền cao, sử dụng làm tóc giả. Nhóm cho biết, tơ sợi được sản xuất thủ không sử dụng hoá chất, được kỳ vọng giúp người dân có thêm cây trồng mới đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo.

BS chuyên khoa II Phạm Trung Hiếu, Phụ trách trung tâm nghiên cứu công nghệ in 3D y sinh, Đại học VinUni thuyết trình về thiết bị dẫn đường phẫu thuật cá thể hoá trong mổ thay khớp gối toàn phần. Với kỹ thuật này, từng người bệnh sẽ được tính toán, thiết kế và in 3D thay khớp gối dựa trên trục cơ học của bệnh nhân.

5 thành viên Hội đồng giám khảo (trực tuyến và trực tiếp) nghe trình bày từ các thí sinh. Ảnh: NQ

Các thành viên Hội đồng giám khảo (trực tuyến và trực tiếp) nghe trình bày từ các thí sinh. 

Tác giả Lương Văn Trường trình bày trước hội đồng về kỹ thuật nảy mầm hạt giống trong vòng vài chục phút. Những hạt thóc giống được mục sở thị ngay tại cuộc thi đã mang lại nhiều thú vị cho các thành viên giám khảo.

Tác giả cho biết, giải pháp dựa theo chu kỳ sinh lý tự nhiên của cây trồng, đưa ra quy trình kỹ thuật giúp hạt lúa giống đã nảy mầm về trạng thái ngủ đông, sau đó lưu trữ đến thời điểm thích hợp để gieo trồng. Hạt giống qua xử lý bằng giải pháp này thông thường từ 30 đến 120 phút gặp điều kiện thích hợp là nảy mầm. Mặc dù bài thuyết trình chưa nêu bật được một số mặt công nghệ về cách thay đổi và chuyển hoá năng lượng, thông số phân huỷ, sử dụng enzym, song giải pháp được đánh giá tốt, hiệu quả tác động lớn trong sản xuất giống. Hiện giải pháp được nhóm đăng ký bảo hộ sáng chế năm 2021.

Hàng chục tác giả có độ tuổi từ 17 đến 20, đến từ các trường THCS, THPT, cùng nhiều "nhà nghiên cứu chân đất" mang đến những câu chuyện thú vị. Một số giải pháp táo bạo xuất phát từ những thí sinh GenZ, người nông dân, người tham gia sản xuất trong đời thường, dù không có nhiều nguồn tài nguyên dồi dào nhưng đã tận dụng hết khả năng, trải nghiệm thực tế để đưa ra giải pháp phục vụ sản xuất, đời sống.

Trong đó có ý tưởng thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật bằng cáp treo di động của tác giả Đinh Văn Trung đến từ THPT Diễn Châu 2, Nghệ An được nhận xét đáng khích lệ. Dù tuổi còn nhỏ song tác giả đầy sáng tạo với việc tìm kiếm giải pháp giải bài toán từ chính thực tế cuộc sống. Phần thuyết trình tự tin và ứng xử thông minh trước những câu hỏi khó, cho thấy sự chuẩn bị kỹ càng cũng là điều gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo. Bên cạnh câu hỏi chuyên môn, các nhà khoa học gợi ý về hệ thống giàn treo thực tế hơn, kỹ thuật vận hành cáp và hướng phát triển để bà con nông dân có thể tiếp cận được nếu đem sử dụng tại các cánh đồng rộng lớn hơn.

Nhiều dự án nổi bật với sự sáng tạo, hàm lượng khoa học cao được ban giám khảo đưa ra các gợi ý phát triển hướng nghiên cứu để hoàn thiện sản phẩm. Sáng chế công nghệ TIR lens của TS Nguyễn Đoàn Quốc Anh cùng các cộng sự tại Nhóm nghiên cứu tối ưu hóa hệ thống điện (PSO), Khoa Điện - Điện tử, trường Đại học Tôn Đức Thắng nhận được sự quan tâm. Nhóm nhà khoa học nghiên cứu thay đổi sự phân bố đèn; khảo sát sự thay đổi màu sắc; hoặc độ rọi của đèn nhằm tăng hiệu quả chiếu sáng và giảm chi phí vận hành, giúp sử dụng đơn giản và áp dụng rộng rãi.

Nhiều đội thi đến từ các tỉnh miền núi. Ảnh: NQ

Cuộc thi có thêm hạng mục "Giải sáng kiến" được trao cho tác giả có sáng kiến đặc biệt phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, khiến các dự án đến từ các tỉnh miền núi năm nay vượt trội. 

Sau phần trình bày, Hội đồng giám khảo đặt câu hỏi với đại diện các dự án để làm rõ điểm nổi bật sản phẩm, ý tưởng, tính sáng tạo, mô hình và phát triển công nghệ trong tương lai. Các yếu tố tính ứng dụng và thương mại hoá ra thị trường cũng được thảo luận.

Dù thời gian rất ngắn, các thành viên hội đồng giám khảo đã trao đổi về mặt công nghệ, xu hướng mới và cách thức đưa sản phẩm từ phòng thí nghiệm ra thực tế. Những dự án như "Tưới phun tự động có ứng dụng cảm biến độ ẩm đất và nhiệt" trong nông nghiệp áp dụng 4.0 được sáng chế phù hợp với điều kiện canh tác, khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Hệ thống giám sát và điều khiển ao tôm, TS Trần Thanh Hùng, ĐH Cần Thơ hay Vật liệu trên cơ sở hydrogel từ rơm của TS Nguyễn Thị Tuyết Ngọc cũng nhận được những gợi ý từ ban giám khảo.

PGS.TS Mai Anh Tuấn, Trưởng ban giám khảo, đánh giá, cuộc thi năm nay thu hút cả số lượng, thành phần đội chơi ngày càng trẻ hoá khi có nhiều đội đến từ khối trung học cơ sở, trung học phổ thông, các thí sinh trẻ tuổi. Nhận xét về các dự án vòng này, ông cho biết các giải pháp, sản phẩm chia tầm khá rõ rệt, ở đó các dự án từ trường Đại học, Viện nghiên cứu thường khá bài bản, nghiên cứu đòi hỏi số lượng, chất lượng nhân lực đầu tư lớn. "Những trình bày tại cuộc thi cho thấy được sự đầu tư bài bản, đây cũng là niềm tự hào đối với những người làm khoa học", ông nói.

PGS Tuấn ấn tượng với nhiều đề tài xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong cuộc sống, phần lớn đến từ các sáng chế trong nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe con người. Đánh giá những ý tưởng rất thiết thực, ông cho hay với các nhà khoa học, sáng chế không chuyên nếu có cơ hội kết nối với các đơn vị nghiên cứu chuyên nghiệp sẽ tăng giá trị sản phẩm nhiều hơn.

PGS.TS Mai Anh Tuấn. Ảnh: NQ

PGS.TS Mai Anh Tuấn.

Sau phần thi, Ban tổ chức sẽ tìm ra dự án xuất sắc, trao giải vào ngày 17/5. Năm nay giải thưởng được nâng lên 300 triệu đồng. Trong đó, giải đặc biệt 100 triệu đồng, giải nhất 70 triệu đồng, giải nhì 50 triệu đồng, giải ba 30 triệu đồng cùng giải khuyến khích 20 triệu đồng. Cuộc thi có thêm hạng mục "Giải sáng kiến" được trao cho tác giả có sáng kiến đặc biệt phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi (trị giá 30 triệu đồng).

Theo vnexpress.net